Bắt đầu từ hôm nay (10/11), Nghị định 71 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 34 chính thức có hiệu lực. 

Tại Hà Nội, sáng 10/11 đã triển khai thực hiện. Theo thượng tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng cảnh sát giao thông Công an thành phố thì sẽ kiên quyết xử lý tất cả các trường hợp vi phạm. Đối với những xe phát hiện không làm thủ tục sang tên đổi chủ, những ngày đầu sẽ ra chỉ quyết định xử phạt người điều khiển, nhưng không tạm giữ phương tiện.

Tuy nhiên, do là ngày đầu tiên xử phạt nên nhiều chủ phương tiện ô tô, xe máy mua bán trao đổi không sang tên đổi chủ hết sức lo lắng. Ông Nguyễn Văn Bình, ở quận Đống Đa, Hà Nội cho rằng, rất khó để có thể bắt được tất cả mọi người đăng ký ô tô, xe máy chính chủ  được, vì hiện nay có rất nhiều xe không chính chủ đang lưu thông, có nhiều xe đã mua đi bán lại nhiều lần bây giờ khó mà tìm được chủ đầu tiên để mà làm thủ tục.

Còn ông Lê Đức Hậu, ở Nghĩa Đô cho rằng, việc bắt buộc sang tên đổi chủ phương tiện nếu làm được thì rất tốt, nhưng không biết có làm được hay không. Việc tăng nặng mức xử phạt đối với một số hành vi như đua xe trái phép, mọi người rất đồng tỉnh ủng hộ để lập lại trật tự an toàn giao thông hiện nay.

Theo đó, những thay đổi trong nội dung Nghị định 71 có một số mức tăng nặng xử phạt là: ô tô chuyển nhượng không sang tên đổi chủ sẽ bị phạt từ 6 - 10 triệu đồng/xe, riêng mô tô, xe máy xử phạt 1 triệu đồng/xe; đối với hành vi đua xe máy, xe ô tô trái phép, cổ vũ đua xe trái phép sẽ bị xử phạt từ 1 triệu đến 30 triệu đồng; uống rượu bia khi tham gia giao thông bị xử phạt lên đến 15 triệu đồng.

Cụ thể về vấn đề này, Thượng tá Trần Sơn, Phó trưởng phòng Hướng dẫn Luật- Điều tra và xử lý tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát Giao thông Đường bộ - Đường sắt, Bộ Công an cho biết: “Những điểm mới của Nghị định 71 là nâng mức phạt tiền của 44 nhóm hành vi là các nguyên nhân trực tiếp gây ra tai nạn và ùn tắc giao thông. Mức phạt tiền của hầu hết các lỗi đều tăng từ 1,5 đến 2,5 lần so với Nghị định 34, có một số lỗi được giảm nhẹ. Đặc biệt là xử phạt nặng những lỗi người điều khiển phương tiện uống rượu bia, cao nhất đến 15 triệu đồng…”.

Cục cảnh sát giao thông đường bộ đường sắt hướng dẫn: Trường hợp phương tiện đã mua bán qua nhiều đời thì chủ phương tiện cuối cùng đang sử dụng xe phải có trách nhiệm đến các cơ quan đăng ký làm thủ tục đăng ký lại, chuyển quyền sở hữu và phải chịu mức xử phạt theo quy định. Đối với trường hợp đi xe mang tên những người thân trong gia đình, người sử dụng phương tiện phải chứng minh được giữa mình và chủ phương tiện có mối quan hệ.

Hiện nay, đa số người sử dụng xe máy, vì nhiều lý do mà đi xe không chính chủ. Nhiều người băn khoăn lo lắng về việc thực hiện chủ trương trên./.