Số ca trẻ em mắc các bệnh về hô hấp, tiêu chảy cũng có xu hướng gia tăng.

Bình thường mỗi ngày Bệnh viện đa khoa Nông nghiệp (ở Thanh Trì – Hà Nội) tiếp nhận khoảng 700 bệnh nhân nhưng trong 1 tuần qua, mỗi ngày có hơn 1000 người bệnh đến khám, tăng 30%, trong đó nhiều bệnh nhân huyết áp cao, tiểu đường, tim mạch bị tai biến phải điều trị nội trú.

beh_vien_vov_qfdz.jpg
Bệnh nhân hen phế quản được khám tại Bệnh viện Bạch Mai.

Bệnh nhân Bùi Thị Phấn, 86 tuổi ở Thanh Trì, Hà Nội cho biết: “Tôi bị biến chứng liệt nửa người, nhồi máu cơ tim, bác sĩ chữa mấy ngày nay đỡ rồi. Thời tiết nắng nóng thấy mệt lắm”.

Còn bệnh nhân Diệp Kim Mai hơn 60 tuổi cho biết: “Tôi bị huyết áp cao, tiểu đường và xơ vữa động mạch, đi khám thì bác sĩ yêu cầu nằm viện. Nắng nóng thế này trong người mệt mỏi lắm”.

Tại Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Lão khoa Trung ương số người già mắc bệnh mãn tính đến khám cũng tăng từ 30% đến 50% trong những ngày nắng nóng. Bác sĩ Nguyễn Hoàng Phương, Phụ trách Trung tâm Dị ứng, miễn dịch lâm sàng cho biết, chỉ riêng bệnh nhân hen phế quản và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính đã có hàng chục người đến khám mỗi ngày.

Hưởng ứng Ngày Hen toàn cầu, Bệnh viện dành hẳn ngày nghỉ hôm nay khám và cấp thuốc miễn phí cho 200 bệnh nhân. “Bệnh hen phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Nhiệt độ trong ngày dao động nhiều khiến bệnh nhân rất dễ có nguy cơ lên cơn hen, kịch phát, cơn hen nặng. Đề phòng bệnh trở nặng, khi có các các triệu chứng ho khò khè cần liên lạc với thầy thuốc hoặc đến cơ sở y tế chuyên khoa để được tư vấn, điều trị đúng phác đồ”.

Nắng nóng và nhiệt độ các buổi trong ngày chênh lệch cao cũng khiến trẻ em mắc các bệnh về hô hấp, tiêu chảy, sốt... tăng cao. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương và khoa Nhi các bệnh viện khác mấy ngày qua lượng bệnh nhân đến khám tăng từ 20% trở lên.

Sinh hoạt Câu lạc bộ bệnh nhân tại khoa Nội tổng hợp- Bệnh viện đa khoa Nông nghiệp.

Tiến sĩ Hà Hữu Tùng, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Nông nghiệp cho biết trẻ em thường bị tiêu chảy, tay chân miệng, viêm não, ngộ độc thực phẩm nên bệnh viện đã chuẩn bị chu đáo để ứng phó. Trong các buổi sinh hoạt với người nhà bệnh nhân, bác sĩ tuyên truyền phòng bệnh.

"Bước vào hè không riêng bệnh nhi mà còn có thể gặp nhiều bệnh khác ở mọi lứa tuổi. Chúng tôi đang lo ngại nhất là dịch bệnh sốt xuất huyết bùng phát” - ông Tùng nói.

Các bác sĩ khuyến cáo, cần hạn chế đi ra ngoài trời những lúc nắng nóng để tránh mạch máu bị co giãn đột ngột làm tăng huyết áp. Nếu bắt buộc phải đi ra đường, phải đội mũ, mặc quần áo, đeo kính, khẩu trang… chống nóng. Không để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp; không để gió quạt thổi trực tiếp gần vào người. Không nên đột ngột đi từ trong phòng điều hòa ra ngoài trời nắng. Uống đủ nước, nhưng không nên uống nhiều nước đá hoặc nước quá lạnh để tránh bị viêm họng…./.