Phát biểu tại Hội nghị Sở Thông tin, ngày 9/1/2017, một lãnh đạo UBND TP Hà Nội nhận định: “loa phường đã hoàn thành sứ mệnh” và đề nghị rà soát lại để quyết định hệ thống truyền thanh cơ sở này tồn tại hay không tồn tại?

Trong cuộc họp giao ban ngày 9/2/2017, một lần nữa, lãnh đạo UBND TP cho rằng Đài truyền thanh cơ sở tiêu tốn mỗi năm hàng trăm triệu đồng mà chất lượng rất thấp và đề nghị lấy ý kiến nhân dân để quyết định duy trì hay bỏ loa phường.

anh_loa_phuong_arzn.jpg
 

Trước hết cần thấy rằng “loa phường” thể hiện rõ nét hai mặt được và chưa được của hệ thống truyền thanh cơ sở. Đây là một trong hệ thống phát thanh truyền thanh 4 cấp của Nhà nước (Quốc gia, tỉnh – thành phố trực thuộc Trung ương, huyện, xã – phường)

Ngay sau khi thành lập Đài Tiếng nói Việt Nam, Trung ương Đảng đã ra Nghị quyết nêu rõ: “Phải biết tìm những dụng cụ về khoa học vào việc tuyên truyền rất có lợi.

Bật máy thu thanh ở các nhà thông tin, câu lạc bộ, các trụ sở Cứu quốc, nhà Hội đồng, nhà Độc lập để nhận thông tin trong nước và thế giới.

Mỗi một tỉnh nên mua máy phát thanh và truyền thanh”. (Văn kiện Đảng toàn tập – tập 8, trang 12)

Từ đó, nhiều trạm Truyền thanh có sở ra đời, là “cánh sóng nối dài của Đài Phát thanh Quốc gia”, phục vụ đắc lực cho công cuộc kháng chiến kiến quốc, phát huy mạnh mẽ trong thời kỳ xây dựng miền Bắc, đấu tranh Thống nhất nước nhà. Chương trình Phát thanh “Người bạn Truyền thanh” của Đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN) ra đời trong những năm 60 của thế kỷ trước, không chỉ truyền tải nội dung mà còn là sự kết nối với hệ thống Đài truyền thanh địa phương, cơ sở, tạo nên hiệu quả thông tin, tác động mạnh mẽ vào cuộc sống sản xuất và chiến đấu.

Ngày 29/8/1995, trong lễ ký duyệt Quy hoạch Truyễn dẫn, phát sóng Phát thanh cả nước đến năm 2000 và sau 2000, Thủ tướng Võ Văn Kiệt nêu rõ: “Xuất phát từ yêu cầu cấp thiết về thông tin nhanh chóng và chính xác cho nhân dân cả nước về chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, về tình hình trong nước và thế giới, đồng thời nâng cao kiến thức, dân trí cho toàn dân, Đài TNVN cùng hệ thống phát thanh, truyền thanh từ trung ương đến địa phương phải tìm mọi cách đưa thông tin bằng phát thanh về tận cơ sở.”

Hàng năm Đài TNVN mở Hội nghị Phát thanh toàn quốc, trong đó “Đài truyền thanh cơ sở xã phường” trở thành vấn đề nóng, được  bàn thảo, tranh luận sôi nổi, có khi gay gắt. Ba vấn đề nổi bật là chuyển từ truyền thanh có giây sang không giây bằng sóng FM.

Hai là loa công cộng còn cần thiết ở đô thị hay không. Bố trí loa công cộng như thế nào là hợp lý. Ba là mô hình tổ chức, nội dung chương trình và chế độ chính sách cho đài truyền thanh huyện, cơ sở.

Trong một Hội nghị bàn về Phát thanh Truyền hình, năm 1996, Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh cho rằng: Nói gì thì nói, làm gì thì làm, nhưng cốt yếu là làm sao để từng người dân, từng gia đình nhận được thông tin từ hệ thống phát thanh từ Trung ương đến xã phường, nhất là chủ trương, luật pháp và tư vấn mọi mặt cho dân, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa, khó khăn, cách trở.

