Ngày 10/02/1930, một cuộc nổi dậy bằng vũ trang đã bùng phát tại Yên Bái, mở đầu cho hàng loạt các hoạt động bạo động chống Pháp tại nhiều địa phương thuộc miền Bắc nước ta, do Việt Nam quốc dân đảng tổ chức, lãnh đạo, nhằm mục đích lật đổ Chính quyền thuộc địa của Pháp để xây dựng một nước Việt Nam theo chính thể cộng hòa. Nhưng do nhiều nguyên nhân về tư tưởng hành động, về tổ chức và phương pháp đấu tranh, cuộc khởi nghĩa đã thất bại.
Các Đảng viên Việt Nam quốc dân đảng bị truy nã, giam cầm và hành hình. Lãnh tụ Nguyễn Thái Học cùng các chiến sỹ của ông bị giặc Pháp bắt, giải từ Hà Nội lên Yên Bái. Sau 2 lần xử chém, 17 vị anh hùng mưu giải phóng dân tộc trong cuộc khởi nghĩa Yên Bái đã hy sinh anh dũng.
Mặc dù thất bại nhưng Khởi nghĩa Yên Bái của Việt Nam Quốc dân Đảng đã có ảnh hưởng sâu sắc đến phong trào giải phóng dân tộc trên phạm vi toàn quốc và tiếng vang trên thế giới, cổ vũ tinh thần yêu nước, tô đậm truyền thống cách mạng của dân tộc ta.
Đánh giá cao ý nghĩa lịch sử của cuộc khởi nghĩa và tinh thần đấu tranh xả thân vì đất nước của các nghĩa sĩ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cấp bằng công nhận Khu di tích mộ Nguyễn Thái Học và các chiến sỹ hy sinh trong cuộc khởi nghĩa Yên Bái là Di tích lịch sử cấp Quốc gia.
Để đáp ứng nguyện vọng, tình cảm của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, năm 2018, UBND tỉnh Yên Bái đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình tu bổ, tôn tạo, mở rộng di tích mộ Nguyễn Thái Học và các chiến sỹ hy sinh trong cuộc khởi nghĩa Yên Bái với tổng mức đầu tư trên 41 tỷ đồng.
Trong chương trình Lễ kỷ niệm 89 năm Cuộc khởi nghĩa Yên Bái đã diễn ra Chương trình nghệ thuật sử thi đặc sắc với chủ đề "Cuộc khởi nghĩa Yên Bái - Khúc tráng ca bất tử”, gồm 3 chương: Chương I - "Đêm dài nô lệ”; Chương II - "Những anh linh còn mãi” và Chương III - "Yên Bái vững bước trên con đường đổi mới và phát triển”./.