>> Đỏ mặt vì nội dung biển cấm quanh công viên Thống Nhất (Hà Nội)
>> Nghịch lý: Thu phí “quần dài”, miễn phí “quần đùi” ở Công viên Thống Nhất
>> Nhà hàng, quán bia... mọc lên như nấm trong khu vực Công viên Bắc Linh Đàm
Mới đây, tại phiên họp giải trình của Thường trực HĐND TP Hà Nội về đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong các khu đô thị, Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh chỉ đạo, trong năm 2023 phải làm sống lại công viên ở Hà Nội.
Những ai đang sống ở Thủ đô mới thấy việc này ý nghĩa và quan trọng đến nhường nào, bởi hàng ngày chúng ta đang phải sống trong bầu không khí ngột ngạt theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng.
Bất cứ ai ở Hà Nội khi bước ra khỏi nhà là rơi vào cảnh tắc đường, kẹt xe, hít khói bụi của các phương tiện. Các điểm quan trắc của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và môi trường) liên tục cảnh báo không khí Hà Nội nhiều nơi bị ô nhiễm nặng ở mức đỏ-mức có hại, thậm chí có nhiều điểm ở mức nâu-mức nguy hiểm mà tất cả mọi người có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Rồi cả cuộc sống mưu sinh vất vả, hối hả để tồn tại được ở nơi mọi thứ đều đắt đỏ cũng khiến nhiều người mệt mỏi. Chưa kể, ra đường chỉ va quệt nhẹ hay to tiếng là cũng khiến người ta sẵn sàng lao nhau…
Vì thế, việc có những địa điểm, trong đó có công viên để cho mọi người thư giãn, tái tạo sức lao động là rất cần thiết. Trong quy hoạch tổng thể của mỗi thành phố, không chỉ riêng Việt Nam, công viên được coi là lá phổi xanh, là nơi sinh hoạt cộng đồng của người dân.
Hà Nội cũng có những công viên được xây dựng với mục đích hướng tới cộng đồng như vậy. Ngoài 4 công viên do Hà Nội quản lý là Thống Nhất, Thủ Lệ, Bách Thảo, Hòa Bình thì thủ đô có khoảng 40 công viên, vườn hoa do cấp quận, huyện quản lý như Linh Đàm, Bắc Linh Đàm, Ba Mẫu, Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Đền Lừ…
Dù có khá nhiều công viên, vườn hoa nhưng hiện nay phần lớn các công viên ở Hà Nội chưa thực hiện đúng công năng của mình, người dân ít khi muốn đến đây vì nhiều lý do, nhưng dễ thấy nhất là nhàm chán, nhếch nhác và bẩn.
Nhiều công viên rộng hàng chục ha nằm ngay giữa trung tâm thủ đô nhưng chủ yếu chỉ là nơi tập thể dục và dắt chó đi dạo của nhiều người. Vào các buổi sáng và chiều, chó được thả rông, không rõ mõm chạy tung tăng trong công viên, có những con to đến hàng chục kg, khiến mọi người vào công viên cảm thấy bất an khi mà thời gian qua chứng kiến rất nhiều vụ chó tấn công làm chết người.
Nhiều nơi trong công viên bị biến thành bãi gửi xe, nhà hàng, nơi tổ chức tiệc cưới… mà không phục vụ cho mục đích cộng đồng. Điển hình như tại Công viên Bắc Linh Đàm (quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội) nhà hàng, quán bia, dịch vụ karaoke, sân bóng tenis lại mọc lên như nấm ngay cạnh dải đất cây xanh, vườn hoa ven hồ Linh Đàm. Không những thế việc cho thuê, thu phí vào công viên cũng khiến người dân bức xúc như nghịch lý “thu vé quần dài, miễn phí quần đùi” ở công viên Thống Nhất…
Điều dễ thấy nhất ở hầu hết các công viên hiện nay là tình trạng xuống cấp trầm trọng, hoang hóa, thậm chí là nhếch nhác, bẩn thỉu. Ngay tại Công viên Thống Nhất, hàng rào bao quanh công nhiêu hoen gỉ vì đây thường là “nhà vệ sinh” của những người kém ý thức. Có những nơi, mặc dù được đầu tư tiền để duy tu, bảo trì hàng năm lên tới cả chục tỷ đồng nhưng vườn hoa, cây xanh vẫn bị bỏ quên, hoang hoá không được cắt tỉa như các vườn hoa Cự Khối, Thạch Bàn, Ngọc Thụy… ở quận Long Biên mà VOV.VN phản ánh mới đây.
