Hiện nay, trong thời hòa bình, nhưng có nhiều gia đình vẫn sống trong một cuộc chiến âm thầm mà đau khổ dai dẳng, sức tàn phá chẳng kém gì thời cả đất nước nguy khốn vì chiến tranh phá hoại, đó là cuộc chiến với "con nghiện" trong gia đình. Nghiện rượu, ma túy, thuốc lá, nghiện games, cờ bạc… Những con nghiện này có thể là bất cứ ai, ở vị trí nào: ông, bà, bố, mẹ, con, cháu…
Em Phan Thành Đạt, từ người nghiện games, trở thành huấn luyện viên cho trẻ tự kỷ trong Trung tâm Tâm Việt |
Trên các phương tiện thông tin đại chúng, hoặc mạng xã hội, chúng ta đang nghe, nhìn, thấy, hiểu một vấn đề lớn, gây bức xúc, đau khổ cho mỗi gia đình, tế bào của xã hội, đó là những lời kêu than về thói nghiện và hệ lụy của nó. Xã hội đã tổ chức những trại cai nghiện ma túy, nhưng không phải gia đình nào cũng có thể đưa con nghiện của nhà mình tới đó. Thậm chí, con nghiện đã được đưa tới trại, được thực hiện liệu trình cai nghiện, nhưng không phải với con nghiện nào cũng thành công. Có khi, cai nghiện ở trại thành công, khi về lại với cộng đồng, thì “ngựa quen đường cũ”, nghiện lại hoàn nghiện.
Nghiện rượu cũng là một vấn nạn xã hội khủng khiếp. Theo một thống kê của tạp chí Y khoa Lancet (Anh), từ năm 2010-2017, tỷ lệ tiêu thụ rượu bia ở Việt Nam tăng 90%, trong khi tỷ lệ tăng trung bình ở Đông Nam Á là 34%. Đáng chú ý, ở giai đoạn này, Việt Nam là nước có tốc độ tăng tiêu thụ rượu bia cao nhất thế giới. Năm 2017, bình quân mỗi người Việt uống gần 9 lít đồ uống có cồn, con số này tại Ấn Độ là 5,9 lít; Nhật Bản là 7,9 lít...
Số liệu tốc độ tiêu thụ rượu bia tăng “chóng mặt” tỷ lệ thuận với tai nạn giao thông (TNGT). Kết quả một cuộc khảo sát do Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thực hiện tại 10 tỉnh, thành năm 2016 cho thấy, tỷ lệ các vụ tai nạn do rượu bia chiếm khoảng 39,6%. Năm 2016 xảy ra gần 21.500 vụ TNGT với 8.700 người chết thì chỉ riêng TNGT do bia rượu đã xấp xỉ 9.000 vụ. Từ gần 40% (năm 2016), theo thống kê chưa đầy đủ thời gian gần đây, có tới 65 - 70% các vụ TNGT mà người điều khiển phương tiện liên quan vi phạm nồng độ cồn. Đơn cử trong 4 ngày Tết Dương lịch 2019, chỉ riêng Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) đã tiếp nhận hơn 200 ca cấp cứu do TNGT, nhiều ca chấn thương sọ não, đa chấn thương. Hầu hết nạn nhân trong độ tuổi từ 20 - 30, nhập viện vẫn còn mùi bia rượu, nhiều ca không thể tiến hành gây mê vì bệnh nhân còn say xỉn.
Vậy những trường hợp nghiện rượu, cờ bạc, nghiện thuốc lá, nghiện games… thì sao? Có “trại cải tạo” nào dành cho họ? Hơn nữa, trong trường hợp họ là những người có vai vế trong gia đình, đang là một ông bố “hoành tráng”, một ông nội tóc đã hoa râm, một bà mẹ tuổi đã lục tuần… thì cách nào đưa họ vào trại đây? Không chỉ sức mạnh của cơn nghiện, mà thói sĩ diện trong mỗi người cũng trở thành sức ỳ lớn, khó khăn lớn cho công cuộc cai nghiện cho họ, khiến những nỗ lực của người thân trong việc giúp đỡ con nghiện trở thành… bất khả.
Tuy nhiên, không có gì là… không thể. Bằng phương pháp chữa trị đặc thù, chính xác, và môi trường rèn luyện đầy hào hứng, vui vẻ, con nghiện nào cũng có thể sớm từ bỏ được thói nghiện đã theo mình, hành mình nhiều năm, và tìm lại chính mình, niềm vui sống lành mạnh, tìm lại mục tiêu chân chính của cuộc đời mình. Phương pháp mới, hiệu quả dành cho con nghiện mới được Trung tâm kỹ năng mềm Tâm Việt phát minh trong thời gian qua, được gọi là “Siêu cao tốc dịch chuyển nơ-ron thần kinh” (Superneuro Highway). Phương pháp này thành công là do áp dụng khoa học thần kinh, kết nối đường truyền, hay tiếng phổ thông gọi là tạo thói quen, thói quen chính là nơ ron thần kinh nối chặt lại với nhau, khi đã nối chặt, thì cứ thế mà làm, thành tự động hóa, mạnh hơn tất cả những mong muốn khác.
