"Lỗi đạo cang thường" xoay quanh câu chuyện của hai gia đình Oanh – Thiện và Ba Huyền – Như Bình trong bối cảnh xã hội Nam Bộ xưa.
Thiện là thư toán cho một hãng xe nhỏ, lương chỉ vừa đủ nuôi vợ con. Dù vậy, Thiện luôn siêng năng làm việc, không để vợ con phải cực khổ một ngày. Oanh được Thiện chiều chuộng, chỉ việc ở nhà cơm nước và chăm con gái nhưng Oanh lại có sở thích đi nhảy đầm, chưng diện và cho rằng bạc tiền là thứ quan trọng quyết định cuộc sống con người. Ba Huyền là hàng xóm của gia đình Thiện – Oanh, làm nghề bán bánh ở chợ. Một mình Ba Huyền kiếm tiền nuôi con trai và lo cho chồng là Như Bình ăn học với mong muốn làm quan đổi đời. Thế nhưng Như Bình lại không bằng lòng với cô vợ tần tảo chỉ vì Ba Huyền không được dịu dàng nết na như những tiểu thư có ăn có học, cô lại có tính tình cương trực, khá vụng về trong ăn nói làm Như Bình nhiều lần tức giận vì bị mang tiếng ở rể, ăn bám nhà vợ.
Sóng gió bắt đầu xảy đến với hai gia đình khi Oanh quen biết Tuyết, bước chân vào thế giới của những người thượng lưu và lọt vào mắt xanh của Hội đồng Đàng. Oanh được tặng quà đắt tiền, được Hội đồng Đàng ve vãn dần siêu lòng và quyết định bỏ chồng bỏ con đi theo tiếng gọi tình yêu. Thiện đau đớn gục ngã tìm cách thuyết phục Oanh suy nghĩ lại nhưng cô quyết dứt tình một cách phũ phàng. Trong khi đó, bên nhà Ba Huyền, Như Bình đỗ đạt làm quan được phân công đi nhận việc ở Cần Thơ và phải lòng Hai Hương – người đàn bà góa chồng đã có hai con. Như Bình nhanh chóng bí mật làm đám cưới với Hai Hương, phụ bạc người vợ tào khang Ba Huyền... Người nhẫn tâm bỏ vợ, kẻ lạnh lùng để lại chồng con bơ vơ liệu sẽ có kết cục như thế nào?
Trong tình cảm vợ chồng, lòng thủy chung chính là thước đo của hạnh phúc. Vợ chồng là nghĩa trăm năm, nhưng đôi khi cuộc hôn nhân ấy không đi đến cuối con đường khi một trong hai lỗi đạo. Bộ phim tái hiện lại con người, bối cảnh xã hội Việt Nam vào những năm 1920 - 1945, đồng thời phản ánh phong tục tập quán của người dân vùng đất Nam Bộ lúc bấy giờ.
Đạo diễn của "Lỗi đạo cang thường" là NSƯT Hồ Ngọc Xum - một đạo diễn nổi tiếng của làng điện ảnh Việt Nam. Ông luôn giữ được tính tình hào sảng, hồn hậu với sự tinh tế trên con đường làm nghệ thuật của mình. Ông cho biết: "Cách đây khoảng 5 năm, tôi đã bắt đầu thai nghén ý tưởng kịch bản về một câu chuyện có đầy đủ tình nghĩa vợ chồng, tình cha con, tình bạn bè. Những tình tiết này đều nằm trong các cuốn tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh mà tôi đã đọc. Nhưng để làm được một tác phẩm 30 tập mà gói gọn đầy đủ các nội dung như vậy nếu chỉ sử dụng một cuốn tiểu thuyết thì không đủ. Tôi đã dành thời gian hơn hai năm để biên tập, chọn lọc những tình tiết đắt giá về chủ đề này. Trong đó có hai quyển sách chính là “Bỏ vợ” và “Bỏ chồng”, từ hai quyển tiểu thuyết này, tôi đã chắt lọc thành các tình tiết sử dụng trong phim làm sao để nổi bật được lên chủ đề chính đó là “tình nghĩa vợ chồng”. Thế nhưng cả nội dung phim không đơn giản chỉ là tình nghĩa vợ chồng, là ăn đời ở kiếp với nhau, nó còn là những triết lý xoay quanh văn hóa Á Đông là tam cang, ngũ thường. Vợ chồng phải đối xử với nhau như thế nào, con cái phải đối xử với cha mẹ như thế nào, là một người dân đối với thời cuộc đất nước ra sao. Đó là những câu chuyện mà Lỗi đạo cang thường đề cập đến.
Toàn bộ bối cảnh phim đều là chuyện đời xưa, nhưng trong xưa vẫn có nay, vẫn là những câu chuyện vợ chồng mà ta có thể bắt gặp đâu đó trong đời sống xã hội. Tôi mong muốn mượn những câu chuyện xưa đó như một lời nhắc nhẹ đến khán giả ngày nay, mong rằng ai cũng có thể sống tốt hơn, sống cho trọn tình trọn nghĩa vợ chồng, sống cho tròn hiếu thảo với cha mẹ, sống sao cho giữ nhân, lễ, nghĩa, trí, tín".
Dương Cẩm Lynh, diễn viên đóng vai Oanh cho biết: "Để chuẩn bị cho vai diễn, điều đầu tiên Lynh chú trọng chính là về diễn xuất. Bởi lẽ nhân vật Oanh có rất nhiều trường đoạn tâm lý thay đổi, từ một người phụ nữ có tâm tính đơn thuần cho đến khi trải qua quá nhiều truân chuyên, đau khổ và cả hắc hóa nên đòi hỏi mỗi một trường đoạn cần phải có một lối diễn thích hợp. Đặc biệt, Oanh về sau còn sa vào nghiện ngập khi tập tành hút thuốc phiện. Phải nói rằng đây là thử thách khá mới mẻ với Lynh vì từ trước đến nay Lynh chưa bao giờ thể hiện hình ảnh này.
Tiếp theo phải kể đến là trang phục của Oanh, vì là phim xưa và nhiều giai đoạn, từ lúc mình còn nghèo cho đến khi đã trở thành bà Hội đồng thì phục trang theo từng giai đoạn cũng cần phải thay đổi. Ngoài bà ba và áo dài là hai loại trang phục thường mặc, Oanh còn có sở thích nhảy nên Dương Cẩm Lynh cũng phải chuẩn bị khá nhiều bộ đầm thời xưa. Hy vọng là sẽ mang đến cho quý khán giả một trải nghiệm đầy đủ về cuộc sống của các cô gái tân thời ngày xưa"./.