Sứ mệnh của Báo chí truyền thông, phát thanh nói chung, và truyền thanh cơ sở nói riêng là như vậy. Chừng nào người dân dù ở nông thôn, miền núi hay đô thị chưa được cung cấp thông tin cần thiết, đầy đủ thì chừng đó báo chí, truyền thông nói chung và truyền thanh cơ sở nói riêng vẫn chưa hoàn thành sứ mệnh.

Ai cũng biết sứ mệnh cao cả, ai cũng thấy hai mặt được và chưa được của truyền thanh cơ sở, nhưng từ 2000 đến nay ít có hội nghị bàn thảo đến nơi đến chốn “vận mạng” của loa phường.

Có một Đài phát thanh không nhỏ tặng cho phường sở tại của thành phố lớn một Đài truyền thanh phường. Ông Phó giám đốc phụ trách nội dung nói nhỏ với Chánh văn phòng là mắc loa ở đâu cũng được, miễn là tránh đầu hồi nhà của ông. Hôm sau chùm loa 3 chiếc oang oang đầu nhà ông phó giám đốc phụ trách kỹ thuật. Ông phó kỹ thuật phàn nàn: “Như là tra tấn, ăn ngủ không yên”.

Sẵn có đội quân kỹ thuật hùng hậu trong tay, ông phó kỹ thuật lệnh cấp tốc hoàn thành dự án xây dựng đài phát thanh cơ sở không giây bằng sóng FM. Một số nhà trong khu tập thể nhà đài được mắc loa hộp, nhỏ, vừa nghe. Khi đài phường phát sóng thì loa tự động phát lời. Đài tắt sóng thì loa im theo. Được một thời gian thử nghiệm thì loa tự động im ắng cho đến bây giờ, bởi trục trặc về tần số.

Loa phường hữu tuyến trở lại ra rả ngày 3 buổi: sáng, trưa, chiều tối. Cái tội loa phường làm “trẻ con khó ngủ, người già thức giấc, người ốm không yên, nhà nghiên cứu mất tập trung” cứ diễn đi diễn lại ngày ngày trở thành tội đồ “ô nhiễm môi trường bằng tiếng động” ngang với khói bụi và mùi xú uế của những dòng sông chết trong thành phố.

Nghe tiếng dân, nhận ra vấn đề, ông Chủ tịch thành phố Hà Nội đã đặt loa phường lên bàn hội nghị và công luận.

Theo thống kê gần đây nhất trên cổng giao tiếp điện tử Hà Nội, 100.000 người được hỏi ý kiến, có 77.000 người cho sự tồn tại của loa phường là cần thiết, chiếm 78%, 21.000 người cho là không cần thiết, bằng 21% và 600 người cho là cần, nhưng phải đổi mới.

Bằng nhiều cách thăm dò, có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng tựu trung là truyền thanh cơ sở vẫn cần thiết, vẫn có lý do tồn tại, nhưng phải đổi mới từ nội dung thông tin đến kỹ thuật truyền dẫn phát sóng và đặc biệt là đặt loa công cộng ở đâu cho hợp lý, tránh gây ô nhiễm môi trướng sống bằng tiếng động.

Đầu tiên là phải đổi mới ngay nội dung thông tin. Thông tin trên đài cơ sở hiện nay còn chung chung, vĩ mô. Nhiều nơi, nhiều lúc lấy bài trên Thông tin của ban Tuyên giáo đọc ra rả, đầy lý luận mà không một lời bàn, không một lời giải thích. Có Đài xã chỉ nhăm nhăm đọc lại xã luận báo Nhân dân là hoàn thành nhiệm vụ, gây tâm lý “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”.

Tại Liên hoan Phát thanh Toàn quốc lần thứ 7 (2005) chương trình Phát thanh Bản Gà, xã Vân Sơn, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang đoạt giải nhất. Nhiều giám khảo cho điểm tối đa 10/10 cả nội dung và hình thức thể hiện.