Một số khá đông những thanh niên nghiện ngập chơi games ngày đêm, không chịu học hành và làm việc, thậm chí luôn đe dọa cả gia đình bằng cái chết để thỏa mãn thú vui riêng, khiến cả gia đình đau đầu, được gọi chung là “thiểu năng ý chí” đã được Tâm Việt chữa trị thành công, trở về với gia đình, với công việc, tìm được con đường đi chân chính của đời mình, hoặc họ ở lại với Tâm Việt, trở thành huấn luyện viên cho trẻ tự kỷ, và dìu dắt chính những người từng thiểu năng ý chí như mình.
Có thể kể ra một trường hợp của em Phan Thành Đạt, quê Thanh Hóa, mới 15 tuổi nhưng nghiện games nặng, thường xuyên bỏ học để tới quán games “xả láng cuộc đời”. Có lần, phản ứng khi bố mẹ nặng lời, em đã bỏ nhà đi nửa tháng, ăn ngủ chơi trong quán games khiến cả gia đình đau đầu, lo lắng căng thẳng. Trong lúc bố mẹ gần như bó tay với cậu con trai, định đưa cậu tới một loại trại cải tạo, thì chị gái của Đạt, đang đi làm tại Hà Nội, biết đến Trung tâm Tâm Việt, nơi từng huấn luyện những thanh niên ngỗ nghịch và thiếu ý chí thành những người biết sống kỷ cương, làm việc có ích cho xã hội, nên gợi ý đưa Đạt tới đó.
Đạt tới Trung tâm Tâm Việt vào đầu tháng 11/2018, gặp thầy Phan Quốc Việt. Cậu khá bất ngờ khi được nghe thầy nói quy tắc sống trong Trung tâm, đó là bỏ điện thoại, theo chế độ tập luyện, ăn ngủ như trong quân đội, sống 24h/7 tại đây.
Hai ngày đầu, Đạt tập kỹ năng đi xe đạp một bánh suốt ngày. Do trong một thời gian dài, cậu ăn ngủ thất thường, chỉ ngồi ỳ một chỗ trước màn hình chơi games, nên gày gò, sức yếu, cân nặng chỉ được 41 kg. Tập đi xe đạp một bánh ngoài trời cả ngày khiến cậu nhanh mệt, dừng lại nghỉ, thì các anh chị lại tới động viên cậu tập. Ở được hai ngày, cậu thấy đơn điệu, đòi về, thì các anh chị trong trung tâm khuyên nhủ cậu, rằng nên kiên nhẫn sống và tập luyện ở đây, sẽ học được rất nhiều bài học có ích, từ thầy Phan Quốc Việt, mà không thể học được ở nơi nào khác. Thấy các anh chị cũng ngày đêm luyện tập, học hành chăm chỉ, Đạt cứ thế làm theo.
Sau hơn một tháng ở Tâm Việt, Đạt đã tăng được 8kg, sức khỏe tốt hơn, đặc biệt là tinh thần phấn chấn. Cậu không còn nhớ và thèm chơi games nữa, mà coi đó là một quãng u mê tối tăm mình không may sa chân vào. Cậu giờ đây đã là huấn luyện viên cho trẻ tự kỷ, làm được việc có ích cho các em và gia đình các em.
Hoặc một trường hợp con nghiện rượu, thuốc lá đã hai chục năm là anh Nguyễn Văn Vinh, tại thôn Động Giã, xã Đỗ Động, huyện Thanh Oai, Hà Nội, người ta đã biết anh quá rõ và quen gọi anh là “thằng nát rượu” hay Vinh Nát. Hơn bốn mươi tuổi, đã lên chức ông ngoại, vẫn bị thôn xóm gọi là “thằng”, nhưng anh Vinh chẳng màng đến hình ảnh cá nhân của mình làm gì. Tâm trí anh đã bị con ma men chiếm đoạt từ lâu. Làm nghề xây dựng, đi làm bê tông xây nhà cho người ta, nhưng nhà mình thì anh phá. Bao nhiêu tiền trút hết qua lỗ chai rượu. Không những thế, ngày đốt 3 bao thuốc, anh luôn tuôn khói như một cái lò ẩm và nặc mùi thuốc lá khi đến gần.
