Chiều 27/11, Đại sứ quán Nhật Bản và Nhóm cố vấn bom nhìn tại Việt Nam (MAG) vừa ký kết viện trợ cho “Dự án rà phá bom mìn nhân đạo nhằm phát triển cộng đồng tại tỉnh Quảng Bình” trị giá 636.363 USD.

Quảng Bình là một trong những địa phương còn ô nhiễm bom mìn nặng nhất Việt Nam. Số tiền mà dự án này tài trợ sẽ được dành để triển khai đội Liên lạc cộng đồng và rà phá bom mìn tại tỉnh Quảng Bình. 

Phát biểu tại lễ ký, Thiếu tướng Trần Hồng Minh, Giám đốc Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam cho biết, viện trợ của Nhật Bản trong dự án này có ý nghĩa rất quan trọng đối với Việt Nam khi nó mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, tạo ra môi trường an toàn và không có bom mìn cho người dân sinh sống và phát triển. 

4_wbly.jpg

Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, ngài Hiroshi Fukada cho biết, dự án được lên kế hoạch sau khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị bạn bè quốc tế hợp tác tích cực để giúp Việt Nam giải quyết tình trạng ô nhiễm bom mìn vào năm 2014.

Ngoài dự án này, Nhật Bản đã và đang đóng góp tích cực để giải quyết vấn đề bom mìn và vật liệu nổ ở Việt Nam trong nhiều năm qua. Một số dự án lớn mà Nhật Bản tài trợ là dự án viện trợ 1,5 triệu USD rà phá bom mìn nhân đạo tại tỉnh Quảng Trị năm 2010 và tiếp tục viện trợ 4 triệu USD cho các hoạt động tương tự tại tỉnh Hà Tĩnh. 

Thiếu tướng Trần Hồng Minh cho biết, tại những nơi Nhật Bản triển khai dự án, nhận thức của người dân, đặc biệt là trẻ em về những rủi ro của bom mình đã gia tăng đáng kể. Vì vậy, việc Nhật Bản tiếp tục giúp đỡ Việt Nam sẽ thúc đẩy công tác rà phá bom mìn tại tỉnh Quảng Bình đạt được những thành quả to lớn hơn.

Nhóm cố vấn bom mìn tại Việt Nam (MAG) là cơ quan thực hiện dự án này. MAG bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ năm 1999, chủ yếu tại miền Trung Việt Nam, với các dự án tại tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Huế và Quảng Nam. Sau hơn 16 năm hoạt động tại Việt Nam, MAG đã giải phóng được hơn 20 triệu m2 đất sạch, tháo gỡ và phá hủy 254.520 vật liệu chưa nổ để mang lại lợi ích cho gần 4,5 triệu người tại miền Trung Việt Nam. 

Hiện MAC có gần 450 nhân viên tại Việt Nam, là những người sẵn sàng đóng góp công sức để loại bỏ các mối hiểm họa chất người do bom mìn gây ra cho cộng đồng.

Việt Nam hiện vẫn còn nhiều bom mìn còn sót lại sau chiến tranh và là nước ô nhiễm bom chùm nặng thứ thứ 2 trên thế giới. Tuy nhiên, MAG đánh giá tiến trình rà phá bom mìn tại Việt Nam trong nhiều năm qua đã và đang diễn ra rất khả quan. Đặc biệt, trong 2 năm qua, Việt Nam đã có rất nhiều chính sách, hệ thống và cơ cấu được xây dựng và cải thiện để thúc đẩy việc phối hợp và quản lý công tác dò tìm và xử lý bom mìn tốt hơn./.