Trong cái nắng gắt của miền Trung những ngày giữa tháng 7, trên những ngả đường ở các vùng quê nghèo khó của tỉnh Quảng Nam, nhiều người vẫn thường bắt gặp hình ảnh người đàn ông ở vào tuổi “thất thập cổ lai hy” với chiếc xe máy cộc cạch khảo sát, chọn vị trí xây cầu dân sinh. Ông là Nguyễn Đình Phùng, thương binh 2/4, với cánh tay phải thương tật, cử động khó khăn. Khi khảo sát được vị trí xây cầu là ông chụp ảnh gửi cho con trai để bàn tính thiết kế, khởi công. Ông Nguyễn Đình Phùng cho biết, niềm vui lớn nhất là những cây cầu đưa vào sử dụng giúp việc đi lại của người dân thuận lợi, bộ mặt nông thôn khởi sắc.
“Mỗi lần về quê tôi thấy nhiều cây cầu hư hỏng, đi lại khó khăn, bà con ngã bị thương tật, có người tử vong. Xuất phát từ đó tôi mới bỏ tiền túi, cùng tích góp để xây những cây cầu. Cứ mỗi năm gia đình tôi cố gắng xây được ít nhất 4 cây cầu. Trước khi vào Đảng thì mình đã thề là sẽ phấn đấu đến hơi thở cuối cùng dù nay đã già và mang nhiều thương tật nhưng sẽ cố gắng khắc phục. Tôi đã hứa với các con tôi, bạn bè tôi và những đồng đội đã ngã xuống rằng khi nào còn sức lực, còn tiền của thì sẽ tiếp tục làm cầu dân sinh”, ông Nguyễn Đình Phùng chia sẻ.
Cứ như thế, hơn 5 năm qua, gia đình thương binh Nguyễn Đình Phùng lặng lẽ tự bỏ kinh phí xây gần 30 cây cầu dân sinh. Gần đây nhất là cây cầu Phùng Hiệp 28, tại xã Tam Phú, thành phố Tam Kỳ, đưa vào sử dụng đúng vào dịp kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Bác Hồ. Bà Dương Thị Nhân, cùng người dân khối phố Ngọc Nam, phường An Phú, thành phố Tam Kỳ vui mừng khi mùa mưa năm nay đi lại thuận lợi hơn.
“Hồi trước chưa có cầu này thì đi lại rất khó, mỗi lần nước chảy xiết là đi qua không được. Bây giờ có cầu rồi, tôi đi lại rất dễ và an toàn”, bà Dương Thị Nhân chia sẻ.
Ngoài việc bỏ tiền túi xây cầu giúp dân, từ năm 2014 đến nay, ông Nguyễn Đình Phùng còn tham gia nhiều hoạt động xã hội, giúp đỡ nhiều mảnh đời khó khăn bất hạnh tại địa phương. Ông Nguyễn Quang Vinh, trưởng thôn Ngọc Mỹ, xã Tam Phú, thành phố Tam Kỳ bày tỏ, chính quyền và người dân rất trân trọng và cảm phục tấm lòng của ông Nguyễn Đình Phùng.
“Lúc đầu khi chú Phùng xuống định đầu tư xây cầu trên địa bàn, tôi có hỏi chú kêu gọi nguồn kinh phí từ các doanh nghiệp nào thì chú nói gia đình tự bỏ tiền ra xây. Tôi thật sự rất cảm động vì tấm lòng của một người lính cụ Hồ đã qua tuổi xế chiều rồi nhưng vẫn lặn lội kêu thợ, tự mình giám sát chất lượng công trình để đảm bảo cho việc đi lại của nhân dân”, ông Nguyễn Quang Vinh cho hay.
Bà Huỳnh Thị Thu, vợ thương binh Nguyễn Đình Phùng tâm sự, hai vợ chồng đã cùng nhau trải qua bao gian khó trong năm tháng chiến tranh ác liệt nên luôn trân trọng giá trị của hòa bình và biết ơn những người đã ngã xuống. Bà Thu chia sẻ, vợ chồng bà mỗi tháng nhận được hơn 15 triệu đồng lương hưu nhưng vẫn cố gắng tiết kiệm, tích góp để cùng với các con xây cầu cho dân.
“Chồng tôi ngày càng lớn tuổi, sức khỏe yếu nên mỗi lần ông đi khảo sát xây cầu là tôi lo lắng lắm, có lần đi ông tông cả vào xe ô tô. Tôi lo lắm nhưng vẫn cứ nghĩ vì việc chung nên mỗi khi hoàn thành một cây cầu là gia đình tôi rất vui mừng”, bà Huỳnh Thị Thu kể.
Mới 19 tuổi, ông Nguyễn Đình Phùng cầm súng tham gia kháng chiến chống Mỹ, khi chiến trường Quảng Nam đang trong giai đoạn ác liệt. Xuất ngũ năm 1977, mang trên mình nhiều thương tật, ông Phùng công tác tại Tòa án Nhân dân thị xã Tam Kỳ (nay là thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam). Từ khi về hưu đến nay, ông tiếp tục tham gia nhiệm vụ tại Chi bộ khối phố và Hội Cựu chiến binh phường An Xuân, thành phố Tam Kỳ. Ông Đỗ Văn Thương, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường An Xuân, cảm phục sự tận tụy, tinh thần trách nhiệm, hết mình vì việc chung của đồng đội Nguyễn Đình Phùng.
“Đồng chí Phùng làm việc gì cũng xuất phát từ tấm lòng của mình, làm lặng lẽ chứ không muốn công khai, từ trước đến nay luôn như vậy. Khi bắt đầu nhập ngũ cho đến bây giờ thì đồng chí Phùng không bao giờ nghĩ đến cá nhân mà chủ yếu lo cho tập thể, lo cho dân sinh”, ông Đỗ Văn Thương cho hay.
Gần 80 tuổi, sức lực không còn như trước, nhưng thương binh Nguyễn Đình Phùng vẫn đau đáu với những dự định xây cầu dân sinh ở những vùng quê nghèo khó xứ Quảng. Ông Phùng vui mừng khi mới đến giữa tháng 7 nhưng đã hoàn thành mục tiêu đề ra trong năm nay là xây dựng 4 cây cầu. Đã có 28 cây cầu do ông Phùng xây dựng mang tên từ Phùng Hiệp 1 đến Phùng Hiệp 28. Giải thích về cái tên Phùng Hiệp, ông Nguyễn Đình Phùng cho biết, Phùng là tên ông, còn Hiệp là tên một người bạn đã khuất, cũng là người đầu tiên góp kinh phí đồng hành gia đình ông xây cầu dân sinh. Ông Phùng tâm đắc khi gần 30 cây cầu đều hoàn thành và được đưa vào sử dụng đúng vào những dịp ngày lễ lớn của đất nước, với tâm nguyện tiếp tục đóng góp một phần công sức nhỏ bé của người lính cụ Hồ cho sự phát triển của quê hương, đất nước./.