Trong nhiều tài liệu sử sách còn ghi, mùa Xuân năm Đinh Hợi, niên hiệu Thiên Phúc thứ 7 (tức năm 987), vua Lê Đại Hành về chân núi Đọi làm Lễ Tịch điền (cày ruộng) đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mở ra một trang sử mới cho nền văn minh nông nghiệp lúa nước.
Kể từ đó, Lễ Tịch điền trở thành một hỷ tục, các triều đại Lý, Trần, Hậu Lê, Nguyễn đều thực hiện một cách thành kính, trang trọng.
Lãnh đạo Trung ương và tỉnh Hà Nam dâng hương tại lễ đài Thần Nông |
Sau 2 năm khôi phục, lễ Tịch điền Đọi Sơn đã tạo nên một ấn tượng sâu sắc đi vào tiềm thức của mỗi người dân Việt Nam nói chung và nhân dân Hà Nam nói riêng.
Đúng 7 giờ sáng, lễ rước linh vị của vua Lê Đại Hành từ chùa Đọi xuống khu làm lễ tịch điền được cử hành uy nghiêm, trang trọng với dàn trống hơn 50 chiếc của đội trống thôn Đọi Tam cùng hòa tấu rền vang. Tiếp đó là màn biểu diễn múa rồng của đội rồng thôn Đọi Tín, hoà chung vào tiếng trống rộn ràng.
Sau lễ dâng hương là nghi thức cầy tịch điền, dùng trâu cày để khai ruộng, khai mở một năm lao động, cày cấy với mong ước mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
"Vua" cày xá cày đầu tiên |
Trong tiếng reo hò cổ vũ cùng tiếng trống rền vang, bô lão Đinh Trọng Tế ở thôn Đọi Nhất, 83 tuổi, khoác áo Long bào nhập linh khí quân vương khoan thai đi đường cày đầu tiên. Tiếp đó là những đường cày của lãnh đạo tỉnh Hà Nam, huyện Duy Tiên và đông đảo người dân tham gia lễ hội, lật lên những lớp đất nâu, tơi xốp, phơi mình trong nắng Xuân.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Trần Xuân Lộc, Bí thư tỉnh ủy Hà Nam kiêm Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: Từ khi Lê Đại Hành hoàng đế cầy tịch điền lần đầu tiên đã mở ra tấm gương sáng về sự chăm chỉ làm việc, coi trọng nghề nông. Đây là nghi lễ mở đầu cho một vụ mùa mới, trở thành một nét sinh hoạt văn hóa tâm linh quan trọng của xã hội nông nghiệp đồng thời trở thành một di sản văn hóa quý báu mà các thế hệ sau cần phát huy./.