Khi thuốc bảo vệ thực vật dễ như mua rau, chỉ cần ra đầu ngõ là có thể mua được, cộng với việc hiểu biết hạn chế của nhiều nông dân về quy trình sản xuất nông sản an toàn và việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật lan tràn, thì môi trường, nguồn nước sẽ hứng chịu hậu quả tất yếu.
Nguy hiểm hơn là chính những người nông dân đang đối mặt với những căn bệnh hiểm nghèo.
Thuốc diệt cỏ được phun đầu nguồn nước tưới. |
Tình trạng sử dụng thuốc trừ cỏ, thuốc bảo vệ thực vật tự phát không theo hướng dẫn là vấn đề khó giải quyết của nhiều địa phương hiện nay.
Ông Lê Thanh Đông, Phó chủ tịch UBND xã Hưng Mỹ, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An cho biết, trên địa bàn lâu nay chỉ tuyên truyền người dân sử dụng thuốc hợp lý, chứ chưa có việc xử lý người dân trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV).
“Trong số những người phun thuốc hàng năm, số người nhiễm bệnh đã tăng lên. Tại những hộ hay phun thuốc đã xuất hiện hiện tượng ảnh hưởng ở con cháu. Ảnh hưởng đến sức khỏe và giống nòi, di truyền”, Phó chủ tịch UBND xã Hưng Mỹ, ông Lê Thanh Đông cho biết.
Thời gian gần đây, có một số hóa chất độc hại được Cục BVTV đề nghị loại bỏ do tác động xấu tới môi trường. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Xuân Bình Trưởng phòng Thanh tra Pháp chế, Chi cục Bảo vệ thực vật và Giống cây trồng Nghệ An, sử dụng thuốc diệt cỏ, trừ sâu bệnh là con dao hai lưỡi, làm ảnh hưởng đến môi trường, nhưng nếu không sử dụng sẽ giảm năng suất cây trồng.
Một lần nữa, ông Nguyễn Xuân Bình khẳng định, chưa có chế tài xử phạt hay cấm người dân sử dụng thuốc trừ sâu, diệt cỏ, điều này khiến cho mục tiêu hướng tới nông nghiệp sạch, bảo vệ sức khỏe người dân đứng trước những thách thức không nhỏ.
“Đã có chỉ đạo từ hệ thống Chi cục BVTV đến tận huyện. Còn ở dưới cơ sở, thì thực tế tại một số địa phương, người nông dân sử dụng không đúng theo hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn”, ông Nguyễn Xuân Bình nói.
Toàn cánh đồng đã được phun thuốc diệt cỏ, trừ sâu. |
Mới đây, Chi cục Bảo vệ thực vật-Giống cây trồng Nghệ An đã tiến hành kiểm tra toàn diện các cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn, qua đó đã phát hiện và xử lý 19 cơ sở vi phạm.
Cụ thể, 10 tháng qua đã xử phạt 19 cơ sở vi phạm với các lỗi chủ yếu là kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật quá hạn sử dụng; không đảm bảo an toàn duy trì các điều kiện kinh doanh theo quy định; thuốc không đảm bảo chất lượng như đăng ký.
Phổ biến các cơ sở vi phạm đều nằm tại các huyện trọng điểm sản xuất của tỉnh như: Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Yên Thành, Đô Lương, Nam Đàn, Thanh Chương, Anh Sơn, Hưng Nguyên. Hiện Nghệ An có 860 cơ sở tham gia kinh doanh, cung ứng thuốc bảo vệ thực vật thuộc các loại thuốc trong danh mục cho phép.
Theo khuyến cáo của các ngành chức năng tỉnh Nghệ An, đã đến lúc cần có chế tài, quy định cụ thể, nhằm tăng cường quản lý hoạt động sử dụng thuốc diệt cỏ, diệt sâu bệnh nói riêng, thuốc BVTV nói chung.
Nếu làm tốt, sẽ góp phần giáo dục, cảnh báo người dân có ý thức trong việc sử dụng thuốc BVTV, không vì lợi ích trước mắt mà hủy hoại môi trường sống và sức khỏe của chính người phun và cộng đồng, góp phần bảo vệ môi trường bền vững cho thế hệ tương lai./.
Xuất hiện đàn voi rừng phá hoại cây cối của người dân ở Nghệ An
Xuất cấp gạo dự trữ quốc gia cho tỉnh Nghệ An