6h sáng, các sinh viên tình nguyện của Trường Đại học y Hà Nội thức dậy chuẩn bị cho một ngày làm việc, hỗ trợ các y, bác sỹ tuyến đầu chống dịch Covid-19 tại huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.
Nhanh chóng thay bộ quần áo phòng dịch theo quy định, đeo kính chống giọt bắn và 2 lớp khẩu trang cẩn thận, Lê Mai Bảo Châu, sinh viên năm thứ 4, ngành Bác sỹ Y học dự phòng, Trường Đại học Y Hà Nội nhận nhiệm vụ tiêm vaccine cho người dân huyện Yên Phong. Hơn 2 tuần tham gia hỗ trợ các y bác sỹ, Bảo Châu hiểu được sự vất vả, hy sinh của các lực lượng tuyến đầu chống dịch. Giữa thời tiết nắng nóng cao điểm, mang trên mình bộ đồ chống dịch là một thử thách không nhỏ đối với Bảo Châu.
“Trong thời tiết nắng nóng như thế này, quần áo bảo hộ kín, mồ hôi toát ra ở bên trong nóng và khó chịu, mà mỗi ca em tiêm khoảng 3-4 tiếng ngoài trời. Nhưng để đảm bảo hạn chế việc tiếp xúc, tránh lây nhiễm và không phải thay bộ quần áo bảo hộ mới nên trước mỗi ca dù sáng hay chiều em thường không uống nhiều nước và làm suốt cả ca trực không dám uống nước”, Bảo Châu chia sẻ.
Công việc hằng ngày của các tình nguyện viên là hỗ trợ truy vết, làm báo cáo về số lượng xét nghiệm, các ca nhiễm mới, lấy mẫu xét nghiệm và tiêm vaccine cho người dân. Khó khăn là vậy nhưng tinh thần của các sinh viên tình nguyện thì không hề vơi đi.
Nữ sinh Nguyễn Thị Huyền Trang, quê ở Tuyên Quang, chia sẻ: Có khi phải lấy mẫu xét nghiệm đến 12 giờ đêm nhưng các bạn trong nhóm luôn nỗ lực vượt khó và cố gắng hoàn thành công việc được giao.
“Ý thức được đang làm việc nên em phải đảm bảo chấp nhận việc nóng, đeo khẩu trang để bảo vệ an toàn cho mình, và an toàn cho những người tham gia hoạt động đó nữa. Nhiều khi em tự an ủi bản thân hết ca này mình sẽ được nghỉ ngơi, được tiếp thêm năng lượng nên em cũng cố gắng vượt qua. Em cũng xác định tư tưởng khi nào ở đây hết dịch, không có ca mắc mới thì bọn em có thể được về, hoặc có thể lại tới địa phương tâm dịch khác để tiếp tục hỗ trợ mọi người. Nên em cũng không chắc chắn bao giờ em được về”, Huyền Trang nói.
Những tình huống không có trong sách vở, những giờ làm việc căng như dây đàn và tiềm ẩn không ít nguy cơ…nhưng đọng lại là dịp tích lũy kinh nghiệm, giúp các em trau dồi kiến thức, bản lĩnh, sự tự tin, vững vàng trong nghề nghiệp.
Không chỉ cùng ngành y chung tay hỗ trợ tuyến đầu chống dịch Covid-19, nhiều thanh niên tình nguyện ở Thủ đô đã tham gia hỗ trợ lực lượng chức năng trực chốt tại các khu các ly tập trung.
Nguyễn Xuân Phương, ở quận Hà Đông tham gia trực chốt ở phường Phúc La chia sẻ, thời gian trực mỗi ca 6 tiếng, sáng bắt đầu từ 5h, tuyên truyền cho mọi người đảm bảo những khu vực đang bị phong tỏa, khu vực nơi công cộng không được tập trung đông người, không ra ngoài khi không cần thiết và khi ra ngoài thì phải đeo khẩu trang.
“Điện thoại em luôn túc trực trong trường hợp bất ngờ địa phương luôn cần đến mình, kể cả buổi đêm. Có khi lực lượng chức năng ở chốt có người sức khỏe không đảm bảo trực thì bọn em sẵn sàng thay thế, hỗ trợ và tăng cường bảo vệ mục tiêu đó”, bạn Xuân Phương cho biết thêm.
Lực lượng thanh niên cũng sẵn sàng quyên góp, vận chuyển các nhu yếu phẩm và vật tư y tế tới với người dân. Mới đây, Trung ương đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã tiếp tục khởi động Chương trình “San sẻ yêu thương, chung tay vượt qua đại dịch”, qua đó tiếp nhận nguồn lực, nhu yếu phẩm trang thiết bị y tế trị giá hơn 4 tỷ đồng và đã trao tặng cho nơi tâm dịch là Bắc Ninh, Bắc Giang và Điện Biên. Tất cả hàng hóa trên đều được Câu lạc bộ xe Bán tải địa hình Việt Nam vận chuyển miễn phí, gửi về cho các vùng tâm dịch bất kể ngày đêm.
Anh Ngọc Ánh Dương, thành viên Câu lạc bộ Đội xe bán tải Việt Nam chia sẻ, trong đợt dịch cao điểm này đội chúng tôi tham gia nhiều tuyến vận chuyển hàng hóa đến các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, các bệnh viện và các điểm cách ly và những nơi có dịch. Câu lạc bộ tổ chức nhiều chuyến đi hằng ngày trung bình mỗi ngày 2-3 chuyến.
Trong những ngày dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, với tinh thần sẵn sàng vào tâm dịch, lá đơn tình nguyện viết tay, những dòng tin nhắn của nhiều thanh niên xin được tham gia hỗ trợ lực lượng tuyến đầu chống dịch đã và đang tiếp tục được gửi tới các cấp bộ đoàn và chính quyền địa phương trong cả nước.
Điều này thể hiện tinh thần “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”, khẳng định thanh niên thời đại Hồ Chí Minh xung kích, tình nguyện, không ngại khó, không ngại khổ, sẵn sàng cùng cả nước nước vượt qua đại dịch Covid-19./.