Đợt mưa lũ cuối tháng 10 vừa qua gây thiệt hại nghiêm trọng tại các xã Phước Kim, Phước Thành, Phước Lộc, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam. Tại xã Phước Lộc, mưa lũ làm 13 người chết và mất tích, trong đó lực lượng chức năng đã tìm thấy 9 thi thể nạn nhân, 4 người đang mất tích. Mưa lũ cũng làm thiệt hại nhà cửa của 40 hộ dân. Nhiều cầu cống, đường giao thông bị cuốn trôi chưa thể khắc phục. Hiện, trục đường chính đi vào các xã Phước Thành, Phước Lộc bị chia cắt, điều kiện thi công khắc phục sạt lở gặp nhiều khó khăn. Các công trình dân sinh, phục vụ sản xuất của người dân bị hư hại nặng nề, nhiều nơi gần như hư hỏng hoàn toàn.

Nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản cho bà con vùng lũ, thời gian qua, tỉnh Quảng Nam huy động nhiều nguồn lực xây dựng gần 1.000 nhà tránh lũ. Trong mùa mưa lũ vừa qua, bà con yên tâm hơn trong những ngôi nhà tránh lũ.

Bà Lê Thị Chín thuộc hộ nghèo ở thôn An Lạc, xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Kinh tế gia đình khó khăn, không có tiền tu sửa hay xây nhà mới, mẹ con bà Chín an phận sống trong ngôi nhà cấp 4 xập xệ. Trước đây, mỗi mùa mưa bão về, 2 mẹ con bà phải tá túc qua nhà người thân, hoặc di dời lên nhà văn hóa thôn để trú tránh an toàn.

Đầu năm nay, được tổ chức Quỹ khí hậu xanh (GCF) và nhà nước hỗ trợ 53 triệu đồng, bà Chín vay mượn thêm xây được căn nhà tránh lũ kiên cố. Nhà tránh lũ của bà Lê Thị Chín được thiết kế gác lửng, với tổng kinh phí hơn 150 triệu đồng. Bà Chín cho biết, bây giờ gia đình an toàn nhiều hơn. Khi lũ về, lúa, gạo và thức ăn, nước uống đều đưa lên gác để dùng nhiều ngày trong mùa mưa lũ: “Vừa qua, nước lũ lên cao nhưng tôi đã có nhà kiên cố nên không còn lo nữa. Nhà tránh lũ có gác nên của cải đem hết trên gác, bà con lên gác ở cũng không lo sợ nữa. Trước đây, khi nước vào tới sân là đã phải lo di dời, đến khi hết lũ mới về. Nhưng hiện nay tôi không còn phải đi ở nhờ”.

Hằng năm, khi mưa lũ về, khoảng 1.000 nhà dân vùng thấp trũng, ven sông huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam bị ngập sâu trong nước. Đến nay, địa phương này đã xây dựng khoảng 200 căn nhà chống lũ đạt tiêu chuẩn, giúp bà con trú tránh giảm thiểu thiệt hại, rủi ro.

Ông Nguyễn Thế Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên, cho biết, mô hình nhà tránh lũ cho hộ nghèo tại địa phương đã mang lại hiệu quả thiết thực. Vào mùa mưa lũ, đây là nơi trú ngụ của người dân trong làng. Để có ngôi nhà tránh lũ, huyện huy động từ các nguồn kinh phí và ngân sách hỗ trợ mỗi gia đình 53 triệu đồng, phần còn lại, bà con góp thêm để xây mới hoặc nâng tầng nhà ở thật kiên cố.

“Duy Xuyên là vùng rốn lũ, sau khi được Chính phủ hỗ trợ xây nhà tránh lũ thì phải xây dựng đảm bảo nhà có sàn để tránh lũ, mùa mưa phải có khả năng chống bão. Ở Duy Xuyên, cơn bão số 9 đã tàn phá nhưng các nhà đều đảm bảo an toàn. Sau khi có nhà tránh lũ nhân dân rất yên tâm, không còn phải di dời”, ông Đức nói.

Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, xây dựng nhà tránh lũ cho người nghèo ở vũng trũng, vùng có nguy cơ lũ quét ở tỉnh Quảng Nam là chương trình có ý nghĩa thiết thực. Đây là mô hình cần được cộng đồng quan tâm, hỗ trợ nhân rộng, góp phần hạn chế thiệt hại về người và tài sản của nhân dân.

Tỉnh Quảng Nam hiện có khoảng 20.000 hộ dân nằm trong vùng thường xuyên bị ảnh hưởng của bão, lũ có nhu cầu xây nhà tránh lũ. Theo ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, bà con vùng lũ rất mong Nhà nước tiếp tục thực hiện Chương trình nhà tránh lũ giúp bà con an tâm sống chung với thiên tai ngày càng khắc nghiệt: “Chúng tôi thấy, nhà chống lũ phát huy được hiệu quả. Hiện nay, tại những vùng ngập lụt thường xuyên, tính mạng, tài sản của bà con được đảm bảo. Tại vùng bị ngập lụt vừa qua, chúng tôi không bị thiệt hại về người nhiều”./.