>> Covid-19 tái bùng phát: Đà Nẵng cách ly, lòng người gần lại
>> Covid-19 tái bùng phát: “Chia lửa” ở tâm dịch Đà Nẵng
>> Đà Nẵng gồng mình chống dịch Covid-19 tái bùng phát
Cả thành phố “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, mọi hoạt động vận tải, kinh doanh gần như ngưng trệ. Những bãi biển chật kín du khách và những con phố tập nập người xe bỗng chốc trở nên vắng ngắt, tiếng còi xe cứu thương hú rền suốt ngày đêm. Cuộc sống nơi tâm dịch vô cùng khó khăn. Thế nhưng, trong thời khắc gian khó ấy, tình người thắp sáng thành phố bên sông Hàn.
“Ở trong tâm dịch mình mới đánh giá mức độ cống hiến hy sinh của các y bác sĩ, rồi những người điều dưỡng, những người làm công tác từ thiện họ nấu cho mình từng bữa ăn. Cho nên tôi thấy tình người là cao cả”.
“Tình người cao cả” mà bệnh nhân 734, quê ở tỉnh Quảng Ngãi vừa nhắc đến trước khi rời Bệnh viện dã chiến Hòa Vang làm ấm lòng những người nơi tuyến đầu chống dịch.
Từ cuối tháng 7 đến nay, những người ở tuyến đầu thầm lặng bước vào tâm dịch hiểm nguy, lưng quay về phía bình yên. Nhiều người cả tháng chưa về nhà, mẹ xa con, vợ không gặp chồng. Nữ Đại úy cảnh sát giao thông Mai Thị Bích Thuận kể, gần 20 ngày không có hơi ấm của mẹ, bé không chịu ngủ, cứ đòi ba chở đến chỗ mẹ trực. Nhìn thấy mẹ, cháu mới chịu quay về nhà ngủ. Đại úy Mai Thị Bích Thuận tâm sự, trong lúc gian khó này, mỗi người nên chịu thiệt một chút: “Không phải riêng bản thân tôi mà Đà Nẵng này cũng rất nhiều người cũng vì dịch đây cho nên họ cũng đi, họ cũng xa gia đình".
Cơn bão Covid-19 lần thứ 2 ập đến Đà Nẵng, khẩu hiệu “chúng tôi chiến đấu vì bạn, và bạn hãy ngồi yên vì chúng tôi” đi vào lòng người dân một cách tự nhiên, nhẹ nhàng. Thành phố cách ly xã hội ở mức cao nhất, các phương tiện công cộng ngừng hoạt động, những chuyến xe nghĩa tình lại đến giúp người dân vùng dịch.
Suốt những ngày dịch dã căng thẳng ấy, Câu lạc bộ xe bán tải Đà Nẵng hỗ trợ hàng trăm lượt vận chuyển nhu yếu phẩm đến các điểm nóng, trung tâm y tế, bệnh viện, khu cách ly, các địa chỉ từ thiện cần giúp đỡ. Có những hôm, hàng tập kết về nhiều phải chở gấp, họ quên cả ăn, chạy qua trưa, băng đi trong đêm tối. Khi được hỏi, có sợ lây nhiễm không? Ai cũng nói, sợ lắm chứ… nhưng nụ cười vang lên thật ấm áp.
Anh Trương Vĩnh Phúc, người phụ trách “Nhóm chuyến xe nghĩa tình 0 đồng” cho biết, Nhóm của anh có hơn 100 thành viên, mỗi người một hoàn cảnh nhưng chung một tấm lòng nhân ái. Nhóm của anh Phúc đã thực hiện rất nhiều chuyến xe đưa bệnh nhân trở về nhà, lên các tỉnh Tây Nguyên, vào tới Bình Phước hay ngược ra Quảng Bình, Hà Tĩnh luôn đảm bảo an toàn phòng, chống dịch cho tài xế và người trên xe:
“Khi chở anh em phải mặc đồ bảo hộ và đeo khẩu trang suốt, nhiều lúc thiếu ô xy, ngợp, thở không được, phải quay kính xuống quay đầu ra ngoài để lấy ô xy. Nhiều lúc mệt lắm, đã làm thiện nguyện thì không nề hà gì hết. Có những anh em chở về thấy nhà trống trơn thì phải mua một thùng mì ăn liền gửi lại để họ qua cơn dịch.”
Trong khốn khó, mọi người nhắc nhau "hạnh phúc là cho đi!". Những chuyến hàng nhân ái cứ nối tiếp nhau đến các bệnh viện, khu cách ly, nơi xóm nghèo, phụ nữ đơn thân, mang theo tấm lòng yêu thương của đồng bào cả nước. Những “Quán cơm 0 đồng”, “Bếp cơm vạn tình”, “Cây gạo ATM miễn phí” hay “Phiên chợ 0 đồng” đã giúp hàng ngàn gia đình khó khăn, người lao động nghèo mất việc thoát cảnh đói ăn.