Bí quyết không có gì xa lạ là phản ánh thực tế sống động đời sống, tâm tư, nguyện vọng của bà con dân bản. Cấu tạo chương trình có ba phần. Một là những quyết định, hành động, giải pháp của xã, hai là tin tức về sản xuất, đời sống mọi mặt trong Bản, trong xã. Nêu gương những gương tốt, phê phán những hành động không tốt, tật xấu của cán bộ đến người dân. Ba là thông tin, quảng bá những thông tin cần thiết như tiêm chủng, diệt muỗi, tìm người lạc…

Xen kẽ giữa các tiết mục là giọng hát của nam nữ thanh niên trong bản bằng tiếng Kinh, tiếng Tày, tiếng Dao. Chương trình dành 5 phút để nhân dân trong bản phê phán tật nghiện rượu của một thanh niên. Lời lẽ của bà con khá chân thành nên anh chàng nghiện nghe ra, hứa khắc phục sửa chữa.

Cựu chiến binh Hà Xuân Thùy, người dân tộc Tày vừa là Trưởng Đài, vừa là phóng viên, vừa làm biên tập, vừa là phát thanh viên, cũng là thợ kỹ thuật đã nói trong lễ nhận giải thưởng rằng: “Anh thanh niên đã hứa với dân bản công khai trên loa đài thì không dám tái phạm nữa.”

Tổng kết Liên hoan Phát thanh, TGĐ Đài TNVN coi đây là mô hình về cấu tạo nội dung cần và đủ của một đài cơ sở. Thực tế hiện nay ở một số Đài phường chỉ một vài người phụ trách luân phiên, chủ yếu là đọc thông báo, hoặc bài có sẵn trên báo in, thiếu hẳn tin tức hoạt động của chính quyền, cán bộ, nhân dân trong phường. Chương trình đơn điệu, phát những gì đài có mà không biết đến dân đang cần gì. Cách làm hành chính này không thể tồn tại, bởi dân không cần đến.

Một thực tế là sau 20 năm nước ta hòa mạng Iternet (19/11/1997) hơn 40 triệu người, gần một nửa dân số cả nước sử dụng Internet, hơn 20 triệu người sử dụng mạng Facebook.

Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông đến cuối năm 2014, cả nước có 838 cơ quan báo chí in với 1.111 ấn phẩm, 67 Đài PHTH Trung ương và địa phương, hơn chục vạn Đài PTTH huyện, cơ sở, 90 báo, tạp chí điện tử, 215 trang tin điện tử tổng hợp của các cơ quan báo chí. Ấy là chưa kể các trang mạng xã hội cập nhật thông tin từng giờ, từng phút.

Trong biển truyền thông khổng lồ, ngồn ngộn thông tin như vậy, vị trí Đài phường, loa phường ở đâu, tồn tại và phát triển như thế nào là một bài toán khó, nhưng không phải không có lời giải. Đã có bài giải về nội dung phải thiết thực, cụ thể, minh bạch, rõ ràng, mang tính phản biện. Nó vừa là công cụ của chính quyền, vừa là diễn đàn của nhân dân, vừa là mạng liên kết cộng đồng, nhất là khi có hỏa hoạn, bão lụt, thiên tai, trợ giúp người yếu thế.

Trả lời câu hỏi lớn về kỹ thuật, công nghệ là sóng FM và mạng Internet. Ứng dụng như thế nào, loa to, loa nhỏ ra sao cho tiện ích hay trang thông tin điện tử là điều cần bàn và có giải pháp tích cực, hiệu quả.

Vấn đề là đào tạo nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng và cơ chế quản lý, cơ chế giám sát. Hiện nay Đài TNVN có hai trường Cao đẳng PHTH ở Phủ lý, Hà Nam và thành phố Hồ Chí Minh hàng năm đào tạo phóng viên, biên tập viên, phát thanh viên, kỹ thuật viên đủ sức cung ứng cho cơ sở. Đài Quốc gia có Tổng công ty ứng dụng và phát triển PTTH (EMICO) đáp ứng yêu cầu xây dựng hạ tầng kỹ thuật và thiết bị nghe nhìn cho cả nước.

Vốn liếng đã có, chỉ còn nghe dân nói, nghe các nhà chuyên môn, các chuyên gia quản lý đóng góp ý kiến nhất định Hà Nội sẽ giải được bài toán “loa phường” của thành phố, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp PTTH cả nước./.