Các địa phương ở miền Trung đang khẩn trương triển khai các phương án chủ động phòng chống cháy rừng.

Tại thành phố Đà Nẵng, mấy ngày qua liên tiếp xảy ra 2 vụ cháy rừng. Vụ cháy rừng tại tại núi Sọ, xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang xảy ra từ chiều hôm trước đến sáng nay (26/5) mới được dập tắt. Vụ cháy thiêu rụi 10 ha rừng trồng của dân và rừng tự nhiên. Điều đáng nói, do đám cháy trên đỉnh núi cao, khi cơ quan chức năng phát hiện huy động lực lượng thì trời cũng vừa tối nên việc tiếp cận hiện trường để khống chế vụ cháy rất khó khăn. Đến sáng hôm sau, chính quyền địa phương huy động hơn 750 người mới dập được đám cháy.

Trước đó, vào trưa ngày 22/5, rừng keo thuộc khu vực kho A32 cuối đường Huỳnh Ngọc Huệ, quận Thanh Khê, gần sân bay Đà Nẵng bất ngờ bùng cháy, nguy cơ lan vào nhà dân. Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn Công an thành phố Đà Nẵng điều động 7 xe chuyên dụng cùng hàng chục cán bộ, chiến sĩ phối hợp với lực lượng quân đội, sau 3 giờ đồng hồ mới khống chế được đám cháy.

vov_Chay_rung_gan_san_bay_o_Da_Nang_ngay_22_5_UJUB.jpg
Vụ cháy rừng gần sân bay Đà Nẵng xảy ra ngày 22/5.

Ông Trần Viết Phương, Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm thành phố Đà Nẵng cho biết, nắng nóng với nhiệt độ cao đã có xảy ra cháy rừng và nguy cơ cháy rừng cao. Chi cục Kiểm lâm thành phố duy trì báo động cháy rừng ở cấp 5, cấp cực kỳ nguy hiểm.

“Giai đoạn này, chúng tôi luôn thường trực 24/24, khi có sự cố xảy ra là phải có phương án xử lý ngay từ ban đầu. Chúng tôi chuẩn bị các phương tiện, dụng cụ, sẵn sàng cơ động. Đặc biệt đội kiểm lâm cơ động thường xuyên khi có lệnh trong bất cứ thời gian nào. Ban chỉ đạo các quận huyện phải rà soát phương án sẵn sầng chữa cháy rừng tại mỗi địa phương” - ông Phương nói.

Thời tiết nắng nóng và sau giãn cách xã hội, lượng người đi nghỉ, vui chơi, đặc biệt tại các khu du lịch, nghỉ mát như Hải Vân, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng tăng trở lại. Nhiều đoàn khách vào ở lại trong rừng qua trưa, chỉ cần bất cẩn trong sử dụng lửa hoặc vô ý vứt tàn thuốc gặp lá khô là có thể cháy rừng. Ông Lê Viết Tiến, một hộ nhận khoán dịch vụ bảo vệ môi trường rừng đặc dụng Sơn Trà, quận Sơn Trà cho biết, chủ rừng thường xuyên dọn dẹp thực bì rừng gần điểm du lịch, tập trung đông người; đồng thời, nhắc nhở du khách cẩn thận sử dụng lửa khi tham quan trong rừng.

“Hộ nhận khoán bảo vệ môi trường rừng có trách nhiệm vùng với kiểm lâm đi tuần tra, quản lý bảo vệ rừng. Mùa nắng nóng này càng tăng cường phối hợp, khi phát hiện có cháy rừng thì báo với cơ quan quản lý hoặc quản lý rừng để ứng cứu và dập tắt kịp thời” - ông Tiến nói.

Liên tiếp trong những ngày nắng nóng vừa qua tại các tỉnh miền Trung xảy ra các vụ cháy rừng. Tại Quảng Ngãi xảy ra 3 vụ cháy, gần đây nhất là vụ cháy ở tổ dân phố Làng Dầu, thị trấn Di Lăng, huyện Sơn Hà vào ngày 22/5. Nguyên nhân ban đầu là do chủ rừng đốt rẫy gặp gió mạnh nên dẫn đến cháy lan diện rộng. Tại Quảng Nam xảy ra vụ cháy hơn 32 ha rừng ở xã Mà Cooih, huyện Đông Giang. Nguyên nhân vụ cháy rừng do nhóm hộ, sau khi khai thác keo đã thuê người đốt thực bì gây cháy lan. Tại tỉnh Quảng Trị, từ đầu mùa khô đến nay cũng đã xảy ra một số vụ cháy.

Chủ động phòng cháy rừng mùa khô, các địa phương tăng cường tuyên tuyên truyền, kiểm soát người vào rừng. Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu ngành nông nghiêp, chính quyền địa phương và các chủ rừng phải có các phương án phòng chống chữa cháy rừng ở từng khu vực cụ thể.

“Khi phát hiện cháy, trước hết là lực lượng tại chỗ, là lực lượng bảo vệ rừng phải xử lý phải đảm bảo phương án xử lý một số tình huống xảy ra. Chủ rừng là đơn vị chủ động trước hết. Dự đoán mà phải tính được mức độ ảnh hưởng như thế nào và phải báo cáo ngay cho người chỉ huy là Trưởng Ban phòng chống cháy rừng của đơn vị đó. Phải huy động lực lượng, phương tiện, máy móc phun nước. Trong phòng chống cháy phải có địa điểm lấy nước quan trọng nhất"./.