Theo tổng hợp của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão Trung ương, tại các tỉnh miền núi phía Bắc như Cao Bằng, Yên Bái, Bắc Kạn, Lạng Sơn đã có 6 người chết do sạt lở đất; trên 220 nhà bị đổ sập, cuốn trôi, tốc mái; khối lượng đất đá bị sạt lở trên 32.000 m3 khiến hệ thống giao thông ở khu vực này bị ách tắc.

Tại thành phố Hải Phòng, mấy ngày nay, mưa liên tiếp đã khiến hệ thống đê ở huyện Cát Hải bị đe dọa, với gần 15 km có nguy cơ bị sạt lở, sụt lún.

Tại huyện Vĩnh Bảo, hiện có hơn 3.000 ha lúa đã bị ngập sâu. Trước tình hình đó, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão thành phố Hải Phòng đã ban hành công điện chỉ đạo phòng chống ngập úng. Đồng thời, trong sáng 8/8, lãnh đạo các ban ngành của thành phố xuống trực tiếp chỉ đạo công tác tiêu thoát nước, giảm thất nhất thiệt hại.

Tuy nhiên, ông Lê Văn Hiến, Ủy viên thường trực Ban chỉ huy phòng chống lụt bão thành phố Hải Phòng cho biết, với diễn biến thời tiết tiếp tục mưa như hiện nay, thì diện tích lúa ở huyện Vĩnh Bảo sẽ thiệt hại. Bởi, lúa đã bị ngập sâu từ 3 đến 4 ngày nay và việc tiêu thoát úng không kịp vì tại thành phố vẫn đang có mưa to.

Mưa lớn cũng khiến hệ thống đê điều ở nhiều địa phương ở phía Bắc bị sạt lở, nún nứt thân đê. Tại đê sông Đuống, sông Hồng, đoạn qua địa phận Thành phố Hà Nội, nhiều đoạn đã bị xói lở mái đê, sụt lún chân đê ảnh hưởng đến an toàn thân đê; thậm chí sạt lở đã uy hiếp tính mạng của người dân sống ven sông.

kedap.jpg
Kè lát đá mái đập chính hồ Khuôn Vố- Lục Ngạn- Bắc Giang (báo Bắc Giang)

Còn tại Bắc Giang, đê trên hệ thống sông Thương, sông Cầu cũng xuất hiện hiện tượng sạt lở, lún nứt đê và mặt đê bị hư hỏng nặng. Đặc biệt tại xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên đang xảy ra sạt lở bãi của sông Cầu, tổng chiều dài hơn 200m, khối sạt lở ăn sâu vào bãi từ 3 đến 5m.

Ngành chức năng huyện Việt Yên đã báo cáo tỉnh và đang triển khai phương án khắc phục tạm thời đoạn đê xung yếu.

Ông Lương Quang Tâm, Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang cho biết: “Hiện còn có 1-2 điểm đê trọng điểm xung yếu ở khu vực K49 của đê tả Cầu, xã Ninh Sơn, huyện Việt Yên sạt lở khoảng 100m. Huyện đã xây dựng phương án trình tỉnh và được tỉnh phê duyệt phương án bảo vệ, đề phòng sạt lở chân đê”

Tỉnh Phú Thọ cũng đang tập trung khắc phục tình trạng sạt lở bờ sông do mưa lớn kéo dài trong nhiều ngày qua trên địa bàn. Tuy nhiên, do lượng vốn đầu tư nhiều nên công tác khắc phục vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Trước mắt, tỉnh Phú Thọ xử lý khẩn cấp những điểm đê xung yếu bằng cách kè hộ chân tại xã Bằng Giã với chiều dài 1 km, tại xã Xuân Huy 800m, tổng kinh phí hơn 30 tỷ đồng, góp phần đảm bảo an toàn cho những tuyến đê trong mùa mưa năm nay.

Đồng bằng sông Cửu Long: Lũ vùng đầu nguồn đang lên

Hiện nay, mực nước sông MeKong tại một số trạm chính vùng trung lưu thuộc khu vực nam Lào và bắc Campuchia đang ở mức cao, xấp xỉ mức cao nhất cùng kỳ năm ngoái.

Còn tại khu vực đầu nguồn lũ ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, những ngày qua, các khu vực đầu nguồn sông Tiền và sông Hậu, lũ đã đổ về với cường suất mạnh. Tại khu vực Tân Châu, tỉnh An Giang trung bình mỗi ngày mực nước dâng cao từ 2-5cm.

Ông Võ Thạnh, Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn An Giang nhận định lũ chính vụ sẽ bắt đầu sớm hơn so với trung bình nhiều năm.

“Lượng nước thượng nguồn đang lên rất nhanh tạo nên lượng nước dồi dào, đang đẩy về hạ nguồn. Lượng nước như vậy sẽ ảnh hưởng đến vụ thu đông”, ông Thạnh cho biết.

Đối với An Giang, địa phương vùng đầu nguồn lũ đến nay đã xuống giống khoảng 232.500 ha lúa hè thu; kế hoạch tiếp tục xuống giống 145.000 ha lúa vụ ba và 5.300 ha vụ mùa. Do đó, ngành nông nghiệp và các địa phương đã tập trung chỉ đạo, tổ chức bảo vệ sản xuất cho nông dân. Trong đó, tỉnh quyết liệt chỉ đạo công tác kiểm tra, gia cố đê bao, nhất là các vùng đê bao mới.

Trước những dự báo, việc chủ động ứng phó với mùa lũ năm nay ngay ở đồng bằng sông Cửu Long từ bây giờ là yêu cầu tiên quyết, nhằm tránh những thiệt hại đáng tiếc như trận lũ vừa qua./.