Thông tin tại hội thảo “Sức khỏe và chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi”, do Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam tổ ngày 26/11 tại Hà Nội cho biết: Việt Nam hiện có trên 9 triệu người cao tuổi, 70% trong số đó bị mắc ít nhất từ 2 bệnh trở lên; tuổi càng cao càng có nguy cơ mắc bệnh, đặc biệt là bệnh mãn tính và thoái hóa; trên 53% người cao tuổi sức khỏe kém.

img_4163.jpg
Màn biểu diễn văn nghệ của người cao tuổi tại hội thảo

TS.Đàm Hữu Đắc, Phó Chủ tịch thường trực Hội Người cao tuổi Việt Nam cho biết, công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người cao tuổi ở nước ta đang là thách thức lớn đối với hệ thống an sinh xã hội. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến người cao tuổi, theo đó đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về chăm sóc, phụng dưỡng và phát huy vai trò người cao tuổi, trong đó có lĩnh vực chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.

Các cấp hội người cao tuổi cũng đã nhận thức sâu sắc quan điểm “Toàn dân chăm sóc, phụng dưỡng và phát huy vai trò người cao tuổi”. Hội đã tập trung làm nhiều việc đáp ứng nhu cầu chăm sóc người cao tuổi trên các mặt như đời sống, tinh thần, chú trọng phát huy vai trò và tiềm năng quý giá về nhiều mặt của người cao tuổi trong đời sống chính trị, xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, theo TS.Đàm Hữu Đắc, công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi còn những tồn tại như việc tổ chức thăm khám sức khỏe định kỳ cho người cao tuổi tại nơi cư trú đạt thấp; nhiều địa phương chưa thực hiện được việc cử cán bộ y tế đến tận nhà để khám, chữa bệnh cho người cao tuổi bị bệnh nặng, tàn tật, cô đơn; việc thành lập các khoa lão khoa tại các bệnh viện tỉnh còn chậm…

GS.TS. Phạm Thắng, Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương cũng khẳng định: Việt Nam đã bước vào thời kỳ già hóa dân số, điều này đặt ra thách thức đối với công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Theo ông Phạm Thắng, trung bình một người già mắc gần 3 bệnh mãn tính, phải điều trị suốt đời; trong khi chi phí y tế cho người già gấp 7 – 10 lần so với người trẻ, người già sử dụng 50% tổng lượng thuốc và xu hướng tử vong tăng.

GS.TS. Phạm Thắng cho rằng, nhân lực được đào tạo và chăm sóc người cao tuổi còn rất thiếu. Tại các bệnh viện, tỷ lệ bác sỹ chuyên khoa lão khoa, điều dưỡng lão khoa rất hiếm hoi; việc chăm sóc người cao tuổi tại gia đình và cộng đồng chủ yếu dựa vào người nhà, trong khi người chăm sóc không được đào tạo.

Về các giải pháp nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, GS.TS. Phạm Thắng khẳng định cần tuyên truyền, phổ biến kiến thức chăm sóc sức khỏe, hưỡng dẫn người cao tuổi kỹ năng phòng bệnh, chữa bệnh và tự chăm sóc bản thân; phát triển các hoạt động chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng…

Bên cạnh đó, cần tăng cường nguồn lực quốc gia về chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi như hệ thống bệnh viện, hệ thống nhà dưỡng lão; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng, gia đình…/.