Theo thống kê của Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh Nghệ An, những ngày qua, bệnh viện tiếp nhận cấp cứu 5 nạn nhân bị ngộ độc khí carbon monoxide (CO), do đốt than sưởi, khí độc sản sinh trong phòng kín; trong đó, 1 bé gái 18 tháng tuổi đã tử vong, 4 thành viên còn lại trong gia đình nhiễm độc mức độ từ nhẹ đến vừa.

5 nạn nhân trong vụ ngộ độc than trú tại thị trấn Nam Đàn, huyện Nam Đàn (Nghệ An). Các thành viên trong gia đình gồm: Nguyễn Thị Nga (20 tuổi), bà Nguyễn Thị Tiến (40 tuổi, mẹ ruột chị Nga), Đậu Thị Hạnh (17 tuổi, em chồng chị Nga) và 2 cháu bé: bé gái 18 tháng tuổi và bé trai 1 ngày tuổi con chị Nga. 

suoi_am_bang_than_cui_be_gai_18_thang_tuoi_tu_vong_4_nguoi_nguy_kich_gfui.jpg
Bé trai con sản phụ Nga được theo dõi sức khỏe chặt chẽ tại Tổ Sơ sinh, khoa Sản. (ảnh: Dân Trí).

Bác sĩ Nguyễn Thanh Khôi, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Sản – Nhi Nghệ An cho biết, 2 trường hợp nhiễm độc khí nặng hơn đã được chuyển sang Bệnh viện hữu nghị đa khoa Nghệ An, 2 trường hợp nhẹ hơn là chị Hạnh và chị Nga sức khỏe đã ổn định và được xuất viện chiều 26/1.

“Hiện tại các bệnh nhân đã ổn định sức khỏe, chúng tôi cũng đã cho xuất viện chiều nay. Còn bệnh nhân nặng nhất ngộ độc khí CO thì nhập viện trong tình trạng ngưng thở, ngưng tim và đã tử vong. Khi gặp trường hợp người nhiễm độc khí than đốt, việc đầu tiên là đưa ngay ra khỏi khu vực có khí CO. Sau đó tùy thuộc vào tình trạng của bệnh nhân để xử lý. Nếu đưa ra ngoài ở nơi thoáng khí mà bệnh nhân tỉnh lại thì thôi. Còn nếu bệnh nhân vẫn còn rối loạn về tinh thần, ý thức, thì phải dùng mọi cách đảm bảo đủ ấm trong thời tiết giá lạnh và đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để nhanh chóng cấp cứu”, bác sỹ Khôi nói.

Nếu tại Bệnh viện Sản – Nhi Nghệ An trong khoảng 3 ngày nay, lượng bệnh nhân đến khám tăng khoảng 20%, xấp xỉ 500 bệnh nhân/ngày, thì tại Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh Ninh Bình, số bệnh nhân nhập viện lại giảm đi. Tuy nhiên, những trường hợp nhập viện ở Ninh Bình lại nặng hơn và đa số phải nhập viện điều trị ngay sau khi khám. Các bệnh nhi nhập viện chủ yếu mắc các bệnh về đường hô hấp như viêm phổi, viêm phế quản, ho, sốt.

Bác sĩ Phạm Hồng Kiều, Trưởng khoa Nội nhi I, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Ninh Bình cho biết, thời tiết mưa rét khiến trẻ nhỏ dễ bị nhiễm bệnh do hệ miễn dịch suy giảm, nhất là các bệnh về đường hô hấp và dị ứng.

“Do ảnh hưởng của thời tiết lạnh nên các trường hợp có triệu chứng nặng, gia đình mới đưa đi, cho nên hầu hết các trường hợp đến khám đều phải nhập viện hết. Vào mùa này, quan trọng nhất là gia đình phải đảm bảo chế độ dinh dưỡng theo từng lứa tuổi của trẻ để đảm bảo trẻ có sức khỏe tốt chống đỡ được với các yếu tố bệnh tật. Ngoài ra, phải vệ sinh sạch sẽ cho trẻ hàng ngày, môi trường sống phải ấm nhưng đủ ánh sáng và thoáng”, bác sĩ Kiều nói.

Các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo, đối với trẻ đã bị viêm đường hô hấp, cần thường xuyên vệ sinh sạch sẽ, làm thông thoáng đường thở. Ngoài ra, gia đình không được sưởi than, trong nhà không nên đóng kín các cửa khiến không khí khó lưu thông.

Phụ huynh cần đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ theo chuẩn lịch của chương trình tiêm chủng mở rộng, bởi khi không được tiêm chủng vắc xin phòng bệnh đúng lịch sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do không có miễn dịch bảo vệ như bệnh ho gà, sởi, bạch hầu, lao, viêm gan B, viêm não Nhật Bản./.