Thông qua các hoạt động truyền thông, giờ đây nhắc đến việc phân loại rác thải tại nguồn, phần lớn người dân đều nhận thấy đấy là việc cần làm bởi những lợi ích thiết thực mà nó mang lại. Hơn thế, chị em phụ nữ và đông đảo người dân ở tổ dân phố số 7, phường Phúc Đồng, quận Long Biên, thành phố Hà Nội còn biến tư duy, nhận thức thành những hành động cụ thể, thiết thực.
Bà Trần Thị Thu Hương là một trong số đó. Thực hiện chương trình hành động “Vì một Long Biên xanh - sạch - đẹp - văn minh”, gần hai năm nay, bà đã thay đổi thói quen hành xử với rác thải sinh hoạt. Thay vì cho tất cả các loại rác vào một thùng, giờ đây bà chia ra 3 thùng, gồm rác hữu cơ dễ phân hủy; rác thải khó phân hủy và rác tái chế. “Ban đầu tôi hơi bỡ ngỡ trong việc phân loại nhưng sau đó được chị em phụ nữ trong tổ dân phố hướng dẫn cách nhận biết các loại rác nên bây giờ không chỉ phân loại đúng, tôi còn biết làm phân vi sinh từ rác hữu cơ để bón rau”, bà Hương chia sẻ.
Từ khi thay đổi thói quen, hàng tháng bà Hương còn góp một khoản tiền nhỏ vào quỹ bảo vệ môi trường của Chi hội phụ nữ từ việc bán các loại rác tái chế. Số tiền nhỏ nhưng nó khiến bà hiểu rõ hơn về lợi ích của việc phân loại rác. Chính vì thế, không chỉ gương mẫu thực hiện, bà Hương còn cùng với chị em hội viên phụ nữ tổ dân phố số 7 thường xuyên “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, tuyên truyền về lợi ích của việc phân loại rác thải tại nguồn, đồng thời khuyến khích bà con cùng “Thu gom, phân loại rác tái chế gây quỹ hội, bảo vệ môi trường” - mô hình do Hội Phụ nữ phường Phúc Đồng phát động và thực hiện khâu thu gom, bán lấy tiền gây quỹ.
Cứ như vậy, bà Hương không biết mình trở thành “bà đồng nát” từ khi nào. “Nhiều khi tôi đi ra đường, các cháu cứ gọi là bà Hương đồng nát. Tôi rất vui với cách ví von đó vì mình đã lan tỏa được ý thức bảo vệ môi trường tới các bạn trẻ. Có những hôm, tôi mở cửa ra đã thấy các cháu để cho một túi rác tái chế, gồm vỏ lon bia, hộp sữa trước nhà…”, bà Hương cho biết.
Với mong muốn góp phần làm cho địa bàn ngày càng xanh - sạch - đẹp và văn minh hơn theo chỉ đạo của Quận ủy Long Biên, bà Hoàng Thị Huệ cũng đã tạo thói quen phân loại rác tại nhà cho các thành viên của gia đình. Với cương vị Chi hội phó Chi hội Phụ nữ tổ dân phố số 7, bà còn cùng với một số hội viên đảm nhận việc trồng, chăm sóc đường hoa B1, tổng vệ sinh đường, ngõ phố vào sáng thứ bảy hàng tuần, vận động hội viên và nhân dân đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định.
“Ở gần nhà tôi từng có một điểm đen về rác thải. Chúng tôi đã dọn sạch, cắm biển với nội dung cấm đổ rác nhưng cứ hễ vắng người là người dân lại đem rác ra đó ném. Tôi từng phải đứng ở đó canh và nhắc nhở người dân cả tuần liền. Sau đó, người dân mới có thói quen đổ rác đùng giờ, đúng nơi quy định”, bà Huệ kể.
Tự hào về những việc làm của chị em hội viên, bà Thiều Thị Thu, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ số 7, phường Phúc Đồng, quận Long Biên, Hà Nội cho biết khi triển khai mô hình “Thu gom, phân loại rác tái chế gây quỹ hội, bảo vệ môi trường”, nhiều người không ủng hộ vì cảm thấy bị phiền hà. Tuy nhiên, sau khi được truyền thông, giải thích và hướng dẫn các nhận biết rác để phân loại đúng thì cơ bản bà con đều ủng hộ.
