Yên Bái là tỉnh miền núi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Do cuộc sống khó khăn, nhận thức còn hạn chế, nên không ít người, nhất là  phụ nữ và trẻ em đã trở thành nạn nhân của các đối tượng buôn bán người. Một số vụ án đưa ra xét xử gần đây ở huyện vùng cao Mù Cang Chải là minh chứng cho thấy, tội phạm buôn bán người ở vùng cao Yên Bái còn nhiều nhức nhối.

yb5_egif.jpg
  Đối tượng Lý A Cu vừa bị khởi tố về phạm tội mua bán người                       

Chị Phàng Thị Sinh, ở xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái vẫn chưa hết bàng hoàng sau khi bị 4 đối tượng là Thào A Sú, sinh năm 1997; Lý A Cu, sinh năm 1988;  Thào A Sử, sinh năm 1998 và Lý A Già, sinh năm 1997 đều trú tại xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải lừa bán cho một người đàn ông lạ mặt ở Trung Quốc với giá 20 triệu đồng để chia nhau. May mắn, chị đã trốn thoát khỏi nanh vuốt của những kẻ buôn người, trở về địa phương và tố cáo hành vi của chúng với cơ quan chức năng.

Cũng giống chị Sinh, chị Chang Thị Sàng ở xã Dế Xu Phình, huyện Mù Cang Chải bị đối tượng Lý A Dì, sinh năm 1997, trú tại bản Trống Páo Sang, xã La Pán Tẩn cũng thuộc Mù Cang Chải lừa bán ra nước ngoài. Vốn có vẻ ngoài trắng trẻo, thư sinh, lại khéo ăn nói, nên Dì dễ dàng làm quen và kết bạn với những cô gái ở các vùng lân cận, trong đó có Sàng. Sau đó hứa hẹn yêu đương, rủ đi chơi xa, Dì đã bán Sàng cho người nước ngoài.

May mắn, chị Sàng đã trốn thoát khỏi đường dây mua bán người của đối tượng Lý A Dì.

“Được Dì làm quen và rủ đi chơi, tôi đã đồng ý. Khi đi qua cửa khẩu Lào Cai thì gặp 2 vợ chồng người Trung Quốc, Dì bảo tôi chờ ở đây để đi vay tiền đi chơi tiếp, sau khi Dì đi rồi 2 người này mới nói rằng tôi đã bị bán cho họ. Ở đây được một thời gian tôi may mắn trốn thoát được nên đã tố cáo đến cơ quan chức năng”, chị Sàng nói.

Chị Sinh và chị Sàng chỉ là 2 trong số những nạn nhân trốn thoát, nhưng còn nhiều nạn nhân không có được sự may mắn như 2 chị. Những vụ buôn bán người được phát giác gần đây cho thấy, hầu hết đều có sự câu kết giữa các đối tượng trong nước và những đối tượng bên kia biên giới, điều đó đã khiến cho công tác phòng chống và giải cứu của lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn.

Các đối tượng thường lợi dụng trình độ của bà con vùng cao còn nhiều hạn chế, đời sống vật chất và tinh thần còn nhiều khó khăn, rồi sử dụng chiêu thức, thủ đoạn là làm quen, kết bạn qua mạng xã hội, hay trực tiếp đến nơi để tiếp cận nạn nhân, tạo sự tin tưởng; hứa hẹn đưa sang bên Trung Quốc lấy chồng sẽ có cuộc sống khấm khá hơn so với ở nhà làm nương…Sau đó chúng thiết lập đường buôn người.

Trước thực trạng trên, Công an tỉnh Yên Bái và huyện Mù Cang Chải đã tăng cường bám nắm địa bàn, sàng lọc các đối tượng nghi vấn, cương quyết ngăn chặn, triệt phá các đường dây, bắt giữ những đối tượng, vụ việc liên quan đến mua bán người trên địa bàn.

Thống kê trong 2 năm qua, riêng Công an huyện Mù Cang Chải đã bắt và khởi tố 9 vụ, 19 đối tượng, trong đó có 5 vụ, 10 đối tượng phạm tội mua bán trẻ em.

Thiếu tá Phạm Anh Tuấn, Đội phó Đội cảnh sát Hình sự - Kinh tế - Ma túy, Công an huyện Mù Cang Chải cho biết: Trong thời gian tới, Công an huyện Mù Cang Chải chúng tôi xác định đấu tranh phòng chống với tội phạm mua bán người là một trong những công tác trọng tâm. Trong đó, chủ động triển khai các biện pháp cơ bản như, tham mưu cho lãnh đạo đơn vị, phối hợp với các chính quyền địa phương đến từng thôn bản tuyên truyền đến từng người dân, quản lý về mặt con người.

“Thứ hai là làm tốt về mặt nghiệp vụ cơ bản trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm mua bán người, rồi là nghiệp vụ phòng ngừa xã hội đối với các loại tội phạm trên địa bàn”, Thiếu tá Phạm Anh Tuấn nói.

Tuy nhiên, cùng với sự quyết liệt của lực lượng công an, các ngành chức năng và chính quyền địa phương cũng cần tăng cường hơn nữa việc tuyên truyền nâng cao hiểu biết của người dân trước những chiêu thức của các đối tượng xấu để bảo vệ gia đình và bảo vệ chính mình.

Song song với đó là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân vùng cao để không có kẽ hở cho những kẻ buôn người lợi dụng. Từ đó, dần đẩy lùi loại tội phạm này ra khỏi đời sống xã hội của người dân vùng cao./.