Thành phố Đà Nẵng đã chi hàng trăm tỷ đồng hỗ trợ hàng vạn hộ nghèo khó, người bán hàng rong, bán vé số, xe thồ, người khuyết tật, công nhân, sinh viên ở trọ... vượt qua khó khăn. Nhiều tập đoàn, công ty nhanh chóng vào cuộc, “chia lửa” cùng thành phố. Đến ngày 30/8/2020, Ủy ban MTTQVN thành phố Đà Nẵng đã tiếp nhận hơn 60 tỷ đồng; hàng triệu sản phẩm, thiết bị y tế của nhiều tập thể, cá nhân hảo tâm gửi về ủng hộ Đà Nẵng chống dịch.
Bà Đặng Thị Kim Liên, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN thành phố Đà Nẵng cảm ơn tấm lòng của mọi người dành cho Đà Nẵng trong những ngày gian khó vừa qua: “Chúng tôi đã dành 30 tỷ đồng để mua sinh phẩm, vật tư phục vụ công tác xét nghiệm trên diện rộng toàn thành phố, còn lại chúng tôi đã hỗ trợ 220.000 người dân thành phố gặp khó khăn. Chúng tôi muốn nói lên lòng biết ơn rất sâu sắc với sự ủng hộ của tất cả các địa phương, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và người dân đã hướng về Đà Nẵng”.
Là vùng đất từng chịu sự tàn phá khốc liệt của các đợt bão to, lũ dữ, chiến tranh, địch họa, nhưng chưa bao giờ, người dân nơi đây lại thấy sự nguy hiểm khó lường như đại dịch Covid-19.
Dịch tái bùng phát, rất nhiều chuyện lần đầu tiên xảy ra ở thành phố này khiến không ít người hoang mang, lo lắng. Đó là hàng loạt bệnh viện lớn của thành phố phải đóng cửa; bệnh viện dã chiến dựng lên chỉ trong mấy ngày; nhiều khu dân cư bị phong tỏa; các trường học, nhà văn hóa trở thành nơi cách ly tập trung cho hàng chục ngàn ca F1; kỳ thi THPT quốc gia tại Đà Nẵng phải lùi lại sau kỳ thi đợt 1 của cả nước hơn nửa tháng; thành phố phát phiếu đi chợ ngày chẵn - lẻ; rồi việc xử lý thi hài bệnh nhân tử vong do mắc Covid-19 cũng gây nhiều lo sợ… Những chuyện chưa từng xảy ra ấy vừa mới xảy ra tại vùng tâm dịch này.
Gian nan là vậy nhưng Đà Nẵng không bỏ ai ở lại phía sau. Hàng loạt biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt chưa từng có được thành phố triển khai khẩn cấp, “thần tốc”. Tình hình dịch bệnh trên địa bàn từng bước được kiểm soát. Sau hơn một tháng cách ly xã hội ở mức cao nhất theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, thành phố đã quyết định từng bước nới lỏng giãn cách xã hội từ 0 giờ ngày 5/9; thực hiện mục tiêu kép: vừa chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế. Ông Trương Quang Nghĩa, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đề nghị người dân thành phố hình thành những thói quen mới, chung sống an toàn với dịch bệnh trong trạng thái “bình thường mới”:
“Nếu như chúng ta không có cách tiếp cận tốt giải quyết vấn đề này thì nó sẽ nảy sinh những bức xúc của cuộc sống mà dẫn tới những sai phạm. Chúng ta làm sao để người dân thấy rằng lo lắng với sức khỏe bản thân thì phải đến ngay cơ sở y tế, ra đường nên đeo khẩu trang, phải làm sao phòng dịch phải trở thành cuộc sống, là nét văn hóa của chúng ta”.
Trong lúc căng mình chống đại dịch, Đà Nẵng vẫn giữ được hình ảnh của một thành phố nghĩa tình khi không bỏ rơi một ai. Lãnh đạo thành phố chủ động kết nối với các địa phương hỗ trợ đưa hơn 16.000 học sinh, sinh viên, người lao động bị kẹt lại tâm dịch trở về gia đình. Hơn 1.500 du khách bị kẹt ở Đà Nẵng khi dịch ập đến cũng được thu xếp trở về nhà an toàn.
Trong tâm trí nhiều người, chuyến du lịch cuối tháng 7 vừa qua tại Đà Nẵng đọng lại nhiều cảm xúc khó quên về một thành phố nghĩa tình!/.