Trong những năm qua, MTTQ các cấp đã tổ chức ngày hội Đại đoàn kết trong 105.000 khu dân cư trong toàn quốc. Cùng với việc tuyên truyền về kỷ niệm ngày thành lập mặt trận là các hoạt động đầy ý nghĩa như: trao nhà Đại đoàn kết, thăm các gia đình cán bộ mặt trận, tổ chức vệ sinh đường làng, ngõ xóm… ở từng khu dân cư- VOV online phỏng vấn bà Hà Thị Liên – Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhân kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam (18/11/1930-18/11/2012).

PV: Thưa bà, để kỷ niệm 82 năm ngày thành lập Mặt trận dân tộc Thống nhất, MTTQ Việt Nam đã có những hoạt động như thế nào?

dai-doan-ket.jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng,Chủ tịch UBTƯMTTQ VN Huỳnh Đảm với bà con xóm 4, xã Hải Bắc, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định trong Ngày hội Đại đoàn kết, 11/11 (ảnh: ĐĐK)

Bà Hà Thị Liên:Để kỷ niệm ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam, MTTQ Việt Nam đã có hướng dẫn gửi đến MTTQ các cấp và các cơ quan liên quan về việc tổ chức và công tác tuyên truyền “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” ở khu dân cư năm 2012.

Hình thức kỷ niệm thiết thực nhất là tổ chức ngày Hội Đại đoàn kết ở từng khu dân cư, ôn lại truyền thống ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam. Đồng thời, tổng kết cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.

Tôi đã đi dự ngày hội Đại đoàn kết ở nhiều địa phương như Hải Phòng, Nghệ An, Hà Tĩnh và nhiều tỉnh miền Trung và đều cảm nhận được không khí của ngày hội thực sự đầm ấm. Trước và sau phần lễ, nhiều địa phương tổ chức các hoạt động vui chơi như: kéo co, bịt mắt bắt dê, những trò chơi dân gian, cho đến các tiết mục của chi hội phụ nữ, chi hội nông dân, các cháu thiếu niên nhi đồng... Kết thúc ngày hội, một số địa phương còn tổ chức bữa cơm đoàn kết. Trong bữa cơm, mọi người đã xích lại gần nhau, xóa bỏ mọi hiềm khích để xây dựng tình đoàn kết cộng đồng.

Qua hoạt động này, tất cả bà con đều rất phấn khởi bởi ngày hội đã thực sự đi vào lòng dân, đến tận từng cộng đồng dân cư. Đến nay, ngày hội Đại đoàn kết đã trở thành hoạt động truyền thống ở các thôn làng, bản, cộng đồng dân cư.

Thông qua ngày hội, MTTQ các cấp đã đánh giá lại kết quả, biểu dương, khen thưởng những tập thể, gia đình và cá nhân tiêu biểu cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”; đồng thời phát động thi đua đẩy mạnh cuộc vận động góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội của địa phương và cả nước.

PV: Sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước không thể không kể đến có sự đóng góp của MTTQ các cấp. Bà có thể cho biết đóng góp của Mặt trận ở những góc độ cụ thể?

Bà Hà Thị Liên (ảnh: Minh Hòa)

Bà Hà Thị Liên:Việc phát triển kinh tế-xã hội có sự đóng góp của MTTQ Việt Nam trên nhiều góc độ. Trước hết, Mặt trận đã vận động nhân dân đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, cùng thực hiện đường lối của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế-xã hội. Người dân được hướng dẫn cụ thể làm thế nào để huy động được mọi nguồn lực, tiềm năng về con người, đất đai để thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây  trồng, vật nuôi, đưa khoa học, kĩ thuật vào phát triển sản xuất nông nghiệp nông thôn. Trong đó, các tổ chức thành viên của Mặt trận như thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh… là những tổ chức nòng cốt trong việc thực hiện các chủ trương này.

Cùng với đó, trong suốt 12 năm qua, MTTQ đã có Quỹ hỗ trợ người nghèo về tư liệu sản xuất, giúp họ được chữa bệnh khi ốm đau và giúp con em họ được đi học.

3 năm gần đây, MTTQ còn vận động được hàng nghìn tỷ đồng từ các doanh nghiệp, các tổ chức giúp đỡ các địa phương còn khó khăn các công trình an sinh xã hội, như xây cầu, trường học...

Có thể nói, từ khi thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” và cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, phong trào phát triển kinh tế-xã hội của người dân ngày càng thiết thực, hiệu quả.

Mặt trận chủ động tham gia, giám sát việc xây dựng nông thôn mới

PV: Xây dựng nông thôn mới là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Đây được coi như một cuộc cách mạng trong việc công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn. Xin bà cho biết, vai trò của MTTQ Việt Nam trong việc tham gia xây dựng nông thôn mới?

