Chủ trương phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương nào cũng cần được tuyên truyền kịp thời, công khai trên tinh thần trọng dân, lắng nghe dân để người dân loại bỏ những tin tức võ đoán, thiếu xây dựng. Trong quá trình triển khai thực hiện cần hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư, cộng đồng dân cư và xã hội, trong đó cấp ủy, chính quyền các cấp được ví như “trọng tài” để cân bằng các mối quan hệ đó.

Thực tế chỉ ra rằng: Nếu thiên về lợi ích của nhà đầu tư mà coi nhẹ lợi ích của cộng đồng dân cư sẽ gây bất ổn; hoặc nếu chỉ vì lợi ích nhỏ lẻ, cục bộ của cộng đồng dân cư mà thiếu tầm nhìn về sự phát triển chung và lợi ích của nhà đầu tư thì địa phương sẽ khó phát triển, nếu không muốn nói là “tụt hậu”.

Tin đồn “FLC mua bãi biển” là sai sự thật

Thị xã Sầm Sơn, những ngày này là một “đại công trường”. Tuyến đường Hồ Xuân Hương dài 3,5km dọc bãi biển được tỉnh Thanh Hóa đầu tư 450 tỉ đồng qua địa bàn xã Quảng Cư và các phường Trung Sơn, Trường Sơn, Bắc Sơn đang gấp rút hoàn thiện. Bên mặt đường về phía biển là 13 ki-ốt lớn của Tập đoàn FLC sắp hoàn thành trước mùa du lịch năm nay.

vov_sam_son1_2__omka.jpg
Đường Hồ Xuân Hương đang được thi công

Đường Hồ Xuân Hương, dãy ki-ốt của FLC cùng tất cả bãi tắm, bến đỗ thuyền của ngư dân đều nằm trong dự án “Không gian du lịch ven biển phía đông đường Hồ Xuân Hương”.

Khi chính quyền cơ sở yêu cầu di dời bến đỗ thì bị người dân phản ứng, tập trung khiếu kiện đông người tại trụ sở cơ quan lãnh đạo tỉnh đòi quyền lợi. Sẵn tâm lý trước đây một số ngư dân bị bảo vệ FLC ngăn cản việc cào ngao trên bãi biển thuộc khu nghỉ dưỡng cao cấp ở xã Quảng Cư, nên không ít người tin vào tin đồn “Toàn bộ bãi biển, trong đó có bến đỗ thuyền của ngư dân đã được tỉnh bán cho Tập đoàn FLC. Tới đây, FLC sẽ quản lý bãi tắm không cho ngư dân ra vào”.

Ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa giải thích: “Thông tin như vậy là sai”. FLC chỉ đầu tư các ki-ốt để kinh doanh chứ không quản lý bãi biển. “Do tuyên truyền, giải thích chưa sâu, chưa đầy đủ dẫn tới bà con hiểu sai rằng tỉnh giao biển cho FLC. Tuy FLC bỏ tiền ra đầu tư công trình công ích, nhưng trách nhiệm quản lý là của nhà nước. Mọi người được hưởng lợi chung từ các công trình đó” - ông Quyền nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết: Mục tiêu thời gian tới là phát triển, cải thiện môi trường du lịch cho Sầm Sơn. Từ chỗ quán xá, hàng hóa bán lộn xộn, “chặt chém” du khách ngoài bãi biển, tranh giành khách, quầy tắm tạm nước ngọt tạm bợ phải quy hoạch lại. Hệ thống nhà hàng, quầy ki ốt, các nơi phục vụ tắm cho khách đảm bảo tiêu chuẩn.

“Phải thấy cái đại cục Sầm Sơn sẽ phát triển theo hướng ấy. Khi khách về nhiều hơn, nhu cầu dịch vụ sẽ nhiều hơn, người dân Sầm Sơn làm dịch vụ ăn ở, bán hàng chứ còn ai vào đây nữa? Một số người hầu như không quan tâm đến việc chuyển nghề, họ chỉ nghe một chiều là bãi biển bị thu hồi và khăng khăng đòi lại biển” - ông Quyền nói.

Đừng để lợi ích cộng đồng bị coi nhẹ

Xã Quảng Cư, thị xã Sầm Sơn cũng là một “đại công trường”. Từng đoàn xe tải cỡ lớn rầm rập chở vật liệu chạy trên đường trung tâm xã. Hàng loạt dự án công trình lớn của Tập đoàn FLC ở phía tây của xã, Dự án cải tạo đường Hồ Xuân Hương, Dự án đường Trần Nhân Tông đến đường Nam Sông Mã qua địa bàn đang được thi công. Chưa bao giờ người dân Quảng Cư lại thấy quê hương mình sôi động như bây giờ.

Xã Quảng Cư vẫn còn nhiều con đường như thế này

Theo quan sát của phóng viên, hàng đoàn xe tải chạy suốt ngày đêm khiến đoạn đường trung tâm xã dài gần 3 km bị đào xới thành những ổ voi, vũng nước. Cuộc sống của hàng trăm hộ hai bên đường bị ảnh hưởng do bụi bặm và tiếng ồn. Các tuyến đường trong xã vẫn là những con đường đất gồ ghề, nhiều chỗ lầy lội.

Ông Lường Văn Hoàng, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Cư cho biết: Cùng với việc hoàn thiện công trình, nhà đầu tư có kế hoạch làm đường mới cho dân đi lại và kết nối các điểm du lịch của Sầm Sơn. Quảng Cư hiện có trên 10.000 nhân khẩu, trong đó có gần 280 phương tiện đánh bắt hải sản.

