Do ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng kỷ lục xảy ra gần một tuần qua, nhiều người già phải nhập viện điều trị bệnh tăng huyết áp, tim mạch đột quỵ, viêm phổi và sốc nhiệt. Bên cạnh đó, nhiều trẻ em bị bệnh về hô hấp, sốt cao, viêm phế quản- phổi, rối loạn tiêu hóa và tiêu chảy do virus.

Gần trưa nay, một cụ bà hơn 70 tuổi đi xe máy đến phố Xã Đàn- Đống Đa- Hà Nội bỗng thấy hoa mắt, chóng mặt và sau khi dừng xe đã ngã xuống, bất tỉnh. Mặc dù người dân gọi xe cấp cứu đến nhưng bà cụ đã tử vong.

vov_nang_nong_1__hsxx.jpg
Bệnh nhân khám và điều trị tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương tăng 10%.
Tiến sỹ Trần Viết Lực, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho biết: “Với bà cụ này, có thể do nắng, nhiệt độ cao quá, che chắn không kỹ, ánh nắng mặt trời chiếu vào vùng gáy dẫn đến sốc nhiệt, rối loạn tim mạch dẫn đến đột quỵ, gây tử vong”.

Nắng nóng gay gắt kéo dài nhiều ngày qua, số lượng bệnh nhân tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương tăng khoảng 10%, chủ yếu là bị rối loạn điện giải do mất nước, mất muối, viêm phổi, tăng huyết áp, tim mạch, đột quỵ.

Trưởng khoa Khám bệnh Trần Viết Lực khuyến cáo: “Trời nắng nóng, người già và trẻ nhỏ khi mất nước thì kèm theo mất muối. Có một điểm ít người để ý là khi người già mất nước thì cảm giác khát lại rất ít, chỉ khi tình trạng nặng nguy kịch những người xung quanh mới biết. Do vậy, cần chủ động bù nước cho người già, tốt nhất là bù điện giải bằng nước ô-rê-zôn, nước dừa, nước hoa quả”.

Trẻ em bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi nắng nóng. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, lượng bệnh nhân điều trị nội trú tăng nhẹ, nhưng những trẻ đến khám bệnh về hô hấp, viêm phế quản- phổi, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy do virus tăng gần 30%, trong đó hơn 15% bệnh nhân có biến chứng viêm phổi.

Chị Đỗ Thương Huyền ở Văn Quán, Hà Đông(Hà Nội) đưa con đi khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: “Cháu nhà tôi 15 tháng tuổi bị rối loạn tiêu hóa do ăn phải thức ăn bị hỏng bởi nắng nóng. Ba ngày qua cháu nôn liên tục. Nhà tôi 2 cháu đều ốm. Cháu lớn gần 4 tuổi bị viêm amidan nên sốt cao”.

Bác sỹ Trương Thúy Vinh, Trưởng khoa Khám bệnh, BV Nhi trung ương khám bệnh cho các em nhỏ.
Chị Bùi Thị Phương ở Cẩm Khê, Phú Thọ cho biết, nhà không có điều hòa và con chỉ ở trong nhà nhưng vẫn bị ốm: “Cháu nhà tôi 4 tuổi, cháu bị ho, sốt gần 1 tuần nay, uống thuốc không khỏi nên tôi cho cháu đi khám. Thời tiết nắng nóng quá nên cháu ở trong nhà vẫn ốm”.

Bác sỹ Trương Thúy Vinh, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi Trung ương khuyến cáo, khi trẻ bị sốt cao nên cho trẻ uống thuốc hạ sốt, hạn chế việc đặt thuốc hạ sốt qua đường hậu môn và tuyệt đối không được dùng đá lạnh để chườm cho trẻ.

“Nhiều trẻ bị sốt cao, rét run do bị co mạch dẫn đến tăng nhiệt độ cơ thể lên cao, gây co giật. Khi đó cần cho trẻ ở nơi thông thoáng, cởi bớt quần áo, dùng nước ấm 38 độ chườm cho trẻ. Không dùng đá để chườm vì sẽ làm co mạch và trẻ càng sốt cao hơn” - bác sỹ Trương Thúy Vinh cho biết.

Dự báo, ngày mai, thời tiết sẽ dịu mát, sau đó lại tiếp tục một đợt nắng nóng khác. Người già và trẻ nhỏ hạn chế đi ra ngoài khi trời nắng. Nếu phải ra ngoài cần che chắn tối đa bằng mũ, kính, khẩu trang, áo chống nắng, hạn chế da tiếp xúc với nắng nóng, nhất là vùng gáy và không nên ở quá lâu dưới trời nắng.

Người già và trẻ em cần được ăn những thức ăn dễ tiêu hóa, ăn chín, uống sôi, uống đủ nước để đảm bảo sức khỏe, tốt nhất là uống nước hoa quả và nước ô-rê-zôn. Khi sử dụng điều hòa không nên để nhiệt độ trong phòng chênh lệch quá với nhiệt độ bên ngoài, không để cơ thể người già và trẻ bị thay đổi môi trường đột ngột và đảm bảo mũi và miệng trẻ luôn sạch sẽ./.