Chiều 25/8, đoàn giám sát của Uỷ ban Xã hội của Quốc hội có buổi làm việc với UBND TP.HCM về thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội giai đoạn 2016 - 2021 và thực hiện các biện pháp cấp bách về y tế - xã hội trong phòng, chống dịch COVID-19 theo tinh thần Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội. 

Tại buổi giám sát, ông Lê Văn Thinh – Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM cho biết: Luật Bảo hiểm xã hội hiện cho phép người lao động ủy quyền cho người khác nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần. Tuy nhiên, nhiều người đã lợi dụng quy định này thu gom, mua bán hàng trăm sổ bảo hiểm hưởng chênh lệch. 

Ông Thinh cho rằng hành vi này cần nghiêm cấm vì những người thu gom, mua bán sổ bảo hiểm xã hội không đóng góp vào quỹ bảo hiểm xã hội. Người bán sổ bảo hiểm đa số là lao động nghỉ việc chưa đủ một năm. Những người này vừa chịu thiệt khi mất tiền cho người thu gom, vừa thiệt khi nhận trợ cấp một lần. Có trường hợp người lao động mất đến một nửa số tiền trợ cấp cho người thu gom mua sổ bảo hiểm xã hội.

Theo Bảo hiểm xã hội TP.HCM, trên địa bàn có khoảng 350 người chuyên được ủy quyền để nhận bảo hiểm xã hội một lần, có người được uỷ quyền hơn 300 lần. Khi làm việc, cơ quan bảo hiểm nghi ngờ những cá nhân này trục lợi nhưng không đủ cơ sở để xử lý. Bảo hiểm xã hội TP đề nghị cơ quan bảo hiểm các quận, huyện thống kê các trường hợp được uỷ quyền nhận từ hai hồ sơ trở lên, nếu có nghi ngờ sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra.

Phát biểu tại buổi giám sát, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết: Mặc dù tỷ trọng người tham gia bảo hiểm xã hội có tăng theo từng năm, tuy nhiên vẫn còn nhiều dư địa để phát triển thêm. Một số khó khăn mà TP gặp phải là có cơ sở chưa chấp hành, trốn tránh và nợ bảo hiểm xã hội. Một bộ phận người lao động chưa nhận thức đầy đủ quyền và lợi ích khi tham gia bảo hiểm xã hội. 

Ngoài ra, các cơ chế, chính sách để kích thích người lao động tham gia bảo hiểm xã hội chưa mang tính động lực. Đồng thời, việc xử lý các vi phạm về bảo hiểm xã hội cũng chưa nghiêm. Do vậy, ông Hoan kiến nghị cơ quan soạn thảo luật nghiên cứu, ban hành quy định xử lý vi phạm lĩnh vực này: "Ban hành quy định về quản lý nợ và các giải pháp xử lý nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đối với các trường hợp nợ thời gian dài, số tiền nợ lớn, các doanh nghiệp đã khởi kiện thi hành án nhưng không có khả năng thanh toán. Mấy doanh nghiệp phá sản hoặc không còn cơ hội đóng, có lẽ phải có hướng dẫn. Nếu cứ treo như thế thì rất khó xử lý nợ"./.