Mấy năm nay, Tập đoàn FLC đầu tư xây dựng sân Golf, khách sạn 5 sao, khu nghỉ dưỡng cao cấp đã làm thay đổi bộ mặt xã miền biển, đời sống người dân đang được cải thiện. Riêng việc FLC xây tặng 5 thôn 5 nhà văn hóa và xây tặng xã một Nhà văn hóa trung tâm là những công trình mà suốt bao năm nay xã chưa làm được. Hàng trăm lao động chuyển đổi nghề, có việc làm thường xuyên trong khu nghỉ dưỡng và trên các công trường với mức lương ổn định; các quỹ người nghèo, quỹ chất độc da cam của xã cũng được FLC ủng hộ hơn 200 triệu đồng.

Khi đề cập khiếu nại của người dân Quảng Cư, ông Hoàng cho biết, họ không khiếu nại liên quan đến FLC mà chỉ đề nghị chính quyền để lại bến thuyền cho dân. “Sắp tới chính quyền địa phương với các ban ngành sẽ tuyên truyền vận động, tìm cách khắc phục khó khăn cho bà con ngư dân” - ông Hoàng nói.

Tàu thuyền của ngư dân Sầm Sơn đậu trên bãi biển sau ngày đối thoại với Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa. Ảnh: Việt Đức

Sau đối thoại, mặc dù lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa công khai khẳng định “không có văn bản nào yêu cầu di dời” nhưng theo tìm hiểu của phóng viên, nhiều ngư dân vẫn còn nghi ngại, vì bến đỗ bị “xóa sổ” trong quy hoạch không gian du lịch biển Sầm Sơn. Cuộc sống của họ sẽ bị xáo trộn nếu vội vàng di dời bến trong thời gian ngắn.

Họ cho rằng, du lịch Sầm Sơn chỉ “ồn ào” trong vài tháng hè, còn lại chừng 9 tháng, người dân vẫn phải lấy biển làm kế sinh nhai. Việc chuyển đổi nghề không phải ai cũng làm được và nếu có thì phải từng bước, chứ không thể một sớm một chiều.

Ngư dân Sầm Sơn vẫn nhắc lại mong muốn của họ, tỉnh cần có 1 bến đỗ thay vì 4 bến đỗ rải rác trên bãi biển hiện nay. “Bến đỗ có quy hoạch hẳn hoi, có nội quy ra vào, có môi trường sạch đẹp nằm gọn ở một góc nào đó trên bãi Sầm Sơn. Ngư dân chúng tôi hứa là hoạt động thành một làng nghề truyền thống văn minh” -Ông Lê Nhữ Lương, ngư dân phường Trung Sơn bày tỏ.

“Trọng tài” cân bằng lợi ích ba bên

Yêu cầu chính quyền để lại một bến đỗ thuyền tại Sầm Sơn, hầu hết người dân ở đây cho rằng: Một khu du lịch biển mà vẫn có nhiều bến đỗ “nhếch nhác” bởi ngư cụ, hải sản, nước thải lênh láng chảy ra bãi tắm, mùi hôi tanh bốc ra từ việc mua bán hải sản tại các “chợ tự phát” trên bãi biển như hiện nay thì chưa thể gọi là văn minh, hiện đại, chưa thể thu hút nhiều khách du lịch tới thăm và đời sống họ chưa thể cải thiện hơn.

Đặc biệt mấy năm trước Sầm Sơn nổi tiếng là nơi “chặt chém” gây phiền hà cho khách du lịch, thì sắp tới cần phải quy củ hơn nữa. “Chúng tôi rất đồng tình với dự án nâng cấp, xây dựng Sầm Sơn thành một quần thể du lịch tốt. Du lịch phát triển, đời sống của chúng tôi sẽ được nâng cao” - một ngư dân nói.

Theo ông Nguyễn Đức Quyền, Thanh Hóa vẫn thực hiện chính sách trải thảm đỏ mời gọi đầu tư. “Bây giờ để thu hút doanh nghiệp mang nghìn tỉ vào đầu tư nhằm tạo việc làm, tăng nguồn thu, phát triển hạ tầng không phải dễ. Riêng giai đoạn 1 của dự án, FLC đã tạo công ăn việc làm cho trên 1.300 lao động, trong đó Thanh Hóa gần 1000 người”.

Ông Nguyễn Đức Quyền - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa trả lời phỏng vấn của VOV

Vị lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cho rằng, nhà đầu tư nào cũng muốn có mặt bằng sạch, có cơ chế thông thoáng. Còn địa phương vẫn tiếp tục phấn đấu hết sức để làm điều đó. Muốn có mặt bằng sạch, thì cần có sự đồng thuận của nhân dân, nhưng có nơi do lịch sử để lại nên không phải một sớm một chiều đã xong.

Rõ ràng, việc quy hoạch, đầu tư để Sầm Sơn thành một quần thể du lịch văn minh, thân thiện là cần thiết và tất yếu; chủ trương “trải thảm đỏ” thu hút các nhà đầu tư của địa phương cũng là xu hướng chung hiện nay.

Song mọi sự phát triển đều phải có lộ trình, có sự minh bạch, nhất quán trong tuyên truyền, vận động nhân dân với tinh thần trọng dân, lắng nghe dân, giải quyết kịp thời những bức xúc của dân.

Để có một quần thể du lịch văn minh, thân thiện cần hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư, cộng đồng dân cư và lợi ích chung của xã hội. Trong đó cấp ủy, chính quyền địa phương được ví như “trọng tài” để cân bằng các lợi ích đó./.