Cảm nhận của chị Phạm Thị Thu Hiền (TP Nam Định) khi đặt chân đến Đà Nẵng là thành phố thật sạch đẹp. Chị Phạm Thị Thu Hiền bày tỏ: “Mấy lần trước tôi đến Đà Nẵng, thấy tình trạng người ăn xin, lang thang đánh giày ngoài đường phố rất nhiều, nhưng lần này, tôi đến Đà Nẵng có một điều khác biệt là tình trạng đó không còn diễn ra nữa”.
Sau 1 tháng tập trung ngăn chặn, xử lý tình trạng xin ăn, ăn xin biến tướng, lang thang đánh giày, bán hàng rong, chèo kéo khách trên địa bàn TP Đà Nẵng giảm đáng kể.
Từ ngày 1/3 đến nay, ngành chức năng thành phố đã nhắc nhở, cảnh cáo gần 600 trường hợp bán hàng rong không đúng nơi quy định, sử dụng người khuyết tật để bán hàng.
Tổ xử lý thông tin người lang thang xin ăn của thành phố Đà Nẵng nhắc nhở một trường hợp xin ăn tại khu vực chùa Quán Thế Âm (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) |
Đến nay 150 người được vận động trở về địa phương, gần 80 đối tượng xin ăn, biến tướng xin ăn được tập trung vào các trung tâm bảo trợ xã hội.
TP Đà Nẵng còn tổ chức gặp mặt, đối thoại trực tiếp, ký cam kết với các chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ, những người buôn bán hàng rong, bán vé số, đánh giày thực hiện đúng các quy định của thành phố. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay, phần lớn các đối tượng này đều là người nơi khác đến, nên rất khó kiểm soát, quản lý.
Khi thành phố làm “căng” thì họ tạm lánh đi nơi khác, sau đó lại quay về hành nghề cũ.
Bà Nguyễn Thị Thừa - Phó Chủ tịch UBND quận Hải Châu, phân trần: “Chúng tôi có đội kiểm tra quy tắc của quận cũng phân công các tuyến đường để thực hiện nhiệm vụ nhưng rõ ràng vẫn không thể liên tục thường xuyên”.
Bên cạnh đó, có nơi chính quyền địa phương còn chưa vào cuộc quyết liệt, một số cơ sở kinh doanh dịch vụ chưa hợp tác trong việc xử lý các đối tượng vi phạm vì sợ trả thù…
Chính vì thế, tình trạng bán hàng rong chèo kéo khách ở một số khu vực như: Đỉnh đèo Hải Vân, chùa Linh Ứng, các khu mua sắm vẫn còn gây nhiều phiền hà cho du khách.
Ông Nguyễn Văn An - Phó Giám đốc Sở LĐ – TB&XH TP Đà Nẵng cho biết, sắp tới sẽ có những đề án cụ thể hỗ trợ những người khó khăn thật sự.
Nói không với nạn ăn xin, ăn xin biến tướng, bán hàng rong chèo kéo khách là chủ trương đúng đắn, nhằm xây dựng Đà Nẵng trở thành một thành phố văn minh, thế nhưng, trên thực tế còn rất nhiều người hoàn cảnh khó khăn phải mưu sinh nhờ những gánh hàng rong, bán báo, tấm vé số… để kiếm sống. Và có cả những bệnh nhân nghèo từ địa phương khác do điều trị dài ngày nơi đất khách không còn tiền buộc phải đi ăn xin...
Vì thế, TP Đà Nẵng cũng nên có chính sách hỗ trợ những người hoàn cảnh đặc biệt, giúp họ mưu sinh, chuyển đổi ngành nghề. Có như vậy, mới góp phần thực hiện được mục tiêu xây dựng Đà Nẵng trở thành “một thành phố đáng sống”./.