Sau khi nghỉ việc ở công ty xe khách Sài Gòn, anh Nguyễn Dương, (ngụ tại phường 17, quận Gò Vấp, TP HCM) tiến hành làm thủ tục để được nhận tiền trợ cấp thất nghiệp. Trong thời gian ở nhà, số tiền trợ cấp từ nguồn đóng bảo hiểm xã hội của mình, dù chỉ hơn 2 triệu đồng một tháng, nhưng cũng góp phần trang trải phần nào cuộc sống gia đình anh Dương, trong thời gian tìm công việc mới.

 “Số tiền này cũng đỡ vất vả cho người thất nghiệp vì nhiều lúc mình không có việc làm, tiền không có. Nhà tôi ở thành phố còn đỡ chứ người khác ở tỉnh khi mất việc phải trở về quê. Lúc thất nghiệp không có tiền trong, có tiền trợ cấp thất nghiệp sẽ giúp một phần nào trong thời gian mình đi tìm việc mới”- anh Nguyễn Dương nói.

bao_hiem_da_sua_cfux.jpg
Người lao động khi rơi vào thất nghiệp muốn nhận tiền trợ cấp thất nghiệp là chính chứ không phải là tìm nghề để học, kiếm việc làm mới. (Ảnh minh họa: KT)

Cũng như anh Dương, nhiều người lao động tại TPHCM đã thấy được lợi ích thiết thực khi tham gia bảo hiểm thất nghiệp mà họ đóng Bảo hiểm xã hội hàng tháng. Vì vậy, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp tại thành phố cũng tăng lên mỗi năm, nhất là từ khi Luật Việc làm có hiệu lực vào năm 2015.

Theo đánh giá của Bảo hiểm xã hội TP HCM, năm 2014, trước khi Luật Việc làm có hiệu lực, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp khoảng 1.700.000 người, nhưng đến nay, tại TP HCM, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp là 2.100.000 người, tăng khoảng 12% so với 2015. Bình quân, mỗi năm, Bảo hiểm xã hội thành phố giải quyết trợ cấp thất nghiệp cho khoảng 126.000 lượt người, tức là khoảng 10.000 lượt người/tháng. Như vậy, số tiền phải chi trả cho những người được hưởng trợ cấp thất nghiệp tính luôn cả số hỗ trợ cho học nghề là 1.600 tỷ đồng.

Sở Lao động-Thương binh-Xã hội TP HCM cũng cho biết, với khoảng 126.000 hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp mỗi năm, Trung tâm dịch vụ việc làm của sở này đã giải quyết việc làm mới bình quân mỗi năm cho khoảng 24.000 người. Ngoài ra, có khoảng 17.000 người được trợ cấp học nghề để có thể tham gia lại thị trường lao động.

Tuy nhiên, Sở Lao động-Thương binh xã hội TPHCM nhìn nhận một thực tế, nếu so với bình quân 17.000 người so với 126.000 người nhận trợ cấp thất nghiệp thì tỷ lệ học nghề chỉ đạt khoảng 14%. Điều này cho thấy, lâu nay người lao động khi rơi vào thất nghiệp muốn nhận tiền trợ cấp thất nghiệp là chính chứ không phải là tìm nghề để học, kiếm việc làm mới ổn định hơn.

Trong khi đó, Nghị quyết 28 của Ban chấp hành Trung ương lần thứ 7 khóa XII mới đây đã đưa ra nhận định: Chính sách bảo hiểm thất nghiệp còn nặng về giải quyết trợ cấp thất nghiệp chưa chú ý thỏa đáng đến các giải pháp phòng ngừa theo thông lệ quốc tế. Do đó, làm sao bảo hiểm thất nghiệp phải đi đúng hướng là điều cần phải giải quyết.

Ông Nguyễn Tất Năm, Trưởng phòng lao động tiền lương, Sở Lao động thương binh - Xã hội TP.HCM cho rằng: “Giải pháp ngừa chính là việc tổ chức đào tạo ngay tại doanh nghiệp khi mà doanh nghiệp đó có nguy cơ khó khăn cắt giảm lao động hoặc là đẩy mạnh lao động, đào tạo nghề cho người lao động có nghề nghiệp khi họ bị thất nghiệp để họ nhanh chóng trở lại với thị trường lao động”.

Ông Trần Dũng Hà, Trưởng phòng chế độ BHXH TP HCM cho biết: Là đơn vị phối hợp với trung tâm dịch vụ việc làm trong việc chi trả trợ cấp thất nghiệp và chi trợ cấp hỗ trợ học nghề trong nhiều năm qua cho thấy, khó khăn nhất là kiểm soát tình trạng có việc làm của người lao động. Làm sao để trả đúng đối tượng.

Theo phân tích của đại diện Bảo hiểm xã hội TP HCM, khi tăng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp cũng đồng nghĩa với việc tăng các mức chi để hỗ trợ học nghề về chi trả trợ cấp, các chi phí phải cấp thẻ BHYT cho người lao động trong thời gian hưởng thất nghiệp. Vì đây là chính sách an sinh của Đảng và nhà nước nên đối tượng phải tăng để mở rộng diện bao phủ, đặc biệt là đối với người lao động. Vấn đề còn lại là làm sao kiểm soát được việc trốn đóng và lách luật để hưởng trợ cấp về trốn đóng BHXH, trong đó có bảo hiểm thất nghiệp.

“Trước mắt giải quyết việc này có nhiều giải pháp, như BHXH có thêm chức năng thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, phối hợp kiểm tra cùng với thanh tra sở lao động thương binh xã hội. Khi phát hiện hành vi sai phạm, chúng ta có cách chế tài xử lí. Thời gian tới, cần làm tốt các giải pháp phối hợp đồng bộ giữa cơ quan BHXH với Sở lao động thương binh xã hội, cơ quan quản lí nhà nước về lao động trên địa bàn và với cơ quan thuế”- ông Trần Dũng Hà đề nghị.

Theo đánh giá, nếu 3 cơ quan: Bảo hiểm xã hội, Sở Lao động-Thương binh xã hội và cơ quan thuế cùng phối hợp đồng bộ, làm tốt vai trò của mình thì sẽ hạn chế rất nhiều tình trạng trốn đóng và nợ đóng BHXH, trong đó có nợ bảo hiểm thất nghiệp.

Bên cạnh đó phải tuyên truyền để người lao động hiểu, nhận thức đầy đủ và tuân thủ theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp. Đặc biệt, phải làm sao để người sử dụng lao động nhận thức rõ trách nhiệm của họ khi tham gia BHXH chính là để đảm bảo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp được ổn định và phát triển. Vì chỉ khi nào người lao động được bảo đảm an sinh xã hội thì mới có cơ sở để họ gắn bó và giúp cho doanh nghiệp phát triển tốt hơn./.