Hướng tới kỷ niệm 125 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 90 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức triển lãm chuyên đề “Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh với báo chí cách mạng Việt Nam”. Triển lãm khai mạc chiều nay (18/5) và kéo dài đến ngày 21/6 tại tòa nhà Hội Nhà báo Việt Nam (lô 2E, đường Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội).
Ông Hà Minh Huệ, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Trưởng Ban tổ chức triển lãm cho biết: Đây là triển lãm chuyên đề về Nhà báo Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh – Nhà báo xuất sắc của thế kỷ XX, người sáng lập và rèn luyện đội ngũ người làm báo cách mạng từ thời cách mạng chưa thành công. Kể từ bài báo đầu tiên được viết năm 1919 tại Pháp, Người để lại một di sản lớn với trên 2.000 bài báo và khoảng 200 bút danh. Phong cách ngôn ngữ báo chí Hồ Chí Minh thông qua các tác phẩm báo chí Người để lại luôn là một mẫu mực để các thế hệ người làm báo học tập, noi theo.
Triển lãm trưng bày trên 200 bức ảnh, tài liệu và hiện vật tiêu biểu được chọn lọc trong số rất nhiều hiện vật, tư liệu về Nhà báo Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh được sưu tầm trong thời gian qua. Để cung cấp một cách đầy đủ những hiện vật, tài liệu chứa đựng những giá trị lịch sử, văn hóa to lớn, những tư tưởng nhân văn sâu sắc, những bài học nghề nghiệp quý giá cho các thế hệ người làm báo sau này, Hội Nhà báo Việt Nam sẽ tiếp tục nghiên cứu, bổ sung với mục tiêu cuối cùng là có một bộ sưu tập đầy đủ, thể hiện nổi bật trong Bảo tàng Báo chí Việt Nam mà Hội đang thực hiện.
Phát biểu tại triển lãm, ông Trương Minh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh: “Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh với báo chí cách mạng Việt Nam là một chủ đề lớn, xuyên suốt lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam. Ngay từ rất sớm, Người đã nhận thức rất rõ vai trò của báo chí, sử dụng báo chí như một hoạt động hữu hiệu để hoạt động cách mạng, làm nên thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam”.
Triển lãm hy vọng sẽ đem đến cho các nhà báo, các nhà nghiên cứu công chúng báo chí một cái nhìn tương đối có hệ thống về nhà báo Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh thông qua các hiện vật, tư liệu được trưng bày. Trong đó có một số tư liệu, hiện vật quý, có giá trị lịch sử đặc biệt và một số tư liệu, hiện vật gốc lần đầu được công bố như: Bức ảnh Bác Hồ đánh máy chữ năm 1950, có chữ ký và triện của Bác tặng cho nhà quay phim Nguyễn Thế Toàn; bài trả lời phỏng vấn 4 tờ báo của Nhật Bản, có bút tích biên tập của Bác; một số phát biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh về báo chí; những hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp xúc với báo chí trong và ngoài nước…
Đặc biệt là bộ sưu tập 48 bức ảnh về các cuộc tiếp xúc, làm việc của Người với báo chí nước ngoài hoặc hình ảnh Bác trên trang bìa một số tạp chí nước ngoài./.