Những rừng phi lao phòng hộ ven biển có tác dụng rất lớn trong việc phòng ngừa thiên tai. Thế nhưng trên thực tế, tại một số địa phương ven biển các tỉnh miền Trung, do nhu cầu mở rộng phát triển, những rừng phòng hộ đã không còn. Sau mỗi mùa mưa bão, người dân ven biển lại phải đối mặt với tình trạng sạt lở, biển xâm thực và cát bay.

duong-sau-bao.jpg
Cảnh hoang tàn sau bão số 11 ở một con đường ven biển Đà Nẵng

Đường Trường Sa- Hoàng Sa, tuyến đường ven biển đẹp nhất thành phố Đà Nẵng, sau cơn bão số 11 trở nên hoang tàn. Nhiều hàng quán, nhà cửa, cây cối dọc tuyến đường này đều bị gió bão thổi tung và quật ngã, nằm la liệt. Cát biển bị sóng cuốn phăng lên bờ, phủ dày hàng tấc trên mặt đường và vào tận nhà dân. Phải mất nhiều ngày, chính quyền địa phương và người dân nơi đây mới tạm khắc phục để thông tuyến.  Ông Trần Văn Sự,  người dân ở phường An Hải Tây, quận  Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng cho hay: Trước đây, các bãi biển từ bán đảo Sơn Trà đến Ngũ Hành Sơn dày đặc những hàng phi lao chắn sóng, nhưng giờ đây chỉ còn lác đác vài cây. Thay vào đó là những khu resort, khách sạn, nhà hàng và những hàng cây cảnh được đưa từ rừng về.

“Ngày xưa rừng dương (phi lao) ở đây không được dày lắm nhưng về mùa mưa bão thì rất hiệu quả trong việc chắn sóng, chắn gió. Ngoài ra thì cát biển cũng không dồn đưa lên đường. Bây giờ hàng dương không còn thì gây tác hại rất nhiều cho các nhà dân sống ven biển”- ông Sự cho biết.

Lão ngư Cao Văn Ba ở phường Mân Thái, quận  Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng nhớ lại: trước kia muốn ra biển, phải băng qua rặng dương già hàng chục năm tuổi. Giờ đây, từ nhà mở cửa ra là đã thấy sóng biển. Cơn bão số 11 vừa rồi, hàng chục tàu thuyền của ngư dân ở làng chài Mân Thái mặc dù đã được đưa lên bờ nhưng vẫn bị sóng biển đánh úp, hư hỏng nặng.

“Tôi thấy trồng dương có lợi ích rất nhiều. Nếu trời bão gió mà có được hàng dương trồng dày thì cũng cản được gió và cản được đất. Trường hợp sóng lớn thì ghe thuyền cột vào hàng dương cũng đỡ thiệt hại tài sản. Vùng ven biển này nên trông dương hoặc dừa thì vào mùa mưa bão có thể cản sóng và giữ đất được”.

Không riêng gì thành phố Đà Nẵng, tại nhiều địa phương ven biển các tỉnh miền Trung, tình trạng phá rừng phòng hộ để nuôi trồng thuỷ sản, xây dựng các khu nghỉ dưỡng... đã gây nên những hậu quả nhãn tiền. Nhiều nơi biển xâm thực, ăn sâu vào đất liền cả trăm mét, đe doạ đến tài sản và tính mạng của người dân trong vùng.

Ông Phan Xuân Tiệp, Phó Ban quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cho biết: "Về thực tế giám sát tren bãi biển, chúng tôi thấy, việc trồng cây phi lao, trồng lâu năm thì sẽ chống được gió, chống được sóng và chống được cát bay từ biển vào. Chúng tôi cũng đề xuất với các ban ngành và UBND thành phố có hướng chỉ đạo sở Nông nghiệp- phát triển nông thôn tiếp tục duy trì việc trồng rừng phòng hộ ven biển bằng cây phi lao để chống sóng và gió".

Hệ thống rừng phòng hộ và rừng ngập mặn ven biển được xem như những “bức tường xanh” vững chắc, bảo vệ tính mạng và tài sản của cộng đồng dân cư ven biển. Tại nhiều địa phương, nhiều dự án tái tạo những khu rừng phòng hộ ven biển hy vọng sẽ trở thành những “lá chắn” giúp người dân an tâm hơn trước sóng to, gió lớn mỗi khi đến mùa mưa bão./.