Chính phủ vừa trình Quốc hội Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) với nhiều điểm mới quan trọng. Nhiều đại biểu Quốc hội đặt kỳ vọng, lần sửa đổi luật này tiếp tục tạo dựng khung pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất về đấu thầu, thúc đẩy hoạt động mua sắm công ngày càng hiệu quả, bền vững.
Đại biểu Quản Minh Cường (đoàn Đồng Nai) đã có trao đổi với phóng viên VOV.VN về nội dung này.
Ông Quản Minh Cường: Qua thực tế thực hiện nhiều năm, khi cuộc sống, điều kiện kinh doanh, môi trường, giá nguyên vật liệu, thi công thay đổi các văn bản pháp luật khác cũng thay đổi, nên việc sửa đổi Luật Đấu thầu là rất cần thiết.
Bản chất của đấu thầu là để không xảy ra những chuyện tiêu cực, tránh trường hợp “cánh hậu” không đủ năng lực thi công nhưng lại trúng, không đủ năng lực để tư vấn, triển khai dự án nhưng lại được làm, cuối cùng có thể đem bán dự án lấy lợi nhuận. Đấu thầu là chọn nhà đầu tư, chọn người đủ điều kiện, năng lực để thực hiện những nhiệm vụ kinh tế -xã hội của Nhà nước… Đồng thời, đấu thầu cũng là sự cạnh tranh, ai đủ năng lực đưa ra những tiêu chí điều kiện kỹ thuật, ai đủ năng lực thì được làm.
Nhưng qua đấu thầu đã và đang bộc lộ rất nhiều vấn đề, có khi vì muốn trúng đấu thầu, nhiều nhà thầu đã bỏ thầu giá thấp nhất nhưng quá trình không thực hiện không làm được lại đưa ra nhiều lý do. Thậm chí, có trường hợp đi mượn tư cách pháp nhân của nhà thầu khác để đấu thầu nhưng trên thực tế không đủ năng lực thi công.
Ông Quản Minh Cường:Việc đấu thầu thuốc và trang thiết bị y tế là hết sức cần thiết. Chính qua đấu thầu, mới sử dụng được rất nhiều loại thuốc rẻ và hiệu quả, đồng thời tránh tiêu cực. Thế nhưng, chúng ta cũng phải tránh quan niệm cứ đấu thầu là phải rẻ. Ví dụ, mỗi lần đấu thầu lại rẻ hơn lần trước 5%, như vậy sau 1 năm mà đấu thầu 2 lần thì sau 10 năm thuốc giá trị bằng 0?
Đấu thầu là phải chọn được thiết bị y tế, thuốc chất lượng nhất, hợp lý nhất chứ tôi không muốn nói là rẻ nhất. Đấu thầu phải đảm bảo được chất lượng, giá cả hợp lý và đặc biệt là phải cung cấp đúng tiến độ. Nếu không đảm bảo thời gian thì bệnh nhân không có thuốc chữa bệnh.
Đặc biệt là trang thiết bị y tế thì đấu thầu khó hơn cả thuốc bởi vì có những chủng loại thiết bị, máy móc chỉ có một nhà sản xuất cung cấp được.
Tôi cho rằng, việc đấu thầu y tế vừa rồi là cần thiết nhưng rõ ràng đang có lỗ hổng, dẫn đến tình trạng thiếu thuốc, thiếu thiết bị y tế ở một loạt các bệnh viện trên toàn quốc. Thủ tướng Chính phủ đã rất kịp thời chỉ đạo, theo đó, phải tăng cường quản lý chặt chẽ các bệnh viện và đặc biệt là thực hiện tốt đấu thầu thuốc chữa bệnh và các phương tiện chữa bệnh. Theo tôi, để chữa được bệnh thì phải có bác sĩ giỏi, thiết bị tốt và phải có thuốc tốt. Chúng ta đã có đội ngũ bác sĩ được đào tạo rất bài bản và nhiều kinh nghiệm. Hệ thống giường bệnh từ cấp xã, phường, cơ sở về cơ bản đã đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân. Nhưng hiện chúng ta đang vướng về thuốc và thiết bị y tế. Nếu thiếu 1 trong 3 điều kiện trên thì cũng không thể chữa cho bệnh nhân được.
Ông Quản Minh Cường: Theo tôi, cần phải đẩy mạnh đấu thầu thiết bị y tế và thuốc nhưng trong trường hợp cần thiết, cấp bách cũng phải chỉ định để mua, vừa kịp thời và vừa chống tiêu cực.
Về việc xã hội hóa khám chữa bệnh và hợp tác công tư, thời gian qua đã triển khai nhưng cũng bị lợi dụng, dẫn đến một số sai phạm và phải tạm dừng. Tôi cho rằng cần phải chấn chỉnh những tiêu cực, hạn chế nhưng những điểm tốt vẫn phải tiếp tục làm cho phù hợp với chủ trương xã hội hóa giáo dục và y tế, trong đó Nhà nước giữ vai trò chủ đạo.
Chúng ta có 100 triệu dân nếu như Nhà nước đều bao cấp hết thì không làm được. Vì thế, những hoạt động tư nhân làm được thì Nhà nước chỉ đạo và giữ vai trò chủ đạo chứ không nhất thiết phải làm thay hết.
Bên cạnh đó, trong những lúc khó khăn như hiện tại, chúng ta càng phải biết trân trọng, đánh giá đúng vai trò của các y bác sĩ, những thầy thuốc đang ngày đêm gian khổ, hy sinh trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Nếu không quan tâm đúng mức đến đội ngũ y tế sẽ dẫn đến những hiện tượng y bác sỹ bỏ việc, ngay như ở Đồng Nai cũng đã có gần 1.000 y bác sĩ chuyển việc, bỏ việc trong chưa đến 2 năm.
Ông Quản Minh Cường: Muốn đấu thầu tốt, Luật Đấu thầu phải khoa học, công khai, minh bạch. Cùng với đó, trong quá trình đấu thầu các chủ thầu, cơ quan quản lý Nhà nước phải công tâm, khách quan không tiêu cực. Dù luật pháp có đầy đủ đến đâu đi nữa mà cán bộ trực tiếp làm công tác có biểu hiện tiêu cực thì cũng mang lại kết quả không tốt. Quan điểm của cá nhân tôi ngoài chuyện sửa đổi Luật Đấu thầu, cũng cần bổ sung thêm rất nhiều tiêu chí để chỉ định chọn những nhà thầu, nhất là những công trình Quốc phòng, an ninh trọng điểm quốc gia, nếu chỉ thực hiện đấu thầu chưa chắc đã hiệu quả bằng chỉ định thầu.
Đấu thầu là hình thức công khai minh bạch văn minh tiến bộ của nhân loại, trên thế giới họ sử dụng nhiều hình thức cả đấu thầu kể cả lựa chọn thầu, chỉ định thầu. Việc đấu thầu là quy định, nhưng người đứng đầu chính quyền các cơ sở cũng phải rất quan tâm, tránh tiêu cực trong quá trình đấu thầu.