Theo Bộ Y tế, tình hình dịch tiêu chảy cấp do phẩy khuẩn tả có xu hướng lan rộng và nguy cơ bùng phát rất lớn. Trong điều kiện thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều, dễ sinh ngập lụt là điều kiện để mầm bệnh phát triển và phát tán ra môi trường. Hơn nữa, sự giao lưu qua lại giữa các vùng, các khu vực ngày càng tăng làm tăng nguy cơ phát tán mầm bệnh. Hiện đã có 8 tỉnh, thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Nam Định, Hải Dương, Quảng Ninh, Ninh Bình có người mắc tiêu chảy cấp nguy hiểm, trong đó nhiều địa phương đã phát hiện có nhiều bệnh nhân dương tính với phẩy khuẩn tả.Các chuyên gia dịch tễ tiếp tục khuyến cáo: Bệnh tiêu chảy cấp do phẩy khuẩn tả là bệnh truyền nhiễm có khả năng lây truyền rất nhanh và có thể gây tử vong, nếu người dân không thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch, chủ động đến các cơ sở điều trị sớm khi có dấu hiệu mắc bệnh thì nguy cơ dịch sẽ tiếp tục lây lan là rất lớn, đối với các trường hợp đến bệnh viện muộn, mất nước, nguy cơ tử vong cao.Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết đã phát hiện phẩy khuẩn tả trên mẫu lấy từ sàn cạnh chuồng chó, nước trong chậu dùng để rửa thịt chó, bề mặt dụng cụ mổ chó, tăm bông ngoáy hậu môn chó trước mổ, nước thải sau khi rửa thịt chó tại một số điểm giết mổ chó tại xã Dương Nội, quận Hà Đông, Hà Nội.Cục Y tế dự phòng và Môi trường -Bộ Y tế đã chỉ đạo các địa phương tiến hành điều tra, giám sát và xử lý triệt để các ổ dịch đầu tiên, tuyên truyền người dân các biện pháp chủ động phòng, chống bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm và khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện tốt 4 khuyến cáo phòng chống bệnh tiêu chảy cấp do phẩy khuẩn tả tại cộng đồng. Theo đó, trong vùng có dịch, các gia đình không nên tổ chức ăn uống đông người; thực hiện “ăn chín, uống sôi”; không sử dụng các thực phẩm như: thịt chó, rau sống, thức ăn tươi sống không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh.Để chủ động đối phó với dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm có phẩy khuẩn tả và có kế hoạch chủ động đối phó với các dịch bệnh mùa hè, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên, Bộ Y tế đã yêu cầu Sở Y tế tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố kiện toàn và duy trì hoạt động Ban chỉ đạo chống dịch tại địa phương , bao gồm cúm A /H1N1, cúm A /H5N1 và phòng chống dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm có phẩy khuẩn tả và các dịch bệnh mùa hè. Chú ý đến việc chỉ đạo và hỗ trợ công tác điều trị phòng chống dịch bệnh.

Đồng thời hoàn thiện kế hoạch thu dung điều trị chống dịch và có các phương án cụ thể để phân tuyến thu dung điều trị bệnh nhân trong mọi tình huống của dịch (nếu xảy ra). Theo đó Sở y tế các địa phương giao nhiệm vụ và bố trí kinh phí cho các bệnh viện (chú trọng bố trí cho Bệnh viện đa khoa tỉnh, thành phố); Chuẩn bị đầy đủ về cơ sở vật chất, nhân lực, cơ số trang thiết bị y tế, thuốc, dịch truyền, ... để chủ động đáp ứng nhu cầu khi có dịch; Thành lập các đội thường trực cấp cứu cơ động để kịp thời hỗ trợ các đơn vị tuyến dưới khi có yêu cầu.

Bên cạnh đó tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong công tác chuẩn bị, tiếp nhận, cấp cứu, thu dung và điều trị cho bệnh nhân. tiêu chảy cấp nguy hiểm có phẩy khuẩn tả và hỗ trợ tuyến dưới (khi cần) theo phân công của Bộ Y tế. Các địa phương thành lập đơn vị thường trực cấp cứu cơ động của bệnh viện để kịp thời hỗ trợ các đơn vị tuyến dưới khi có yêu cầu và tích cực, chủ động trong công tác chỉ đạo tuyến và hỗ trợ tuyến dưới, đặc biệt là hỗ trợ trong công tác tập huấn và công tác chẩn đoán, điều trị các trường hợp có diễn biến phức tạp và có biến chứng nặng và sẵn sàng chi viện nhân lực, trang thiết bị, thuốc, dịch truyền, hoá chất ... cho các bệnh viện có nhiều bệnh nhân theo sự chỉ đạo của Bộ Y tế. B ộ Y tế đề nghị mọi thông tin về công tác điều trị tiêu chảy cấp nguy hiểm có phẩy khuẩn tả về Cục Quản lý Khám chữa bệnh, 138A Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội. Điện thoại: (046) 273 2095; Fax (046) 273 2289./.