Bà Hà Thị Liên:Nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc trước hết là tuyên truyền đường lối của Đảng và Nhà nước về chủ trương xây dựng nông thôn mới. Tuyên truyền để người dân đều hiểu chủ trương xây dựng nông thôn mới là sự nghiệp của mọi người dân.

Thứ hai là vận động người dân, đặc biệt là những người dân ở nông thôn trực tiếp, tích cực tham gia để góp công, góp sức vào việc xây dựng nông thôn mới. Cùng với sự đầu tư của Chính phủ, phải có sự chủ động, chung tay của tất cả người dân cả nước. MTTQ các cấp đã vận động nhân dân tham gia hiến đất, trí tuệ, tiền của… vào công cuộc xây dựng nông thôn mới.

Có thể hiểu một cách đơn giản sự tham của người dân cùng với Đảng, Nhà nước như việc muốn vận chuyển lương thực, thực phẩm, hàng công nghiệp về nông thôn thì phải có đường giao thông thuận lợi. Việc mở đường lại liên quan đến đất đai của người dân. Khi người dân hiến đất, Nhà nước lại hỗ trợ xi măng để làm cầu, cống và người dân lại hỗ trợ công sức để cùng xây dựng…

Thứ ba là Mặt trận trực tiếp tham gia với một số tiêu chí, như cùng với chính quyền địa phương vận động thực hiện tiêu chí về nâng cao thu nhập để giảm nghèo bền vững. Mặt trận và các thành viên của Mặt trận giúp người dân tăng gia sản xuất, chuyển đổi cây trồng vật nuôi để nâng cao thu nhập.

Hay tiêu chí về nhà ở, Mặt trận tham gia bằng việc giúp địa phương xây dựng nhà Đại đoàn kết.

Cùng với đó là các tiêu chí về xây dựng gia đình văn hóa, xây dựng các khu dân cư văn hóa…

Đối với các vùng sâu, vùng xa, Mặt trận tham gia vận động bà con không để con em bỏ học. Vận động xây dựng cơ sở hạ tầng như nhà văn hóa thôn bản, đường làng ngõ xóm…

Bên cạnh đó, Mặt trận giám sát việc xây dựng nông thôn mới, như giám sát đầu tư vào cộng đồng, giám sát cán bộ công chức thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, giám sát việc đóng góp của người dân trong xây dựng các công trình hạ tầng ở nông thôn cũng như các công trình xã hội.

PV: Phải khẳng định các cuộc vận động của MTTQ Việt Nam trong nhiều năm qua thực sự có hiệu quả, đã góp phần củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tuy nhiên, trong hơn 10 năm qua, MTTQ hầu như chưa có nhiều đổi mới trong việc xây dựng và tổ chức các cuộc vận động. Bà có cho rằng, đã đến lúc MTTQ Việt Nam cần phải đổi mới, tăng cường hơn nữa các hình thức vận động nhân dân?

Bà Hà Thị Liên:Chúng tôicũng đang cân nhắc để cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” có những điều chỉnh, thay đổi cho phù hợp với tình hình hiện nay. Thay đổi làm sao để MTTQ thực sự là người trực tiếp tuyên truyền, vận động, phát huy sức mạnh toàn dân; đồng thời phát huy sức mạnh của các tổ chức để sự tham gia của các đoàn thể, các doanh nghiệp ngày càng phong phú, đa dạng.

Về Quỹ vì người nghèo, chúng tôi cũng đang suy nghĩ là có thể Mặt trận các cấp không trực tiếp thu Quỹ mà việc đóng góp này thông qua Quỹ thành viên.

Mặt trận cũng sẽ đi sâu vào chức năng giám sát để những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước thực hiện ngày càng hiệu quả. MTTQ sẽ giám sát đầu tư của Nhà nước, đóng góp của nhân dân để các nguồn lực này không bị thất thoát, tiêu cực, lãng phí.

PV: Hiện nhiều nơi đang quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. MTTQ Việt Nam đã quán triệt, triển khai Nghị quyết TW4 như thế nào, thưa bà?

Bà Hà Thị Liên:Chúng tôi hướng dẫn đối với Đảng đoàn MTTQ Việt Nam, MTTQ các cấp quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 với các nội dung đã nêu trong Nghị quyết. Đặc biệt là vấn đề góp ý kiến cho đội ngũ cán bộ Đảng viên, lãnh đạo, những người đứng đầu.

Chúng tôi cũng nhấn mạnh vào vấn đề trọng tâm là xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ đảng viên, nâng cao sức chiến đấu, bài trừ tham nhũng, tiêu cực. Cụ thể ở MTTQ Việt Nam, bản thân từng cán bộ chủ chốt cũng phải phát huy năng lực của mình để nâng cao hiệu quả công việc.

PV:Xin cảm ơn bà./.