Anh Chủ sinh năm 1960, trong một gia đình thuần nông ở thôn Pác Cáp, xã Quảng Lạc, TP Lạng Sơn. Do hoàn cảnh gia đình nghèo nên anh chỉ được học đến lớp 4 để “biết cái chữ”.

Năm 20 tuổi (năm 1980), sau khi cưới vợ chưa đầy một tuần thì anh Chủ đi bộ đội, đóng quân ở Sư đoàn 338. Có lần, anh nhận được thư vợ, nghe vợ kể việc đang nuôi đàn lợn gần chục con và công việc thái rau rất vất vả, thường mất đến nửa ngày trời. Nhưng điều làm Chủ trăn trở hơn cả là mỗi khi vợ anh bị đứt tay khi băm rau lợn. Anh rất thương vợ và luôn ấp ủ hi vọng sẽ làm việc gì đó để đỡ đần vợ.

Năm 1985, anh xuất ngũ và về quê sinh sống. Sau những tháng ngày vất vả với ruộng nương, anh lại càng nung nấu thực hiện ý tưởng của mình. Anh tự nhủ nhất định phải làm thế nào để vợ và bản thân mình đỡ vất vả, cực nhọc.

Một hôm sang nhà bạn chơi, anh vô tình đưa cọng rơm vào chiếc máy quạt gió. Cọng rơm vàng bị cánh quạt cắt đứt liên tục bắn ra như hoa cải. Anh vội vã ra về xem lại “bản thiết kế” ấp ủ từ thời quân ngũ ra xem xét.

anh-2.jpg

Anh Chủ đang hướng dẫn vận hành máy

Năm 1996, anh bắt tay vào công việc sáng chế. Anh bỏ ra 400.000 đồng mua vật liệu. Sau 3 ngày, anh hoàn thành sản phẩm, nhưng khó một nỗi là chiếc máy thái rau củ này lại cho ra những đoạn cắt ngắn dài khác nhau. Nhận được sự khích lệ của vợ, anh Chủ vay nóng 2 triệu đồng “đầu tư” và sự nghiệp chế tạo hoàn thiện chiếc máy. Anh sử dụng ngay chiếc máy bơm Trung Quốc làm động cơ, tăng công suất gắn vào giá đỡ và một chiếc ống đựng rau được anh tính toán độ dài, ngắn của loại rau, loại cây. Hồi hộp nhất là khi chiếc máy được đem ra chạy thử, ai cũng vui mừng vì một gánh rau lợn mọi khi phải băm cả tiếng đồng hồ mà chiếc máy thái chưa đến 10 phút. Có nghĩa là nhanh gấp 30 lần so với thái bằng tay.

Nhận thấy chiếc máy của anh Chủ có rất nhiều công năng, nhiều người dân trong thôn xóm, xã tới nơi để “mục sở thị” rồi đặt mua máy “ào ào”. Đến năm 1999, anh quyết định sản xuất máy để bán.

Anh Chủ cho biết, máy thái rau củ chạy bằng điện. Cấu tạo của máy khá đơn giản. Máy chỉ có một thân máy bơm gắn vào giá gỗ, nối với bộ phận trục bằng dây cua-roa, còn bên trong hộp gỗ là lưỡi dao cong hình chữ S, sắc hai mặt, lưỡi dao này do chính tay anh rèn và cuối cùng là thêm chiếc ống để đựng rau. Bên ngoài là hộp gỗ là ống nhựa để đưa rau, củ đến bộ phận thái.

Ngoài chức năng thái rau củ, anh dần dần tích hợp thêm nhiều tính năng cho máy như tẽ ngô, quạt thóc và bơm nước cho đồng ruộng. Chiếc máy “4 trong 1” còn dễ dàng tháo rời các bộ phận của máy.

Tiếng lành đồn xa, máy của anh không chỉ cung ứng cho người dân bản địa mà còn có rất nhiều khách hàng đến từ các tỉnh: Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Hoà Bình… Khi cung không đủ đáp ứng cầu, anh bàn bạc với vợ quyết định mở xưởng để sản xuất. Hiện tại, anh đang thuê thêm 6 người làm để kịp thời giao hàng cho khách. Người làm công chủ yếu là người trong xã. Anh trả lương cho thợ lành nghề là 3 triệu đồng, còn thợ học việc là khoảng 2 triệu đồng. Mỗi ngày, xưởng anh hoàn thiện được 7 máy. Đến nay, anh đã bán được gần 2.000 chiếc máy. Giá ban đầu là 400.000 đồng/chiếc, nhưng mấy năm gần đây anh mua vật liệu đắt nên máy được bán với giá dao động từ 500.000-700.000 đồng/chiếc. Với việc bán máy, mỗi năm gia đình anh thu nhập hàng chục triệu đồng.

Mới đây, anh Chủ vừa chế tạo thành công và bán ra thị trường 2 chiếc máy “Kéo vật liệu” với độ dốc khoảng 35-45 độ. Chiếc máy này kéo được vật có chứa sức nặng trên dưới 1 tấn, với giá 4 triệu đồng. Anh cũng cho biết thêm, chiếc máy kéo vật liệu này chỉ làm theo đơn đặt hàng vì giá mua vật liệu quá cao, không thể làm đại trà được.

Anh Chủ cũng bật mí rằng, hiện anh đang thử nghiệm chiếc máy cày cuốc mi ni để phục vụ cho bà con làm nương rẫy. Chiếc máy này nhất định sẽ hoàn thiện trong thời gian gần đây./.