- Hà Nội: Cần tiếp tục hoàn thiện việc điều chỉnh giờ học, giờ làm
- Kiến nghị giảm giá thu phí cao tốc TP HCM - Trung Lương
Tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 7/3 của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), đại diện lãnh đạo Bộ đã giải đáp một số ý kiến thắc mắc liên quan đến các vấn đề được báo chí và dư luận đặc biệt quan tâm trong thời gian qua như thu phí đường cao tốc, quỹ bảo trì đường bộ, phí hạn chế phương tiện cá nhân, thu phí vào nội đô giờ cao điểm…
Thu phí đường cao tốc bảo đảm hoàn vốn cho nhà đầu tư. |
Vấn đề thu phí đường cao tốc TP HCM – Trung Lương, Bộ GTVT đã xây dựng phương án thu phí hoàn vốn trình Chính phủ, cùng Bộ Tài chính tính toán mức thu trên cơ sở đáp ứng việc hoàn vốn theo chu kỳ sau 2 năm đi vào khai thác. Tuy nhiên khi áp dụng việc thu phí trên tuyến đường này, với mức thu được tính 1.000 đồng/km đối với xe tiêu chuẩn (ô-tô từ 12 chỗ trở xuống), một số nhà xe, đơn vị vận tải đã có ý kiến phản ánh mức thu này là quá cao.
Giải đáp thắc mắc về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GTVT - Nguyễn Hồng Trường khẳng định, đây là mức thu hợp lý để bảo đảm hoàn vốn cho nhà đầu tư. So với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, mức thu phí đường cao tốc này là thấp. Trong đề án xây dựng dự án BOT đường cao tốc TP HCM – Trung Lương, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 2 trạm thu phí tại đường cao tốc và trên quốc lộ 1.
Đoạn tuyến quốc lộ 1 trong khu vực này đã được Chính phủ đầu tư nguồn vốn mở rộng lên 4 làn xe, việc thu phí quốc lộ 1 một phần nhằm bù đắp nguồn vốn đầu tư quốc lộ 1, đồng thời góp phần hoàn vốn cho đường, một phần để chia sẻ lưu lượng xe cho đường cao tốc, tránh ùn tắc trên quốc lộ 1.
Đối với việc thu phí nhằm hạn chế xe cá nhân, theo thống kê, hiện nay có gần 65.000 xe ô-tô cá nhân không kinh doanh vận tải. Bình quân mỗi tháng, số lượng xe ô-tô đăng ký mới khoảng 5.000 – 6.000 xe. Nhằm hạn chế phương tiện, một số nước tiến hành đấu thầu quyền mua xe, áp dụng thu phí hạn chế xe cá nhân ở nước ta là “nhẹ” nhất. Đối tượng mua ô-tô cá nhân có điều kiện kinh tế, và chỉ là số ít đối với đông đảo người dân nên phạm vi tác động không lớn.
Cơ sở pháp lý để Bộ GTVT đưa ra chủ trương này là trong Nghị quyết 38 của Quốc hội về chống ùn tắc giao thông, có đồng ý từng bước nghiên cứu, áp dụng thu phí cá nhân. Quốc hội sẽ xem xét việc thu phí xe cá nhân, nếu thông qua thì sẽ được áp dụng.
Việc thu phí vào nội đô ở các đô thị lớn vào giờ cao điểm cũng nhằm giảm bớt ùn tắc, nhiều nước cũng áp dụng biện pháp này bằng hình thức thu phí tự động, Bộ GTVT chỉ kiến nghị chủ trương, còn cách thức thực hiện do các địa phương đề xuất và tiến hành.
Đại diện lãnh đạo Bộ GTVT cũng cho biết, theo chủ trương của Chính phủ, đến năm 2016, quốc lộ 1 sẽ được mở rộng lên 4 làn xe từ Hà Nội đến Cần Thơ, dài khoảng 1.100 km. Bộ GTVT đã trình Chính phủ các cơ chế đặc thù nhằm hoàn thành dự án này theo mục tiêu đề ra, theo phương án thu phí hoàn vốn. Mức thu phí sẽ bằng 50 – 75% mức phí đường cao tốc./.