“Việc cho phép Cty Toàn Thịnh Phát san lấp một phần sông Đồng Nai làm dự án là đi ngược quy luật phát triển, gây tác hại rất lớn”, GS. TSKH Lê Huy Bá, Viện Khoa học công nghệ và môi trường, ĐH Công nghiệp TPHCM, nhận định.
“San lấp một phần dòng sông ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản, cụ thể là đường đi của cá bởi nhiều loài hằng năm cứ đến mùa sinh sản cá từ hạ lưu ngược lên thượng nguồn đẻ trứng. Ủy ban bảo vệ lưu vực sông Đồng Nai hiện nay hoạt động chưa hiệu quả. Các tỉnh, thành trong lưu vực mạnh ai nấy làm, không thống nhất về trị thủy, quản lý lưu vực, quản lý dòng sông”, ông Bá nói.
Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đặng Văn Khoa, Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường TPHCM nói: “Rất sửng sốt khi biết tỉnh Đồng Nai cho phép lấp sông Đồng Nai để xây dựng một khu đô thị mới ở thành phố Biên Hòa”. Ông Khoa bày tỏ: Khai thác ưu thế của thành phố Biên Hòa với cảnh quan của con sông rất cần được ủng hộ nhưng chọn cách san lấp, lấn ra dòng chảy 7-8 ha, tác động thô bạo đến dòng sông sẽ gây mất cân bằng sinh thái. Việc san lấp với quy mô lớn không chỉ ảnh hưởng lớn đến cảnh quan, môi trường, dòng chảy, lũ lụt, xói lở mà còn tác động đến cả lưu vực rộng lớn, trong đó có TPHCM.
Về lâu dài, hoạt động của một khu đô thị trên sông sẽ còn tác động tiêu cực đến chất lượng nguồn nước” - ông Khoa nói. Theo ông Khoa, các quy định pháp luật hiện hành không cho phép xây dựng công trình, chồng chất những khối bê tông, vật liệu xây dựng trong phạm vi hành lang bảo vệ sông rạch, huống hồ là tiến hành san lấp sông quy mô lớn như Toàn Thịnh Phát đang làm.
Tôi đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai lắng nghe nhiều hơn ý kiến của cộng đồng dân cư tại chỗ và các chuyên gia, xem xét thấu đáo để có những quyết định và điều chỉnh phù hợp. Bộ Tài nguyên môi trường cũng cần vào cuộc làm rõ và thông tin công khai đến người dân. Cảnh quan của dòng sông nếu mất đi thì mãi mãi không lấy lại được. Việc thu hẹp dòng chảy sẽ còn làm thủy lực của dòng chảy tăng lên, đe dọa nhiều địa danh nổi tiếng như Cù lao Phố” - ông Khoa nói./.