Chủ trương làm sống lại công viên Hà Nội là việc làm cần thiết và đem lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng. Trước hết là việc phá bỏ các hàng rào, bỏ thu phí để công viên trở thành công viên mở gần gũi để mọi người dễ tiếp cận. Một số ý kiến, trong đó có cả lãnh đạo các công viên lo ngại việc phá bỏ hoàn toàn hàng rào sẽ khiến những người kém ý thức giẫm lên thảm cỏ, cây xanh… Nhưng trên thực tế, chúng ta đều thấy, có những công viên có hàng rào bao quanh ngay giữa thủ đô, có cả ban lãnh đạo cồng kềnh với hàng trăm công nhân nhưng cũng chưa quản lý tốt, vẫn để xảy ra nhan nhản tình trạng quanh hàng rào bẩn thỉu, nhếch nhác, xuống cấp là nơi “tiểu bậy”, tiêm chích…
Vậy thì, việc giữ lại hàng rào cũng không ích gì trong khi việc phá bỏ rào hoàn toàn có thể dễ dàng quản lý được bằng cách có nhiều lối mở đi xuống vào viên như công viên ở các nước và thực tế khu vui chơi công cộng khác như hồ Gươm, hồ Tây… Và nếu cần thiết, việc quản lý, bảo vệ khu vực xung quanh công viên có thể giao cho các phường, xã có mặt tiếp giáp, lấy đó làm tiêu chí để đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ của cơ sở.
Hơn nữa, khi cả xã hội, các cơ quan, ban ngành đang hướng tới việc chuyển đổi số, thì việc quản lý công viên nên dần chuyển giao để máy móc, công nghệ làm thay con người, vừa cắt giảm được sức lao động và chi phí, vừa hướng tới sự văn minh, hiện đại.
Nhưng điều quan trọng hơn vẫn là phần “lõi” của công viên phải thực sự là điểm đến vui chơi, thư giãn và là sinh hoạt văn hóa của cộng đồng. Đó là việc bố trí hợp lý cảnh quan, tỷ lệ cây xanh, hồ nước như thế nào là khoa học, phù hợp; bố trí các khu vui chơi dành cho các đối tượng trẻ em, người lớn như thế nào đến việc các trạm dừng nghỉ, khu dịch vụ thế nào là hợp lý…
Một việc tưởng nhỏ nhưng công viên ở nước ngoài rất được chú trọng là các điểm vệ sinh, không để người dân mỏi mắt không tìm được nơi để “trút nỗi buồn” hoặc nến có thì lại quá mất vệ sinh, không ai dám vào. Cùng với đó, là an ninh trong công viên cũng phải được quan tâm, từ việc chiếu sáng đến hệ thống camera, bảo vệ… để mọi người vào mà không cảm thấy bất an.
Sẽ còn rất nhiều việc phải làm để “làm sống lại công viên” khi đa số các công viên hiện nay đang trong tình trạng “đóng” cả về hiện trạng và tư duy cũ. Nhưng với quyết tâm của người đứng đầu thành phố Hà Nội cũng như mong muốn của tất cả cư dân đang sống ở thủ đô, chúng ta có quyền hy vọng công viên Hà Nội sẽ sớm "hồi sinh", trở về đúng nghĩa là nơi vui chơi, giải trí và sinh hoạt của cộng đồng./.