“Không chỉ cư dân thường trú tại đây, nhiều cháu đến đây thuê trọ cũng có ý thức thu gom, phân loại rác. Có những cháu, khi ở công ty có mấy tấm bìa carton bỏ đi cũng nhặt mang về cho chúng tôi”, bà Thu cho biết.
Thêm một minh chứng nữa là số lượng rác có khả năng tái chế thu mà Chi hội phụ nữ số 7 được ngày càng nhiều. “Trong năm 2021, từ tháng 5 đến tháng 11, chúng tôi thu gom rác tái chế rồi bán được 5 triệu đồng. Nhưng sang năm 2022, chỉ từ tháng 1 đến tháng 7, chúng tôi đã bán và thu được 8 triệu đồng”, bà Thu tự hào.
Theo bà Thu, 5 triệu đồng hay 8 triệu đồng là số tiền không lớn nhưng ý nghĩa của nó là không nhỏ, bởi đó là công sức mỗi ngày của gần 100 hội viên Hội phụ nữ và đông đảo người dân trong việc phân loại, thu gom rác. Theo đó, mỗi quý có đến hàng tấn rác thải thay vì phải đem chôn lấp đã được đem tái chế, trở thành nguyên liệu và các sản phẩm mới, vừa góp phần phát triển kinh tế vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
“Có ông chồng bảo với tôi là quỹ thiếu bao nhiêu thì em hủng hộ, đừng bảo vợ em thu gom rác. Tôi trả lời là chúng tôi gây quỹ từ việc thu gom rác tái chế không phải vì tiền nên tôi không nhận. Rồi ban đầu cũng có chị em bảo với tôi là muốn ủng hộ vài chục vào quỹ, không muốn phân loại, gom lại rác tái chế. Tôi cũng bảo là chị cho tôi mấy cái lon bia, vỏ hộp sữa còn quý hơn mấy chục nghìn. Sau họ cũng dần dần hiểu và thực hành việc phân loại rác”, bà Thu chia sẻ.
Số quỹ thu được từ việc bán rác tái chế cũng được sử dụng rất hiệu quả, như chi cho công tác khuyến học, khuyến tài, thăm hỏi hội viên và các hoạt động từ thiện nhân đạo…Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Lập, Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Phúc Đồng, quận Long Biên, Hà Nội đây là cách làm đầy sáng tạo và hiệu quả.
“Chi hội phụ nữ số 7 là chi hội tiên phong trong việc xóa các điểm chân rác, biến chỗ đó thành đường hoa, bồn hoa. Như tại đường mương thuộc khu vực 918, trước đây rác thải nhiều, rồi có chợ cóc, lán trại mọc lên tự phát. Khi phường quyết định giải tỏa thì chị em tham gia vận động, tuyên truyền để người dân hiểu và chấp hành. Khi giải tỏa xong thì chính chị em phụ nữ giữ gìn để không tái diễn cảnh họp chợ, làm lán bằng cách trồng hoa, dọn vệ sinh hàng ngày”, bà Lập cho biết.
Như một cách để ghi nhận và khích lệ nỗ lực của Chi hội phụ nữ và người dân trong tổ dân phố số 7, chính quyền phường Phúc Đồng, quận Long Biên, Hà Nội đã đầu tư, nâng cấp cơ sở để nơi đây trở thành “chốn mong về” của người dân sau mỗi ngày làm việc căng thẳng. Đó khoản kinh phí khoảng 5 tỷ đồng chi cho việc làm đường nhựa, lát đá vỉa hè, trồng cây xanh ở hai bên đường phố thuộc khu vực tổ dân phố số 7.
Bằng những hành động nhỏ, chị em phụ nữ và người dân ở tổ dân phố số 7, phường Phúc Đồng, quận Long Biên đã góp phần làm cho “một Long Biên xanh - sạch - đẹp và văn minh” hơn. Không ai khác, chính họ là những người được hưởng lợi từ hành động ấy./.