Những ngày qua, do mực nước đầu nguồn lên nhanh và cao bất thường đã làm vỡ bờ bao, khiến hàng trăm ha lúa của bà con nông dân tại một số xã như: Vĩnh Gia, Lạc Quới... thuộc huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang mất trắng.

agian1_vov_vbmt.jpg
Bà con nông dân xã Vĩnh Gia (An Giang) gặt lúa chạy lũ.

Ông Mai Văn Lành, ngụ ấp Vĩnh Cầu, xã Vĩnh Gia chia sẻ, vụ lúa thu đông này, gia đình ông canh tác gần 20 ha lúa. Khoảng 10 ngày gần đây, nước lũ từ phía Campuchia đổ về rất mạnh và nhanh, mỗi ngày nước dâng lên hơn 10 cm, làm ông và nhiều nông dân vô cùng lo lắng.

Trước tình hình đó, bà con trong khu vực này đã tự đầu tư hơn 130 triệu đồng để thuê cơ giới gia cố đê bao cố gắng bảo vệ lúa. Tuy nhiên, do nước lũ lên nhanh và cao đã làm vỡ bờ bao gây ngập lúa.

Toàn bộ diện tích lúa của gia đình ông bị ngập hoàn toàn, ước tính thiệt hại khoảng 300 triệu đồng.

“Đến lúc này thì lũ về quá nhanh, mực nước hiện nay so với mọi năm chênh lệch từ 1m đến 1,1m. Khu vực bao đê của tư nhân mình tự làm đến bây giờ  đã bị bể đê, lúa đã ngập hoàn toàn, thiệt hại là 100%. Hiện nay không thể khắc phục được nữa, nằm chờ nước rút để làm vụ đông xuân tới”, ông Lành kể lại.

Cũng như gia đình khác ở xã Vĩnh Gia, bà Mai Thị Hạnh chia sẻ, thấy nhiều hộ trong xã làm lúa trúng mùa, vụ này gia đình đã thuê 1 ha đất để sản xuất lúa thu đông.

Khoảng hơn 2 tuần nữa là lúa được thu hoạch, nhưng lũ ập đến làm vỡ bờ bao gây ngập sâu. Gia đình chỉ kịp thuê người thu hoạch chạy lũ được một nửa diện tích, số còn lại mất trắng.

Nước ngập trắng đồng.

“Bị bể cái đê ngoài đó, từ hôm đến giờ ông xã cũng đi be tiếp vậy đó, bây giờ mướn người dân tiếp nhưng mà làm không kịp, đắp trên thì nó bể dưới, cắt được 6 công còn 4 công kia ngập”, bà Hạnh ngậm ngùi.

Theo ông Phạm Hoàng Bảo, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Gia, huyện Tri Tôn, vụ thu đông này, toàn xã xuống giống gần 2.700 ha, trong đó diện tích ngoài đê bao lên tới hơn 1.500 ha.

Những ngày qua lũ lên cao và làm ngập một số nơi ngoài đê bao. Theo đó, vào khoảng 1h30' ngày 28/8, cánh đồng lúa thu đông rộng khoảng 125 ha nằm cạnh kênh Vĩnh Tế (thuộc xã Vĩnh Gia) bị nước lũ từ thượng nguồn Campuchia tràn về làm vỡ bờ bao khoảng 3- 4m.

Ngay lập tức người dân và ngành chức năng khẩn trương gia cố, nhưng do nước lũ chảy mạnh khiến đoạn bờ bao bị vỡ càng thêm rộng ra khoảng 20m, nhấn chìm gần như toàn bộ cánh đồng lúa sắp thu hoạch. Vì vậy nhiều hộ dân buộc phải thu hoạch nhanh những diện tích lúa vừa chín để chạy lũ. Do lúa chưa đủ ngày, phải thu hoạch ép nên giá chỉ 1.800- 2.000 đồng/kg.

Hiện nay, các ngành chức năng đang dốc toàn lực phối hợp cùng nông dân cứu cánh đồng lúa thu đông vừa bị vỡ bờ bao gây ngập lũ và bảo vệ hàng ngàn ha lúa khác bị lũ uy hiếp.

