Cách đây vài ngày, khi lướt Instagram, tôi giật mình khi đọc tiêu đề trong bài viết của một người bạn “Con bị bắt nạt”. Cậu bé mới lớp 2, chính thức được hòa nhập vào môi trường học đường 1 tháng sau năm học đầu đời theo hình thức online.
Những dòng chữ “các bạn nhảy vào đánh con, bóp cổ con, con không thở được…” thực sự ám ảnh. Bạo lực học đường luôn rình rập và con tôi cũng có thể trở thành nạn nhân.
Tôi chợt nhận ra, những đứa trẻ khi rời xa vòng tay của bố mẹ, ông bà để tới trường là con bắt đầu phải học cách mà mọi người vẫn nói vui là “sinh tồn”. Bởi thế điều mà con tôi và những đứa trẻ khác cần không chỉ là những kiến thức có trong sách vở mà còn là những kỹ năng sống để tự bảo vệ mình.
Theo số liệu mới nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong một năm học, cả nước xảy ra gần 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học. Đáng nói là những hậu quả mà bạo lực học đường để lại đối với tâm lý trẻ khi các em không được quan tâm, thấu hiểu đúng cách rất dai dẳng.
Không ít những người trưởng thành đến bây giờ, tức là hàng chục năm sau khi xảy ra vấn đề bạo lực học đường, vẫn gặp những ám ảnh về mặt tinh thần, mất niềm tin vào bản thân hay gặp khó khăn trong việc tiếp xúc, đặt niềm tin và xây dựng những mối quan hệ tích cực với những người khác.
Bản thân người bạn của tôi cũng tỏ ra bối rối khi chưa biết ứng xử như thế nào ngoài việc thông báo cho phía nhà trường để có biện pháp ngăn chặn bạo lực lên con trai của cô ấy. Cô ấy chưa có khả năng tư vấn những điều nên làm để con có khả năng đối diện và sau này là đề kháng được trước bạo lực học đường.
Làm sao để xử lý khéo léo các mối quan hệ, mâu thuẫn, hiểu nhầm với bạn học. Làm thế nào để kiềm chế cơn giận, không leo thang căng thẳng, để tinh tế tìm ra lý do, ngọn nguồn sự việc mà không truy hỏi gắt gao, khiến tâm lý trẻ hoảng loạn? Bạn tôi chưa được học kỹ năng ấy.
Trong khi đó, một nhà giáo từng chia sẻ với tôi rằng, công tác hỗ trợ tư vấn tâm lý cho trẻ tại trường học hiện nay chủ yếu phụ thuộc vào mức độ quan tâm của ban giám hiệu, hội cha mẹ học sinh. Khi mà các trường còn thiếu chuyên gia, thiếu kinh phí và hạn chế về cơ sở hạ tầng, họ sẽ có nhiều việc phải ưu tiên lo lắng hơn. Ở những nơi đó, do thiếu sự quan tâm sâu sát của người lớn, vấn đề bạo lực học đường xảy ra một cách nghiêm trọng và thường xuyên hơn.
Tôi tin, để giải quyết vấn đề bạo lực học đường một cách hiệu quả, gia đình và nhà trường phải song hành cùng với nhau trong việc giáo dục cũng như thấu hiểu trẻ.
Tôi vẫn nhớ mãi câu chuyện về một cậu bé ứng xử với bạo lực rất bình tĩnh, văn minh bằng cách thông báo với phụ huynh của bạn, đề cập sự việc rành mạch, chỉ ra khuyết điểm của bạn; nhưng vẫn bao dung chấp nhận lời xin lỗi nếu bạn có thành ý.
Cậu bé ấy là một sản phẩm của một nền giáo dục nhân văn. Thay vì lảng tránh, chạy trốn, cậu đối diện và xóa tan được bạo lực.
Người lớn cũng cần một cách tiếp cận tỉnh táo và căn cơ như vậy. Thay vì chỉ học về cách ứng phó khi bạo lực học đường xảy ra, các nhà trường cần xây dựng cũng như phát triển hệ thống công tác xã hội trường học và tâm lý học đường để ở đó có những chuyên gia, có những cán bộ, có những giáo viên được tập huấn, được trang bị kiến thức, kỹ năng để có thể đồng hành cùng với học sinh phòng ngừa cũng như giải quyết những tình huống xảy ra khi có bạo lực học đường.
Cùng với đó, nhà trường cần phải tổ chức các buổi hội thảo hướng dẫn phụ huynh xử lý tình huống khi con bị bạo lực hoặc con là người thực hiện hành vi bạo lực và các cách để phối hợp với nhà trường.
Chỉ khi nào các em thấy mình không bơ vơ, không đơn độc, được học tập và sinh hoạt trong một môi trường đề cao giá trị yêu thương và tôn trọng thì khi đó bạo lực học đường nếu xảy ra, sẽ không trở thành một vấn đề quá ám ảnh với xã hội./.