Báo cáo tại Hội nghị triển khai công tác phục vụ Tết Nguyên đán năm 2020 và Nghị định 100/2019 của Chính phủ diễn ra chiều nay (9/1), ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) cho biết: Sau gần 10 ngày triển khai, Nghị định 100 đã đạt được những hiệu quả rõ rệt.

con1_szzj.jpg
Sau gần 10 ngày triển khai, Nghị định 100 đã đạt được những hiệu quả rõ rệt.

“Báo cáo của Ủy ban ATGT Quốc gia cho thấy, nếu thời gian trước, trên cả nước có bình quân 21 - 23 người tử vong do TNGT mỗi ngày thì sau chưa đầy hai tuần thực hiện Nghị định 100 với sự đồng thuận cao của nhân dân và sự vào cuộc mạnh mẽ của các Bộ, ngành, lực lượng chức năng, con số này đã được kéo giảm xuống còn 16 - 17 người/ngày”, ông Huyện cho hay.

Nghị định số 100/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt được Thủ tướng ký ban hành ngày 30/12/2019 và có hiệu lực ngày 1/1/2020.

Điểm đáng chú ý tại Nghị định 100/2019 là việc xử phạt với cả tài xế xe đạp, xe máy trong hơi thở có nồng độ cồn bất kể mức nào.

Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN phát biểu tại Hội nghị.

Trong đó, các hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn, mức xử phạt cao nhất với người lái ô tô là từ 30 - 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng.

Đối với người lái xe máy, mức phạt là từ 6 - 8 triệu đồng, tước quyền sử dụng GPLX từ 22 - 24 tháng. Mức phạt với người đi xe đạp và xe thô sơ là từ 400.000 - 600.000 đồng.

Bên cạnh đó, Nghị định 100 đã bổ sung, tăng nặng các mức phạt vi phạm trên đường cao tốc như: hành vi chạy xe ở làn dừng khẩn cấp và lề đường của đường cao tốc sẽ bị xử phạt 4 triệu đồng thay vì 1 triệu đồng như trước đây; Hành vi đi ngược chiều trên đường cao tốc tăng từ 7,5 triệu lên 17 triệu, hành vi lùi xe tăng từ 1 triệu lên 17 triệu đồng; Hành vi sử dụng xe kinh doanh đón trả khách, nhận trả hàng trên đường cao tốc sẽ xử phạt cả lái xe và DN vận tải.

 

Theo ông Nguyễn Văn Huyện, Nghị định 100 không chỉ phục vụ thực thi Luật phòng chống tác hại của rượu bia mà còn để bổ sung, quy định nhiều hành vi liên quan đến Luật giao thông đường bộ và Luật đường sắt khi thực tế phát sinh những yếu tố đòi hỏi phải có quy định pháp luật phù hợp hơn.

Trong quá trình soạn thảo Nghị định 100 để thay thế Nghị định 46, do tính chất cấp thiết liên quan đến tình hình tai nạn giao thông nên Chính phủ đã có những cuộc họp chỉ đạo, cho phép xây dựng dự thảo theo trình tự rút gọn.

Nghị định 100 không trái Luật Giao thông đường bộ

Trước việc Nghị định 100/2019 vừa được Chính phủ ban hành và có hiệu lực từ 1/1/2020 xử phạt với cả tài xế xe đạp, xe máy trong hơi thở có nồng độ cồn bất kể mức nào.

Một số ý kiến cho rằng trong khi Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) 2008 quy định không xử phạt đối với người điều khiển mô tô, xe gắn máy trong hơi thở có nồng độ cồn dưới 0,25 miligam/1 lít khí thở. Phải chăng Nghị định 100 đang trái với luật GTĐB?

Lý giải vấn đề này, bà Hoàng Hồng Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) cho biết, theo Khoản 8, Điều 8 Luật GTĐB 2008 về các hành vi bị nghiêm cấm khi điều khiển phương tiện như sau: Điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Điều khiển xe mô tô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở.

Nghị định 100/2019 xử phạt hành vi uống rượu bia lái xe không vượt qua Luật GTĐB.

Theo bà Hạnh, khoản 1 Điều 35 Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia quy định: Sửa đổi, bổ sung khoản 8 Điều 8 của Luật Giao thông đường bộ 2008 về các hành vi bị nghiêm cấm như sau: Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

"Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia đã điều chỉnh Luật GTĐB, với quy định nghiêm cấm khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông sử dụng rượu bia, bất kể nồng độ cồn bao nhiêu", bà Hạnh cho biết.

"Khi góp ý cho dự thảo, một số ý kiến cho rằng không nên dẫn hết, vì nếu dẫn sẽ phải dẫn rất nhiều văn bản khác có liên quan mà Nghị định 100 căn cứ để xử phạt. Cụ thể như, xử phạt lỗi không thắt dây an toàn với người ngồi trên ô tô, xử phạt lái xe ô tô dùng tay sử dụng điện thoại…Những lỗi này, Luật GTĐB 2008 không quy định, nhưng vẫn đưa vào nghị định xử phạt vì căn cứu theo Công ước Viên 1968 mà Việt Nam là thành viên, và Nghị định 100 cũng không dẫn căn cứ theo Công ước này", bà Hạnh nói./.