Hồ thủy lợi Dạ Lam, tại xã Thái Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình bị bùn đất bồi lắng, cỏ mọc um tùm sau đợt mưa lũ hồi năm ngoái. Hồ này được xây dựng từ năm 1986, dung tích gần nửa triệu mét khối, có chức năng ngăn mặn, giữ ngọt, tưới tiêu và nuôi trồng thủy sản; cung cấp nước sinh hoạt cho hàng trăm hộ dân và giúp ngăn lũ cho vùng hạ du. Do xây dựng quá lâu đến nay thân đập bị thấm, cống lấy nước hư hỏng, mái đập cả 2 phía bị sạt trượt, mặt tràn chưa bảo đảm thoát lũ.
Tại hồ thủy lợi Rào Đá, một trong những công trình thủy lợi lớn nhất của tỉnh Quảng Bình cũng xảy ra tình trạng sạt lở khu vực cửa xả và chân đập.
Ông Trần Công Huyền, Trưởng thôn Rào Đá, xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình cho biết, hồ Rào Đá có dung tích thiết kế hơn 82 triệu m3, tình trạng xuống cấp, hư hỏng của hồ này khiến người dân lo lắng về độ an toàn.
“Hồ được xây dựng từ năm 2006, được đưa vào sử dụng năm 2010, đến nay đã 11 năm và bị xuống cấp. Chúng tôi rất mong các cấp trên tiến hành tu sửa để đảm bảo cho người dân sinh sống, đảm bảo sinh hoạt và phục vụ mùa màng”, ông Huyền nói.
Các công trình thủy lợi xuống cấp hư hỏng ảnh hưởng đến sản xuất mùa vụ của nông dân. Nếu sau khi gieo lúa gặp các trận mưa lớn hay lũ tiểu mãn về sớm... hàng trăm héc ta lúa sẽ bị ngập và nguy cơ mất trắng do mất khả năng điều tiết nước. Còn vào mùa mưa các hồ chứa hư hỏng không dám tích nước đầy, khi nắng hạn sẽ rất khó có đủ nước dẫn nước về đồng ruộng.
Ông Trần Ngọc Khánh, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình cho biết, do công trình thủy lợi trên địa bàn bị hư hỏng, không đảm bảo an toàn tích nước nên không đảm bảo cung cấp nước tưới cho vụ mùa.
“Thực tế hiện trạng công trình ở đây là cuối tràn xả lũ bị xói lở cả 2 bên. Vụ Đông Xuân trên toàn huyện là 4.500 ha và dự kiến vụ Hè Thu là 3.900 ha. Tuy nhiên hiện nay, hồ chỉ có khả năng cung cấp nước được cho 2/3 diện tích dự kiến”, ông Khánh nói.
Hầu hết các hồ thủy lợi có dung tích dưới 2 triệu mét khối ở tỉnh Quảng Bình được xây dựng thủ công và tuổi thọ công trình cao nên sau mùa mưa lũ càng nhanh xuống cấp.
Theo ông Trần Hồng Quảng, Giám đốc công ty TNHH MTV Công trình thủy lợi Quảng Bình, những công trình đầu tư thiếu đồng bộ, cần sớm triển khai tu bổ, sửa chữa các hồ thủy lợi trước mùa mưa bão năm nay.
“Để đảm bảo sản xuất đầu vụ Đông Xuân, Công ty đã triển khai khắc phục sửa chữa những hạng mục nhỏ nhằm phục vụ sản xuất. Tuy nhiên với những hư hỏng lớn đến nay vẫn chưa có kinh phí khắc phục sửa chữa, đã ảnh hưởng lớn đến năng lực phục vụ của công trình, không phát huy được hiệu quả, nhất là công tác phòng chống thiên tai lụt bão trong thời gian tới”, ông Hồng cho biết.
Tỉnh Quảng Bình có 150 hồ, đập thủy lợi, phục vụ tưới cho trên 29.500 ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp và nước sinh hoạt của người dân. Trong số này có đến 40 hồ thủy lợi bị hư hỏng, mất an toàn, ảnh hưởng sản xuất và đe dọa dân cư vùng hạ lưu.
Ông Trần Xuân Tiến, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Quảng Bình cho biết, nhiều hồ chứa xây dựng đã lâu nhưng chưa được nâng cấp hoặc sửa chữa nhỏ nên mức độ an toàn công trình chưa cao. Đợt lũ vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề các công trình thủy lợi, đê điều, giao thông và các công trình phúc lợi khác trong toàn tỉnh. Địa phương đã huy động các nguồn lực và công sức của người dân để khắc phục các hư hỏng để ổn định sản xuất.
Theo ông Trần Xuân Tiến, trước mắt đơn vị đã yêu cầu các chủ công trình phải có phương án phòng tránh lũ vùng hạ lưu, nhất là những hồ xả lũ kiểu tràn sâu tránh gây thiệt hại đến tài sản và sự an toàn của người dân.
“Hồ thủy lợi Rào Đá có dung tích chứa nước lớn nhất toàn tỉnh, hiện nay đang bị sạt lở ở hạ lưu tràn nên nguy cơ mất an toàn cao. Hiện nay Công ty quản lý đang tạm thời dùng rọ đá để gia cố. Hiện nay đang đề xuất với tỉnh để gia cố, sửa chữa”, ông Tiến cho biết./.