Trong thời điểm dư luận đang bức xúc vì những thông tin liên quan đến các vụ xâm hại tình dục trẻ em xuất hiện ngày một nhiều, không ít người đặt ra câu hỏi “Tại sao chúng ta chưa thể giáo dục trẻ cách tự bảo vệ bản thân thật tốt?”.

Lý giải nguyên nhân, nhiều chuyên gia cho rằng: Từ trước đến nay, công tác giáo dục kỹ năng phòng chống xâm hại ở nước ta vẫn chưa được quan tâm đúng mức trong các trường phổ thông.

xam_hai_tre_em_2_gipb.jpg
Từ trước đến nay, công tác giáo dục kỹ năng phòng chống xâm hại ở nước ta vẫn chưa được quan tâm đúng mức trong các trường phổ thông. (Ảnh minh họa: internet)

Thống kê của nhiều tổ chức xã hội cho thấy, có đến hai phần ba số trẻ bị xâm hại tình dục không dám chia sẻ nỗi đau của mình với gia đình, người thân. Việc giữ im lặng đã và đang đẩy nhiều nạn nhân bị xâm hại rơi vào trạng thái tâm lý nặng nề kéo dài. Không ít trẻ còn bị trầm cảm. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến quá trình tố cáo các hành vi xâm hại tình dục ra ánh sáng gặp nhiều khó khăn.

Theo các chuyên gia tâm lý, chính việc chưa hiểu rõ giá trị của bản thân cũng như chưa được đào tạo đến nơi đến chốn các kỹ năng phòng vệ đã khiến không ít trẻ trở nên hoảng loạn khi rơi vào tình huống có khả năng bị xâm hại. Điều này là có thật và một phần lỗi thuộc về công tác giáo dục.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị Kim Xuyến, Phó Trưởng khoa Khoa Xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Văn Hiến, thời gian qua, rất nhiều tổ chức lên tiếng đánh động xã hội về mức độ nguy hiểm của hành vi xâm hại tình dục trẻ em. Nhiều đơn vị đã tổ chức các buổi tập huấn cho người làm công tác tuyên truyền cũng như in rất nhiều tài liệu giáo dục về vấn đề này. Thế nhưng, những chương trình đó chưa len lỏi được vào hệ thống giáo dục chính thống. 

“Dường như các cơ quan, các tổ chức xã hội vẫn chưa nhìn nhận một cách nghiêm túc về vấn đề giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em, nhất là những kỹ năng bảo vệ, những kiến thức về giới tính và sức khỏe sinh sản, tình dục… Và trong các trường phổ thông, nếu như nơi nào được học các môn đó, nó giống như kiểu học để trả bài vậy”-PGS.TS. Trần Thị Kim Xuyến nói.

Là người khởi xướng và đem chương trình giáo dục trẻ cách phòng chống xâm hại tình dục đến rất nhiều trường tiểu học trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh hơn 3 năm qua, TS. Tâm lý Lê Thị Linh Trang, Trưởng khoa Khoa Đại cương, Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh mong muốn tạo nên một thế hệ trẻ hiểu đúng về giá trị bản thân để biết cách tự bảo vệ mình trong nhiều tình huống cấp bách. Tuy nhiên, do nhiều đơn vị giáo dục vẫn chưa nhận thức đúng về vai trò của việc trang bị cho học sinh kỹ năng phòng chống xâm hại nên tỏ ra rất thờ ơ.

TS. Lê Thị Linh Trang tâm tư: “Có rất nhiều ban giám hiệu không chấp nhận dạy việc này. Một chị ở huyện Củ Chi khi biết chương trình có nói “Cái này hay quá. Đưa vào các trường ở địa phương em đi!”. Nhưng khi chị ấy về trao đổi với hiệu trưởng, hiệu trưởng lại nói “Con nít biết gì mấy chuyện này mà dạy tầm bậy tầm bạ”.

Bên cạnh vấn đề nhận thức, theo TS. Lê Thị Linh Trang, áp lực sợ cấp trên khiển trách nếu chẳng may xảy ra sự cố khiến không ít trường “nói không” với chương trình hoàn toàn miễn phí này. Nhiều trường sợ trách nhiệm không dám thay đổi, nhưng cũng có trường thay đổi vì “bệnh thành tích” chứ chưa quan tâm mấy đến hiệu quả của các chương trình giáo dục kỹ năng phòng chống xâm hại cho học sinh.

Sau gần 2 năm phối hợp với nhiều trường phổ thông trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đưa tiết học hướng dẫn kỹ năng phòng chống xâm hại vào giờ chào cờ, Tiến sĩ Tâm lý Phạm Thị Thúy, giảng viên Học viện Hành chính quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cảm thấy buồn vì công tác này vẫn chưa được tiến hành một cách nghiêm túc.

Ngại khó, sợ chịu trách nhiệm, chưa thực sự coi trọng các chương trình hướng dẫn kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục, nhiều trường phổ thông đang vô tình tước đi quyền được hiểu đúng, hiểu đủ về giá trị bản thân của các em học sinh. Khi chưa biết cách yêu thương cơ thể mình, các em sẽ tỏ ra bối rối, thậm chí hoảng sợ nếu rơi vào tình huống bị xâm hại. Lỗi này thuộc về người lớn, trong đó có trách nhiệm của các nhà trường./.