Bộ Chính trị vừa ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội và Quy định về MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị-xã hội và nhân dân góp ý xây dựng Đảng và chính quyền.

Phản biện làviệchoàn toàn mới, gần như làm từ đầu

Trả lời báo chí về việc triển khai thực hiện “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội”, “Quy định về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”, ông Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khẳng định: Phải lựa chọn nội dung giám sát, phản biện phù hợp.

nguyen-van-pha.jpg
Ông Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam 

Ông Nguyễn Văn Pha nhấn mạnh, việc Bộ Chính trị ban hành hai quy chế, quy định này có ý nghĩa hết sức to lớn, cụ thể hóa chủ trương của Đảng về giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị xã hội đặt ra từ Đại hội X, XI của Đảng. Đây là một tin vui với hệ thống Mặt trận bao gồm Ủy ban MTTQ và các tổ chức thành viên.

“Vui như thế, mừng như thế, nhưng thực ra chúng tôi cũng nhận thấy đây là một nhiệm vụ hết sức nặng nề, thậm chí là hết sức khó khăn. Phải nói tổ chức bộ máy của Mặt trận và các đoàn thể chính trị hiện nay còn nhiều bất cập và không dễ gì có thể thực hiện được những quy định trong quy chế này”- ông Pha trăn trở.

Ông Pha cho rằng, kinh nghiệm của Mặt trận và các đoàn thể trong giám sát có thể có, nhưng phản biện là việc hoàn toàn mới nên gần như làm từ đầu. Do đó, đòi hỏi việc hướng dẫn, xây dựng chương trình kế hoạch phải được tiến hành hết sức chu đáo, tùy theo khả năng thực lực của từng cấp, từng địa phương để vừa sức làm tốt, làm đến đâu chắc đến đó. Một yêu cầu hết sức quan trọng tổ chức giám sát, phản biện nhưng không được làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng giám sát, phản biện.

“Đây là việc rất quan trọng, cho nên, trong quy chế ghi rất rõ đảm bảo sự lãnh đạo của của cấp ủy cùng cấp, sự phối hợp của chính quyền, đặc biệt là sự phối hợp của Ủy ban Mặt trận và các tổ chức thành viên. Tôi nghĩ, những vấn đề này tới đây phải có những hướng dẫn cụ thể để các địa phương có thể triển khai từ năm 2014”- ông Pha nói.

Phải lựa chọn nội dung giám sát, phản biện phù hợp

Để thực hiện thành công quy chế giám sát và phản biện, ông Nguyễn Văn Pha cho rằng, điểm mấu chốt  là phải bám thật chặt vào quy chế. Phải lựa chọn những nội dung giám sát, phản biện phù hợp. Phải lưu ý các kế hoạch chương trình giám sát phản biện hàng năm sau khi Mặt trận dự thảo phải thống nhất với chính quyền cùng cấp (HĐND, UBND cùng cấp) và đặc biệt phải báo cáo xin ý kiến của cấp ủy cùng cấp. “Sau khi đã được hai cơ quan đó cùng Mặt trận thống nhất khi đó sẽ triển khai thực hiện. Chứ không phải câu chuyện là Mặt trận muốn làm gì thì làm”.

“Để làm tốt việc giám sát và phản biện xã hội cần có sự chỉ đạo chặt chẽ sâu sát của cấp ủy cùng cấp và sự phối hợp của chính quyền cùng cấp để vì mục đích cao cả là xây dựng chính quyền trong sạch vững mạnh”- Ông Pha nói.

Theo ông Nguyễn Văn Pha, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam dự kiến sẽ ban hành hướng dẫn việc triển khai hai quy chế, quy định này trong hệ thống Mặt trận. Tuy nhiên, không hướng dẫn cụ thể đến từng cấp, bởi quy chế ghi rất rõ mỗi cấp, Ủy ban Mặt trận, 5 đoàn thể chính trị- xã hội đều có những nhiệm vụ rất rõ. Sau khi có hướng dẫn xong phải có tập huấn, để đảm bảo không cồng kềnh tốn kém. “Chúng tôi sẽ bàn với 5 đoàn thể chính trị xã hội ở Trung ương nếu tập huấn là chung. Sau này, phần nào của Mặt trận thì Mặt trận làm, phần nào của đoàn thể thì đoàn thể làm, phần nào đoàn thể cần Mặt trận phối hợp Mặt trận sẽ phối hợp. Cách làm như thế sẽ đảm bảo đầy đủ thông suốt sự phối hợp của Mặt trận và các đoàn thể”- ông Pha cho biết./.