Anh Vinh đi làm buổi đực buổi cái, tiền anh kiếm được từ việc làm bê tông không đủ mua rượu, thuốc lá, tiền lấy lén của gia đình cũng không đủ, anh dắt đôi bò, “cần câu cơm” của cả gia đình đi bán rẻ được chục triệu đồng, để được bí tỉ bất tận trong quán rượu, khiến vợ anh khóc hết nước mắt, giận chồng bầm tím ruột gan, vì anh dường như đã mất hết nhân tính, không màng đến chuyện vợ con có thể chết đói khi mất đi hai con bò, là phương tiện kiếm sống cuối cùng của cả gia đình. Anh Vinh còn đi vay tiền khắp làng. Không có nhà nào là không bị anh hỏi vay. Chị Quách Thị Nay, vợ anh sau đó khốn khổ vì phải nai lưng đi làm, được đồng nào, chưa kịp chi phí cho gia đình, đã phải trả nợ cho chồng.
Anh Nguyễn Văn Vinh, một người nghiện rượu nặng, đã cai nghiện và luyện tập tích cực các kỹ năng cân bằng. |
May sao, vào tháng 8/2019, anh Vinh Nát được gia đình đưa đến Trung tâm kỹ năng mềm Tâm Việt, và chưa đầy 1 tháng sống, rèn luyện tại đây, điều kỳ diệu đã xảy ra. Con ma men quỷ quái hơn hai thập kỷ nhấn mình trong rượu, uống như hũ chìm, lừa đảo khắp làng xóm, trong huyết quản là rượu chảy chứ không phải máu, lại có thể ngay tại đây, không uống rượu nữa, vui sống với lũ trẻ tự kỷ và hồn nhiên làm xiếc trước mắt chúng, dồn tâm sức tập một kỹ năng làm xiếc cực khó.
Không những bỏ rượu, bỏ thuốc lá, hằng ngày tại Trung tâm Tâm Việt, anh Vinh chăm chỉ luyện đi xe đạp một bánh, tung ba bóng như một nghệ sĩ xiếc. Tiết lộ về bí quyết kỳ diệu chuyển hóa một con người đã có thói quen hút thuốc, uống rượu bền vững, TS. Phan Quốc Việt chia sẻ, chỉ có thói quen tốt đủ mạnh mới đè bẹp được thói quen xấu. Người đã có thói quen xấu bền vững thì khuyên nhủ không thể lay chuyển được, chỉ có cách hiệu quả là luyện thiền động bằng đi xe đạp một bánh, tung bóng, tạo thành thói quen mới. Việc tung bóng, đứng thăng bằng trên con lăn, đội chai nước trên đầu chính là cách luyện tập lấy lại cân bằng từ bên trong. Mọi bệnh tật đều sinh ra từ mất cân bằng. Bên cạnh đó, cộng đồng cũng có tác động rất mạnh. Chỉ có cộng đồng tốt mạnh mẽ mới át được cộng đồng có thói quen xấu. Phải đưa được người nghiện vào một cộng đồng tốt, liên tục thi đua làm việc tốt, thì việc chữa nghiện ắt thành công.
Ngạc nhiên hơn khi anh Vinh còn tỏ ra gắn bó với trung tâm và các thầy cô tại đây, và cũng không ngần ngại thổ lộ ước muốn rèn luyện bản thân cho thật tốt, rèn kỹ năng giỏi, để sau này có thể làm thầy huấn luyện và chăm sóc cho các cháu tự kỷ. Thì ra, mọi chuyện đều có thể đổi thay, khi vào đúng thời điểm, gặp được đúng người tài, hội đủ cơ duyên, thì hạt mầm hy vọng sẽ nảy nở. Từ một “thằng nát rượu”, anh Vinh có thể trở thành thầy giáo trong trung tâm giáo dục đặc biệt, và tìm lại chính mình, trong vai trò một người đàn ông trưởng thành, người chồng, người cha trong gia đình của anh. TS. Phan Quốc Việt cùng đồng sự của mình đã làm nên một kỳ tích, đó là trả lại nghĩa sống đầy đủ nhất cho một người đàn ông, từng bị ma men cướp mất phần hồn.
Với phương pháp “Siêu cao tốc dịch chuyển nơ-ron thần kinh” (Superneuro Highway), TS. Phan Quốc Việt và các đồng sự của mình đã tìm ra một cách để giúp chấm dứt cuộc chiến đau khổ kéo dài, âm thầm tàn phá biết bao gia đình bao lâu nay. Những con nghiện trong mỗi gia đình đã có thể có cơ may thoát khỏi ngục tù cuộc đời, trở về với con đường đời chân chính, được LÀM NGƯỜI đúng nghĩa./.
Bộ trưởng LĐTBXH: 90% tái nghiện sau cai nghiện, đa phần là thanh niên
Cai nghiện ma túy đá bằng phương pháp cấy não