Với quan niệm “Cúng quanh năm không bằng ngày rằm tháng 7” nên trong những ngày này, người dân nói chung và bà con Phật tử nói riêng, ngoài việc chuẩn bị mâm lễ cúng gia tiên, thắp nén hương tưởng nhớ đến người thân đã khuất còn lên chùa dự lễ Vu Lan báo hiếu ông bà, cha mẹ.

vu-lan-3.jpg

"Xiêm áo, xe máy..." tại chùa Phúc Khánh

Chùa Phúc Khánh (phố Tây Sơn, quận Đống Đa-Hà Nội)  ngày hôm nay (14/7 Âm lịch) trở thành tâm điểm của khách thập phương dự lễ Vu Lan. Vì hôm nay là ngày chính lễ lại trùng với ngày làm việc nên các Phật tử đến chùa từ khá sớm, vất vả chuẩn bị cho ngày đại lễ.

Ngay từ cổng chùa, các thông báo, băng rôn được treo ngay ngắn nhắc nhở mọi người về dịp lễ linh thiêng báo hiếu cha mẹ. Bên trong sân chính là một chiếc bàn lớn để các gia đình, bà con Phật tử  đặt đồ lễ, vàng mã, xiêm áo và nhiều vật dụng như xe máy, mũ nón, quần áo… theo kiểu “trần sao âm vậy” cho những người đã mất.

"Trần sao, âm vậy"

Các gia đình khá giả thường có thêm mâm cúng chúng sinh, gạo muối, các loại bỏng, xôi oản, vàng mã đặt dưới sảnh đi vào điện chính cho những linh hồn lang thang không nơi nương tựa, không còn người thân ở trần gian hoặc oan hồn. 

Ngoài các đồ lễ, vàng mã người dân còn mua thêm cá, cua, chim sẻ… để làm lễ cầu siêu, phóng sinh nhằm cứu khổ, cứu nạn cho các sinh linh.

Tại các chùa lớn như Quán Sứ, Trấn Quốc… không khó để bắt gặp các em nhỏ ríu rít theo chân bố mẹ đi lễ chùa. Theo các bậc phụ huynh, đây cũng là dịp để giáo dục cho các cháu biết về nét truyền thống của người Việt là luôn nhớ về công sinh thành, dưỡng dục của ông bà, tổ tiên.

Trong những ngày này, nhiều bạn trẻ tạm gác mọi hoạt động lên chùa dự lễ báo hiếu. Do nhà ở xa, ngày lễ Vu Lan trùng với lịch học nên bạn Nguyễn Thị Trang (Đại học Công nghiệp) không có cơ hội về quê. Bạn chia sẻ: “Những ngày này mình rất thèm được về nhà, ăn bữa cơm cùng với ông bà, bố mẹ. Khi còn ở nhà, nhiều hôm mẹ mình mang bát cơm lên tận phòng cho ăn nhưng mình nhất quyết không ăn vì đang “dỗi” mẹ. Bây giờ đi học xa nhà rồi mới thấy thấm thía công lao của cha mẹ”.

Không lỉnh kỉnh đồ lễ như nhiều khách thập phương, bạn Hồng Gấm (Cao đẳng Công đoàn – quê Thanh Hóa) thành tâm thắp nén hương. Hỏi về mong ước của mình, Hằng tâm sự: “Bố mình mất vì bệnh ung thư từ khi mình còn nhỏ. Lúc đó mình chưa ý thức hết được nỗi đau mất người thân. Lớn lên một chút thì mới thấm thía được nỗi mất mát này. Từ khi đi học ngoài này, năm nào mình cũng đến chùa dự lễ cầu siêu, cầu mong cho linh hồn bố dưới suối vàng được thanh thản”.

Mặc dù nhà chùa Quán Sứ đã hoàn tất đại lễ Vu Lan vào tối 13/7 âm lịch, nhưng chị Nguyễn Thanh Hương (Chương Dương – Hà Nội) vẫn đến chùa từ sáng sớm. Chị tâm sự: “Ông bà, bố mẹ mình vẫn còn nên năm nào cũng vậy, đến ngày này mình đến chùa để cầu cho những người thân được mạnh khỏe, con cháu trong gia đình bình an, hạnh phúc”./.