“Lực lượng chức năng của xã nhờ thêm các anh Biên phòng thường xuyên hỗ trợ thêm, chia ra các tiểu vùng ngày nào cũng phải đi tuần tra. Khi tuần tra mà phát hiện thì phải báo động để khắc phục”, ông Bảo nói.

Ông Trần Văn Cường, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tri Tôn cho biết: Mặc dù đã khuyến cáo người dân, diện tích đất ngoài đê bao không nên sản xuất lúa vụ này. Tuy nhiên, người dân vẫn bất chấp khuyến cáo của ngành, làm bờ bao để sản xuất lúa. Tính đến chiều 28/8, nước lũ làm thiệt hại hơn 720 ha lúa thu đông với tỷ lệ thiệt hại bình quân khoảng 70%.

Hiện nay, toàn huyện còn hơn 2.000 ha lúa thu đông nằm ngoài đê bao đang bị nước lũ uy hiếp. Ngành chức năng của huyện đang tiếp tục tập trung gia cố đê bao bảo vệ lúa cho người dân.

“Do nước lũ về quá nhanh nên ảnh hưởng 125 ha, hiện nay đang cho thu hoạch, mặc dù lúa chưa chín nhưng vẫn phải cắt, theo phương châm: xanh nhà hơn già đồng. Hiện nay đang tiếp tục gia cố kênh Vĩnh Tế để bảo vệ thêm 180 ha, cố gắng đến lúc xả đập Tha La- Trà Sư để giảm áp cho vùng đó, giảm áp xong thấy đủ độ chín thì cho dân thu hoạch”, ông Trần Văn Cường cho biết.

Kiên Giang huy động sức dân đắp đê ngăn lũ

Trong khi đó, tại Kiên Giang, mấy ngày gần đây, nước lũ đã bắt đầu tràn qua đập Tha La và Trà Sư đổ về vùng tứ giác Long Xuyên khiến mực nước ở khu vực này lên rất nhanh, nhiều diện tích lúa bị ngập.

Chiến sỹ biên phòng giúp dân thu hoạch lúa chạy lũ ở Kiên Giang.

Chính quyền địa phương đã huy động tổng lực nhân dân để ứng phó, thu hoạch lúa chạy lũ và đắp đê bao ngăn lũ.

Theo ghi nhận của phóng viên, ở Kiên Giang, xã Vĩnh Phú là địa phương đầu nguồn tiếp giáp với An Giang. Đây cũng là địa phương bị ảnh hưởng sớm nhất, nghiêm trọng nhất.

Tại xã Vĩnh Phú, hiện nay, toàn bộ diện tích lúa hè thu hơn 1000 ha trong xã bị ngập chìm trong nước. Hầu hết diện tích lúa này không có đê bao hoặc đê bao yếu và thấp.

Do nhiều năm không có lũ lớn nên người dân lẫn chính quyền cũng chủ quan vì vậy khi lũ về sớm, nước lên nhanh làm cho nhiều hộ dân và chính quyền địa phương ứng phó rất vất vả.

 Đồn Biên phòng Vĩnh Điều và Bộ đội biên phòng tỉnh Kiên Giang cũng đã đưa gần 200 cán bộ, chiến sĩ xuống giúp dân thu hoạch hơn 70% diện tích lúa bị ngập nước ở các xã.

Không chờ đợi sự hỗ trợ từ Sở NN&PTNT, lãnh đạo xã đã nhanh chóng huy động tổng lực nhân dân đóng góp cả vật chất lẫn ngày công hơn 3 tỷ đồng, 60 máy đào đất để đắp hơn 100 km đê bao bảo vệ lúa tránh bị thiệt hại do lũ.

“Năm nay tình hình lũ về sớm, bà con ở đây lúa bị thiệt hại. Bây giờ nhờ anh em hùn giúp với nhau đắp đê chống lũ để giữ lại số lúa ăn được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Mong ở trên ủng hộ tinh thần, tiếp cho dân chống lũ”, bà Nguyễn Thị Thanh Tâm ở ấp T4, xã Vĩnh Phú cho biết.

