Vụ việc mất nguồn phóng xạ tại Nhà máy luyện phôi thép - Chi nhánh Công ty cổ phần thép Pomina trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho thấy công tác quản lý, giám sát các thiết bị chứa nguồn phóng xạ tại Việt Nam còn lỏng lẻo, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Tại họp báo Chính phủ chiều 25/4, Bộ trưởng Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên đã cho biết các giải pháp để chấn chỉnh tình trạng này, bảo đảm an toàn phóng xạ.

Theo Bộ trưởng, về trách nhiệm bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân, Luật Năng lượng nguyên tử và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đã quy định cụ thể. Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Quyết định số 115/2007/QĐ-TTg ngày 23/7/2007 ban hành Quy chế bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ, Quyết định số 450/QĐ-TTg ngày 25/3/2011 phê duyệt Đề án Triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử. Theo đó, Bộ Công an có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương thực hiện phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với các hoạt động chiếm đoạt, mua bán, làm mất, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng bất hợp pháp nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân.

Ngay sau khi xảy ra sự cố mất nguồn phóng xạ tại Nhà máy luyện phôi thép - Chi nhánh Công ty cổ phần thép Pomina trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có văn bản chỉ đạo UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phối hợp chặt chẽ với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công an, chỉ đạo các đơn vị chuyên môn khẩn trương triển khai các biện pháp nghiệp vụ, tìm kiếm, thu hồi nguồn phóng xạ bị thất lạc, bảo đảm an toàn cho người dân. Giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về việc tăng cường hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, bảo đảm an toàn, an ninh nguồn phóng xạ.

Đối với nguồn phóng xạ lưu động, Bộ Khoa học và Công nghệ đã quy định việc lắp đặt thiết bị định vị và đã thông báo cho các đơn vị quản lý sử dụng nguồn phóng xạ về 3 đơn vị đủ điều kiện cung cấp thiết bị định vị là Đại học Bách khoa Hà Nội, Trung tâm đào tạo và thiết kế vi mạch (Đại học Quốc gia TP HCM) và Viện Hóa học và Môi trường quân sự (Bộ Quốc phòng). Đồng thời, Bộ Khoa học và Công nghệ đang sửa đổi Thông tư số 23/2010/TT-BKHCN về bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ quy định trách nhiệm và chế tài xử lý đối với cơ sở sử dụng nguồn phóng xạ

Làm rõ hơn nội dung này, tại họp báo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết:  Bộ Công Thương không có chức năng quản lý trực tiếp trong phát phóng xạ. Tuy nhiên từ góc độ vụ việc xảy ra, rõ ràng trên thực tế trách nhiệm đầu tiên là của nhà máy, đơn vị có liên quan đến chất phóng xạ, đã không thực hiện nghiêm những quy định theo pháp luật của Nhà nước cũng như những quy định chuyên ngành trong lĩnh vực đó. Cụ thể, nếu nói về những quy định pháp lý, đều đã có văn bản pháp lý quy định việc đăng ký cũng như kiểm tra, giám sát các thiết bị phóng xạ trong các khu công nghiệp cũng như các cơ sở về năng lượng và cơ sở của ngành công nghiệp thép. Tuy nhiên, có sự buông lỏng của các đơn vị quản lý cũng như của các cơ quan chức năng ở địa phương dù đã có sự phân cấp quản lý chi tiết và tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Chúng ta đã bị động trong thời gian vừa qua dẫn đến nguồn phóng xạ của thiết bị thất lạc, gây nên nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe và  môi trường.

“Về vấn đề này, chúng tôi tiếp tục phối hợp cùng các bộ, ngành xem xét trách nhiệm và xem xét điều chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật để bổ sung và đảm bảo hơn nữa quản lý của Nhà nước, đặc biệt với các loại trang thiết bị đặc thù này” – Thứ trưởng Trần Tuấn Anh nói./.