Từ khi năm học kết thúc, tại tỉnh Thừa Thiên Huế liên tiếp xảy ra các vụ đuối nước trẻ em. Hơn một tháng qua, 10 trẻ đã tử vong do đuối nước. Các vụ đuối nước ở trẻ em xảy ra từ miền núi đến miền biển, từ nông thôn đến thành phố, để lại nỗi đau khôn cùng cho các bậc cha mẹ, tạo ra sự lo lắng, bất an trong xã hội.
Tại những bãi tắm đông người như Thuận An, Phú Thuận, những ngày hè này, ngoài du khách các nơi đến, còn có các gia đình dắt theo con nhỏ, các nhóm học sinh, sinh viên rủ nhau tắm biển, lượng khách tập trung rất đông. Lực lượng cứu hộ tại các bãi tắm hướng dẫn vị trí an toàn cho khách tắm biển, thường xuyên cảnh báo khu vực nguy hiểm.
“Uỷ ban xã đã cử lực lượng tham gia tập huấn công tác nghiệp vụ. Hiện nay, đội ngũ cứu hộ cứu nạn của xã đã được cấp chứng chỉ, đủ điều kiện để tham gia cứu hộ cứu nạn. Bên cạnh đó, Ủy ban xã cũng triển khai đồng bộ các giải pháp như thả dây an toàn và tuyên truyền với du khách, nhất là đối với trẻ em thì nên mang áo phao, trẻ tắm thì có người lớn đi kèm và cảnh báo một số vị trí, địa điểm nước xoáy nguy hiểm. Đồng thời, triển khai một số biện pháp cứu chữa kịp thời khi có tình huống không may xảy ra”- Ông Đặng Tiến Tùy, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận, huyện Phú Vang cho biết.
Bước vào kỳ nghỉ hè, nỗi lo về tình trạng đuối nước ở lứa tuổi học sinh càng tăng. Đặc biệt, sau hai năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các em gần như không được thoải mái vui chơi và thèm được trải nghiệm... Trong 3 tháng qua, Tỉnh Đoàn Thừa Thiên Huế phối hợp với Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh tổ chức nhiều buổi tuyên truyền về phòng, chống đuối nước, tai nạn thương tích cho hơn 6.400 học sinh. Tuy nhiên, việc phòng tránh đuối nước cho trẻ không chỉ ở phạm vi trường học, gia đình hay một tổ chức nào mà là trách nhiệm của toàn xã hội. Bà Phạm Thị Lan, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, chỉ vào đầu mùa hè nhưng trên địa bàn Thừa Thiên Huế đã liên tiếp ghi nhận các vụ đuối nước mà nạn nhân chủ yếu là trẻ em. Do đó, cần có sự chung tay của chính quyền, các đoàn thể, tổ chức xã hội để triển khai sâu rộng chương trình dạy bơi, tập huấn kỹ năng ứng phó trong môi trường nước.
“Các bậc phụ huynh muốn cho con đi tắm suối, tắm biển thì chúng ta phải hết sức thận trọng, coi ngó các cháu. Bố mẹ là người phải giám hộ, giám sát chặt chẽ. Vấn đề thứ hai, chúng tôi thấy rằng, các tổ chức xã hội ở các địa phương, đặc biệt, Đoàn thanh niên phải vào cuộc, để tạo cho các cháu những sân chơi thực sự bổ ích. Hiện nay, các cơ sở của chúng ta ở các phường xã, các sân chơi cho các cháu rất là ít”- bà Phạm Thị Lan cho biết.
Để ngăn ngừa tình trạng trẻ em gặp tai nạn đuối nước, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa có văn bản yêu cầu các sở, ban ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường các biện pháp phòng, chống đuối nước. Tỉnh yêu cầu đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương, về phòng, chống đuối nước. Tại các bãi tắm, sông đầm phải có biển báo khu vực cấm, khu vực được phép tắm, có đầy đủ các trang thiết bị, áo phao, thiết bị cứu hộ, cứu nạn.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: “UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cho các cơ quan ban ngành, tập trung các giải pháp để hạn chế các vụ việc đáng tiếc xảy ra. Trong đó, giao chính quyền địa phương tăng cường phối hợp với phụ huynh học sinh để tuyên truyền, quản lý các em trong thời gian nghỉ hè. Giao trách nhiệm cho Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cùng với các cơ quan ban ngành liên quan giám sát chặt chẽ tại các cơ sở vui chơi, giải trí của các em học sinh trong các hoạt động vui chơi nghỉ hè”./.