Mùa mưa lũ Lai Châu năm nào cũng xảy ra sạt lở đất đá, làm nhiều tuyến giao thông bị chia cắt và hư hỏng nghiêm trọng, trong đó có nhiều tuyến đường liên bản, liên xã thường xuyên bị sạt lở, gây cô lập, khiến đời sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn.
Xã Mù Sang, huyện Phong Thổ, địa phương chịu thiệt hại nặng nề trong hai đợt mưa lũ hồi tháng 4 và đầu tháng 7 vừa qua, làm 4 người thiệt mạng, thiệt hại về tài sản của nhân dân nhiều tỷ đồng. Đây cũng là địa phương có tuyến đường liên xã và nhiều tuyến đường liên bản bị thiệt hại nặng, khi có hàng chục điểm sạt lở lớn nhỏ, gây chia cắt giao thông giữa các bản và xã với các xã khác trong vùng.
Dù bị thiệt hại nặng, nhưng chưa bao giờ xã Mù Sang bị cô lập dài ngày, do người dân chủ động tạo điều kiện cho nhà thầu khắc phục và huy động các lực lượng tại chỗ hỗ trợ nhà thầu hót sụt, sạt tại những điểm sạt lở nhỏ. Đặc biệt, vào đầu mùa mưa, chính quyền địa phương đã làm việc với các doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn đưa máy móc về các điểm xung yếu, nhằm túc trực đảm bảo giao thông khi có sự cố.
Ông Trần Hải Quý, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Hòa Quý, doanh nghiệp trên địa bàn huyện Phong Thổ chia sẻ: "Chúng tôi là các doanh nghiệp trên địa bàn của huyện, đang tập trung thi công các công trình trên huyện, nên đơn vị cũng chuẩn bị phương tiện máy móc, nhân lực và các vật tư. Khi trên địa bàn huyện mà có xảy ra sạt lở mà gây ách tắc đường xá, giao thông là bên đơn vị chúng tôi cũng tham gia tập trung thông tuyến một cách nhanh nhất".
Với địa hình đồi núi dốc, bị chia cắt nhiều bởi các sông, suối, mùa mưa lũ năm 2019, huyện biên giới Phong Thổ là địa phương bị thiệt hại về giao thông lớn nhất tỉnh Lai Châu, với trên 60 tỷ đồng. Ngoài các tuyến đường quốc lộ 100, 4D, tỉnh lộ 130, 132, hầu hết các tuyến đường liên xã, liên bản đều bị sạt lở. Nhiều xã, bản từng bị cô lập dài ngày, người dân thiếu nhu yếu phẩm và phải nhờ sự hỗ trợ từ bên ngoài mới đảm bảo cuộc sống.
Ông Vương Thế Mẫn, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ cho biết, rút kinh nghiệm từ năm trước, đầu mùa mưa năm nay, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của huyện đã chỉ đạo chính quyền các xã, thị trấn thành lập các đội cơ động thường xuyên kiểm tra các vị trí có nguy cơ sạt lở cao để cảnh báo người dân chủ động phòng chống. Ngoài ra, các xã có nhiệm vụ huy động các doanh nghiệp đang thi công các công trình trên các địa bàn, để phối hợp giúp huyện khắc phục sự cố giao thông trong mùa mưa lũ.
"Chúng tôi đã xây dựng phương án để ứng trực 24/24h, và đặc biệt là các lực lượng doanh nghiệp lao động trên địa bàn khi có sự cố sụt, sạt, tắc đường xảy ra thì sẽ có những phản ứng nhanh để thông đường. Nữa là đối với các tuyến đường độc đạo, thì chúng tôi tính toán phương án mở các tuyến mới để phá thế độc đạo của tuyến đường. Trong thời gian tới, huyện tiếp tục xây dựng các kế hoạch nâng cấp, mở mới các tuyến đường, để đảm bảo an toàn giao thông trong mùa mưa lũ".
Các doanh nghiệp và nhân dân chủ động thực hiện phương châm "4 tại chỗ" như chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư và phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ, nên các tuyến đường giao thông liên xã, liên bản trên địa bàn huyện biên giới Phong Thổ luôn được đảm bảo thông suốt. Ngoài ra, huyện và xã có kế hoạch dự phòng vật tư nông nghiệp, lương thực, thực phẩm và các loại nhu yếu phẩm cần thiết từ đầu mùa mưa nên đã đảm ổn định sản xuất và đời sống của Nhân dân trong mùa mưa lũ./.