Hà Nội là nơi khởi nguồn phong trào hiến máu tình nguyện của cả nước từ năm 1994. Đến nay, Thủ đô vẫn là một trong những địa phương có tỷ lệ dân số tham gia hiến máu tình nguyện lớn nhất cả nước và cũng là nơi có nhiều tấm gương tiêu biểu trong phong trào này.

Tại buổi hiến máu nhân đạo và lễ mít tinh kỷ niệm Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện do thành phố Hà Nội tổ chức mới đây ở huyện Chương Mỹ, có hàng trăm tình nguyện viên tham gia, trong đó có nhiều gia đình hiến máu tiêu biểu. Người hiến máu ít nhất cũng 8 lần, người hiến nhiều nhất là 25 lần.

hien_mau_qann.jpgNhiều tấm gương hiến máu tiêu biểu của huyện Chương Mỹ được biểu dương nhân dịp Ngày toàn dân tham gia hiến máu nhân đạo
Thực hiện nghĩa cử cao đẹp này, tất cả mọi người đều một tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ những bệnh nhân đang cần máu để điều trị. Anh Nguyễn Văn Long, trưởng xóm Trại, xã Đại Yên, huyện Chương Mỹ tâm sự, ngày nhỏ Long bị bệnh, phải điều trị tại bệnh viện và được người khác cho máu để cứu sống nên khi lớn lên, điều đó đã thôi thúc Long mang nghĩa cử cao đẹp “hiến máu cứu người” đến với những bệnh nhân không may mắn.

Tham gia phong trào này từ khi làm Bí thư chi đoàn, năm nay 30 tuổi, Long đã 11 lần tham gia hiến máu tình nguyện. Anh Nguyễn Văn Long nói: “Tôi đi bộ đội 3 năm, từ năm 2005 đến 2008. Sau khi về địa phương, Ban chấp hành Đoàn xã vận động hiến máu và tôi đã tham gia. Từ đó đến nay, tôi tham gia đều đặn, 2 đến 3 lần/1 năm, dần dần trở thành tấm gương cho các bạn trẻ trong xóm để đẩy mạnh phong trào hiến máu tình nguyện. Đi hiến máu vừa góp phần cứu giúp người bệnh, vừa biết được tình trạng sức khỏe của mình”.

Mỗi năm, địa phương tổ chức ít nhất 2 lần hiến máu tình nguyện là mỗi lần không thể thiếu sự có mặt của Nguyễn Văn Long. Anh Long còn vận động được nhiều người xung quanh tham gia hiến máu, trong đó có anh trai là Nguyễn Văn Lộc (9 lần tham gia phong trào này).

Anh Nguyễn Văn Lộc cho biết: “Được em trai tuyên truyền, vận động nên tôi đã tham gia. Đến nay, tôi đã hiến máu 9 lần. Việc làm này rất có ý nghĩa nhân văn, hiến máu cứu người nên tôi đã tham gia”. 

 Anh Nguyễn Văn Lộc trong một lần tham gia hiến máu gần đây
Cũng là một trong những đoàn viên, thanh niên tích cực với phong trào hiến máu tình nguyện, anh Đặng Đình Sáng, nhân viên Đài Phát thanh huyện Chương Mỹ, 13 lần hiến máu cho biết, từ những lần tham gia tuyên truyền, cổ động cho phong trào, anh đã hiểu rõ ý nghĩa của hoạt động nhân đạo này.

Anh Đặng Đình Sáng cho biết: “Xuất phát từ tấm lòng nhân ái, tôi đã tham gia hiến máu tình nguyện. Những giọt máu này sẽ góp phần cứu giúp được những người bệnh vượt qua được bệnh hiểm nghèo. Nhiều người nghĩ rằng hiến máu ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng thực ra khi hiến máu cơ thể sẽ tái tạo ra một lượng máu tương ứng. Qua 13 lần hiến máu, tôi cảm thấy, cơ thể hoàn toàn bình thường, không ảnh hưởng đến sức khỏe”.

Ngoài tấm lòng nhân ái, tinh thần tình nguyện, việc Đặng Đình Sáng trở thành một trong những người có số lần tham gia hiến hiến máu tình nguyện nhiều nhất trong đoàn viên, thanh niên huyện Chương Mỹ, còn xuất phát từ việc anh đã học được tấm gương từ cha mình - ông Đặng Đình Quang, người đã gần 20 lần hiến máu.

Là Trưởng Đài Phát thanh huyện Chương Mỹ, ông Quang đang dẫn đầu về số lần hiến máu trong số các cán bộ của huyện.

Ông tâm sự, trước đây, phong trào hiến máu nhân đạo ở địa phương gặp rất nhiều khó khăn, đòi hỏi những người làm công tác tuyên truyền không chỉ hô hào suông được. Chính sự vào cuộc của những người như ông Quang đã góp phần giúp phong trào ngày một phát triển. Những năm gần đây, huyện Chương Mỹ thu được khoảng 1.600 đơn vị máu mỗi năm, luôn vượt kế hoạch đề ra.

Ông Đặng Đình Quang nói: “Tôi sẽ hiến máu đến khi đủ 60 tuổi. Đây vừa là trách nhiệm của bản thân, vừa là trách nhiệm của người làm công tác tuyên truyền. Cứu người như cứu hỏa, thiếu máu thì không thể sống được. Nếu có nhiều người hiến máu, kho tàng dự trữ máu quốc gia càng lớn”.

Mỗi năm, thành phố Hà Nội tiếp nhận khoảng 150.000 đơn vị máu, tương đương hơn 41.000 lít máu, đạt hơn 2% dân số tham gia hiến máu tình nguyện. Số lượng này chỉ đáp ứng được trên 70% nhu cầu cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân. Hiện trên địa bàn Thủ đô tập trung nhiều bệnh viện lớn, nhu cầu về máu và chế phẩm rất cao. Những tấm gương hiến máu nhân đạo, những gia đình tiêu biểu trong phong trào hiến máu tình nguyện đang là những nhân tố quan trọng để lấp đầy 30% lượng máu còn lại trong nhu cầu phục vụ điều trị bệnh nhân.

Những nghĩa cử cao đẹp mà họ đang làm, giúp cho xã hội ngày càng tốt đẹp hơn, nhân văn hơn. Họ đang thực hiện mệnh lệnh từ trái tim mình: “Mỗi giọt máu cho đi - một cuộc đời ở lại”. “Máu cứu người ở ngay trong tim mỗi chúng ta”./.