Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 đoạn qua địa phận tỉnh Quảng Bình bao gồm 3 dự án thành phần với tổng chiều dài gần 128 km, tổng mức đầu tư khoảng 24.300 tỷ đồng. Hiện, tỉnh Quảng Bình đang tích cực chỉ đạo các sở ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ đền bù giải phóng mặt bằng, phấn đấu đến ngày 20/11 tới, bàn giao 70% diện tích mặt bằng cho các chủ đầu tư dự án.
Nếu như những ngày đầu công bố mốc lộ giới dự án, nhiều hộ cơi nới, trồng cây chờ đền bù thì hiện nay, tại các địa phương không còn tình trạng này. Người dân đồng thuận với chủ trương thu hồi đất phục vụ công trình trọng điểm quốc gia.
Dọc đường Hồ Chí Minh đoạn từ thành phố Đồng Hới đi các huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, nơi dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông chạy song song không còn cảnh người dân xây tường, cơi nới nhà cửa như khi mới công bố mốc giới dự án. Hầu hết người dân đều tuân thủ chủ trương áp giá đền bù, giải phóng mặt bằng của dự án.
Người dân xóm 1, thôn Xuân Dục 1, xã Xuân Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình cho biết, khu vực này đều do bà con khai hoang, phục hóa tháo dỡ bom mìn sau chiến tranh để làm vườn, chăn nuôi, đào ao thả cá, trồng cây ăn quả. Nhiều gia đình sau khi biết toàn bộ phần đất của mình nằm trong diện thu hồi của dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam rất lo lắng, trăn trở vì gần cả cuộc đời gắn bó, lập nghiệp trên mảnh đất này. Thế nhưng, ai cũng chấp hành nghiêm túc để dự án được triển khai thuận lợi.
“Tôi nhất trí đi hoàn toàn nhưng đền bù cho thỏa đáng. Tái định cư phải bằng hoặc cao hơn nơi ở cũ nhưng không được thấp hơn, nhưng cao hơn hay bằng thì tôi không đòi hỏi”, ông Hồ Văn Quý, gia đình nằm trong diện giải tỏa bày tỏ.
Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn qua địa bàn huyện Quảng Ninh dài hơn 20 km với hơn 200 hộ, 15 tổ chức bị thu hồi đất, hơn 1500 ngôi mộ phải di dời. Huyện đã thành lập các Tổ giúp việc Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư để giải phóng mặt bằng; tiến hành lập, thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, lấy ý kiến của các hộ dân về phương án bồi thường. Cả huyện có 30 hộ phải tái định cư trên tổng số hơn 200 hộ bị ảnh hưởng. Ông Trần Xuân Tình, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình cho biết, huyện tập trung hoàn thiện thủ tục, hồ sơ tiến hành xây dựng các khu tái định cư.
“Huyện đang xây dựng 3 khu tái định cư phục vụ di dời cho các hộ dân bị ảnh hưởng do giải phóng mặt bằng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam. Đến thời điểm hiện tại, huyện đã hoàn thành phê duyệt quy hoạch chi tiết, đang lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, phấn đấu phê duyệt trong cuối tháng 11 này. Giải pháp của huyện là trong khi triển khai thi công các khu tái định cư, huyện có kế hoạch lựa chọn các hộ có hướng về vị trí, ưu tiên đầu tư các vị trí có các hộ dân thuộc diện được lựa chọn trong các điểm tái định cư mà do huyện lập”, ông Tình cho hay.
Đến nay, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh Quảng Bình đã hoàn thành công tác trích đo hiện trường đạt 100%. Sở Tài nguyên và Môi trường phê duyệt hồ sơ trích đo với phạm vi 125,66km/125,86km. Ông Hoàng Đăng Cương, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Quảng Bình, đơn vị được tỉnh giao làm cơ quan thường trực về giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông cho biết.
“Sở đã phối hợp với các Ban Quản lý dự án thuộc Bộ Giao thông - Vận tải, đại diện chủ đầu tư và các sở, ban ngành, UBND các huyện thành phố thực hiện công tác, một là công tác trích đo hiện trường, công tác kiểm đếm tài sản trên đất cũng đạt 100%. Hiện nay, đang phê duyệt phương án bồi thường tái định cư, chi trả tiền bồi thường cho người dân. Sở cũng đã phối hợp với các chủ đầu tư, các ban quản lý dự án của Bộ, huyện, thị xã, thành phố hoàn thành theo đúng cam kết”, ông Cương cho biết.
Hội đồng Giải phóng mặt bằng các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh Quảng Bình nơi có dự án đi qua đã thực hiện công tác kiểm đếm tài sản trên đất phạm vi 127,42km, đạt 99,5%. Đối với công tác ban hành quyết định thu hồi đất và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, UBND cấp huyện đã ban hành 16 quyết định bồi thường, hỗ trợ có giá trị 188 tỷ đồng đồng, với chiều dài 36 km. Hiện nay, UBND các huyện, thị xã, thành phố đang lập quy hoạch các khu tái định cư và khu nghĩa trang; Tổng nguồn vốn bố trí cho công tác giải phóng mặt bằng dự kiến gần 4500 tỷ đồng.
Bên cạnh những thuận lợi thì công tác giải phóng mặt bằng vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc như: công tác phê duyệt hồ sơ trích đo, công tác phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, công tác di dời công trình hạ tầng kỹ thuật chưa đảm bảo tiến độ theo yêu cầu. Việc triển khai lập quy hoạch chi tiết, lập dự án khu tái định cư còn chậm…
Tỉnh Quảng Bình tiếp tục chỉ đạo, giải quyết dứt điểm các vấn đề phát sinh, các kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo của công dân liên quan công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư; tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc bức xúc ngay từ cơ sở, không để tồn đọng kéo dài, phát sinh điểm nóng. Các đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong nhân dân để tạo sự đồng tình, ủng hộ trong quá trình triển khai thực hiện dự án, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng; tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn.
Ông Đoàn Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, hiện, trên địa bàn tỉnh không còn tình trạng xây dựng cơi nới chờ đền bù. Tuy nhiên, chính quyền cơ sở phải giám sát chặt chẽ không để người dân xây dựng, cơi nới công trình, trồng cây trái phép, sử dụng đất không đúng mục đích thuộc phạm vi dự án. Mặt khác, địa phương cần tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân tự giác tháo dỡ các công trình xây dựng trái phép trước đó. Theo ông Đoàn Ngọc Lâm, phấn đấu ngày 20/11 tới, tỉnh Quảng Bình bàn giao 70% diện tích mặt bằng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
“UBND tỉnh tích cực chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố có đường cao tốc đi qua phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc Bộ Giao thông - Vận tải thực hiện. Cứ 2 tuần UBND tỉnh họp một lần để kiểm tra tiến độ, phấn đấu ngày 20/11 bàn giao được 70% diện tích mặt bằng theo tinh thần Thủ tướng chỉ đạo. Tuy nhiên, vẫn còn một số vướng mắc. Có thể có một số địa phương bàn giao vượt nhưng cũng có địa phương không đạt được 70% diện tích”, ông Lâm cho hay./.