Theo báo cáo chưa đầy đủ của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, từ đầu năm đến nay, cả nước có hơn 1 triệu người thất nghiệp, trong đó cử nhân đại học thất nghiệp vẫn ở mức cao.

Trái ngược với các trường đại học, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp luôn tự tin về cơ hội việc làm cho sinh viên ngay sau khi ra trường, nhiều cơ sở còn ký cam kết với học sinh về chất lượng đào tạo và cơ hội việc làm của sinh viên theo học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, làm chuyển biến nhận thức của học sinh cũng như phụ huynh học sinh một cách mạnh mẽ.

dao_tao_nghe_vov_dtbh.jpg
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phải từ chính các cơ sở dạy nghề (ảnh minh họa)

Trường Trung cấp nghề Nấu ăn, Nghiệp vụ du lịch và thời trang Hà Nội là một trong những cơ sở giáo dục nghề nghiệp lâu năm có nhiều kinh nghiệm trong các ngành nghề như kỹ thuật chế biến món ăn, nghiệp vụ nhà hàng, pha chế, quản trị khách sạn, nghiệp vụ lễ tân, công nghệ may thời trang. Đây là những ngành nghề cần nhiều nhân lực và đang rất phát triển.

Mỗi năm, nhà trường cung cấp hơn 1.000 người cho thị trường lao động Hà Nội. Thế nhưng, đây chỉ là con số nhỏ so với nhu cầu đặt hàng của các nhà hàng, khách sạn. Không chỉ có việc làm ngay, nhiều sinh viên trong nhà trường còn được làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế, những doanh nghiệp có thương hiệu lớn trong và ngoài nước với mức lương ngoài mong đợi.

Em Đinh Văn Ninh, trường Trung cấp Nghề nấu ăn, Nghiệp vụ du lịch và thời trang Hà Nội cho biết: “Sau quá trình học 2 năm ở trường, em được các thầy cô giáo dạy tận tình với tâm nghề, niềm đam mê nghề. Sau khi ra trường, nhà trường có giới thiệu luôn vào khách sạn 5 sao, khách sạn mà nhà trường liên kết. Sau thời gian 3 tháng thử việc, em được khách sạn đưa lên làm nhân viên chính thức. Hiện tại công việc của em rất ổn”.

Doanh nghiệp cần nhiều lao động có tay nghề, thế nhưng các trường nghề chưa thể đáp ứng hết bởi còn những hạn chế về tuyển sinh. Ngoài các trường nghề chất lượng cao, cơ sở vật chất hiện đại, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khác rất khó tuyển đủ chỉ tiêu. Bên cạnh đó, các thiết bị giảng dạy của nhà trường không thể theo kịp sự phát triển của doanh nghiệp. Để tồn tại và phát triển, những năm gần đây, các trường nghề đã chủ động gắn kết với doanh nghiệp, một trong những biện pháp hiệu quả nhất, có lợi cho cả nhà trường, doanh nghiệp và sinh viên.

Ông Nguyễn Đức Dũng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề số 1 Hà Nội cho rằng: “Nhà trường dạy học phải làm sao tạo được thương hiệu, đảm bảo chất lượng đào tạo. Về phía doanh nghiệp phải làm sao cung cấp được cho nhà trường những cơ hội để cho các em thực hành, tiếp cận được với các công nghệ mới. Bởi nhà trường không thể chạy theo kịp sự thay đổi nhanh chóng của khoa học công nghệ mà chỉ có doanh nghiệp mới có thể làm được điều đó. Hiện nay, doanh nghiệp và nhà trường đã có sự phối kết hợp chặt chẽ, các em được học về lý thuyết, về kỹ năng mềm, kỹ năng làm việc nhóm, tác phong công nghiệp cho đến tiếp xúc với công nghệ hiện đại”.

Theo ông Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng trường Cao đẳng cơ điện Hà Nội, muốn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực từ chính các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, ngoài việc liên kết với doanh nghiệp thì bắt buộc các trường nghề phải đẩy mạnh đào tạo kỹ năng, năng lực thực hành; Đẩy mạnh xã hội hoá, đa dạng nguồn lực cho phát triển giáo dục nghề nghiệp, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo; Xây dựng các chuẩn đầu ra dựa trên tiêu chuẩn nghề phù hợp với khung trình độ quốc gia.

“Nhà trường có tham khảo chương trình chuẩn đầu ra chất lượng quốc tế, trong đó có tham khảo những chương trình tiên tiến của một số ngành nghề mà hiện nay Việt Nam đã nhập về, cụ thể là các chương trình chuyển giao của Úc, của Đức. Chúng tôi phân tích những nhu cầu cao hơn, cụ thể là các chương trình tiếng Anh, tin học, và năng lực kỹ năng mềm. Chương trình chất lượng cao này, chúng tôi việc đó để tạo ra được cú hích, cam kết ở việc làm chất lượng tốt hơn và làm việc ở những môi trường, vị trí cạnh tranh ngay khi các em tốt nghiệp”, ông Đồng Văn Ngọc cho biết.

Để thực hiện được mục tiêu đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp trong giai đoạn tới, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội xác định triển khai thực hiện đồng bộ 8 nhóm giải pháp, trong đó 3 nhóm giải pháp đột phá là: Trao quyền tự chủ đầy đủ cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đi liền với nâng cao năng lực quản trị; Chuẩn hóa các điều kiện bảo đảm chất lượng, gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động, việc làm bền vững và an sinh xã hội.

Ông Lê Quân, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội khẳng định: “Các trường phải có cam kết mạnh mẽ, hàng năm tuyển sinh được bao nhiêu, ra trường bao nhiêu. Có những trường làm rất tốt nhưng có những trường thực sự quy mô đào tạo và tuyển sinh như vậy không đáp ứng được yêu cầu của xã hội. Chúng ta phải gắn trách nhiệm của đồng chí hiệu trưởng vào, nếu hiệu trưởng cam kết năm nay tuyển 500 thí sinh, năm sau lên 700 thí sinh, năm sau nữa lên 1.000 thí sinh thì chúng ta đầu tư. Còn nếu năm nào cũng con số đó thì không có chuyện cấp ngân sách, chỉ tiêu đầu tư theo ngành nghề nữa. Từ nay đến 2020, chúng ta dần dần cấp theo kinh phí và chất lượng sản phẩm, số lượng đầu ra”.

Để tồn tại và phát triển, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp không còn cách nào khác phải đổi mới từ chương trình đến cách thức tổ chức đào tạo. Trong đó ưu tiên cho các ngành, nghề đáp ứng nhu cầu thị trường; chuyển đổi nghề nghiệp có kỹ năng phù hợp, làm chủ và khai thác vận hành hiệu quả những tiến bộ của khoa học công nghệ, kỹ thuật; gắn kết với doanh nghiệp để tăng cường chuyển giao, tiếp cận công nghệ sản xuất mới; hướng nghiệp, định hướng nghề nghiệp gắn với việc làm và theo nhu cầu của xã hội./.