Bên cạnh đó, Đồn Biên phòng Vĩnh Điều và Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang cũng đã đưa gần 200 cán bộ, chiến sĩ xuống giúp dân thu hoạch hơn 70% diện tích lúa bị ngập nước ở các xã. Đồng thời cùng với nhân dân tiến hành đắp bờ, gia cố các đoạn đê bao xung yếu để ngăn nước lũ tiếp tục gây hại các diện tích lúa còn lại.

Đối với các diện tích không thể gia cố được, các đơn vị tuyên truyền vận động người dân thu hoạch lúa trước từ 1 đến 2 tuần để chạy lũ.

Xã Vĩnh Phú huy động hàng chục máy cobe đắp đê bao.

“Hổm rày bể đê bao nước tràn vô ngập lúa, nhờ mấy anh bộ đội, biên phòng tiếp mấy ngày nay một ngày là ba bốn chục quân. Bữa nay được bao nhiêu lúa đây là mừng dữ lắm rồi nếu không là mất trắng. Bây giờ mướn cũng không có nhân công cắt lúa, chỉ hai vợ chồng thì cũng không cắt nổi, bộ đội và biên phòng giúp cắt được nhiêu đấy là quá mừng rồi”, anh Phan Văn Ngân ở ấp Mẹt Lung, xã Vĩnh Phú xúc động nói.

Ông Đỗ Minh Nhựt, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang cho rằng, trong tình hình hiện nay, các địa phương đã chủ động huy động nhân dân khẩn trương đắp đê bao ngăn nước lũ. Tỉnh sẽ có hướng dẫn và có hỗ trợ cụ thể cho các huyện.

“Hiện nay khó khăn là huy động máy cobe để múc đất. Xã Vĩnh Phú, một xã huy động khoảng 60 chiếc để đắp mà vẫn không kịp. Nhiều xã vẫn chưa chuẩn bị tốt nên vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong vấn đề máy móc, ông Nhựt cho biết.

Hiện nay, nước lũ từ vùng đầu nguồn An Giang đổ về xã Vĩnh Phú rất lớn. Người dân và chính quyền đang khẩn trương chạy đua trong công tác khắc phục, ứng phó với nước dâng cao. Nếu hệ thống đê bao vẫn không đắp kịp thì khả năng vài ngày tới khi tỉnh An Giang xả đập Trà Sư và Tha La, diện tích lúa bị thiệt hại rất lớn và công tác phòng, chống lũ càng khó khăn hơn./.

Ngày 28/8, một tuyến đê dài hơn 50 mét ở cồn Phú Đa thuộc ấp Phú Bình, xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách, Bến Tre bỗng dưng bị sụp xuống dòng sông Cổ Chiên. Mực nước xâm thực vào bên trong hơn 10 m. Gia đình ông Ngô Chung Hoàng Phương có nhà cạnh khu sạt lở phải khẩn trương chạy đến nơi khác ở. Nước tràn lên đã làm ngập hàng chục ha đất trồng cây ăn trái và 2 ao cá của người dân.

Ở khu vực này, còn có nhiều diện tích đất đang bị bong nứt có nguy cơ sạt lở tiếp diễn. Sau khi sạt lở xảy ra, chính quyền xã Vĩnh Bình và huyện Chợ Lách đã đến khảo sát để có giải pháp khắc phục.

Ở thời điểm này, triều cường dâng cao, khu vực này nền đất yếu nên công tác đối phó với sạt lở rất khó khăn.

Cuối năm ngoái, tại cồn Phú Đa cũng xảy ra một vụ sạt lở ngay tuyến đê này đã cuốn trôi 4 căn nhà, làm thiệt hại gần chục ha vườn cây ăn trái của người dân. Chính quyền phải huy động cơ giới gia cố, di dời tuyến đê này gần một tuần lễ mới hoàn thành./.Nhật Trường/VOV-ĐBSCL