Theo kết quả xét nghiệm nhận được lúc 19h30 ngày 15/3 từ Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, bệnh nhân nam, sinh năm 1987, quốc tịch Latvia, được xác định là bệnh nhân thứ 54 nhiễm Covid-19 ở Việt Nam (BN54).

Bệnh nhân cùng vợ (sinh năm 1988) đáp chuyến bay TK162 từ Tây Ban Nha tới TP.HCM ngày 8/3. Ngày 9/3, bệnh nhân đi Phú Quốc trên chuyến bay QH1521 và lưu trú tại khách sạn La Nube Residence từ 9-13/3. Ngày 13/3, bệnh nhân về lại TP.HCM trên chuyến bay QH1524 và ở tại các khách sạn thuộc quận 1 và 4.

Khoảng 16h ngày 14/3, bệnh nhân có biểu hiện sốt, tự đi khám tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, được lấy mẫu xét nghiệm, cho kết quả dương tính.

vov_kiengiang_htys.jpg
Kiên Giang họp khẩn vào chiều tối 15/3.

Trong sáng nay (15/3) Phú Quốc đã phong toả khách sạn mà vị khách này lưu trú và thực hiện cách ly toàn bộ nhân viên của khách sạn tại chỗ.

Ngay trong chiều tối nay (15/3), đoàn công tác của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid 19 tỉnh Kiên Giang làm việc khẩn cấp với UBND huyện Phú Quốc và các cơ ban chức năng của huyện để rà soát và đề ra biện pháp cách ly, tiêu độc khử trùng ở những nơi mà du khách đến từ Tây Ban Nha lưu trú và đi lại ở trong thời gian ở Phú Quốc từ ngày 9/3 đến ngày 13/3.

Theo báo cáo của trung tâm y tế huyện Phú Quốc, qua công tác rà soát có 210 người tiếp xúc với hành khách đến từ Tây Ban Nha trên chuyến bay QH 1521 từ TP.HCM đến Phú Quốc lúc 14h10 ngày 9/3 và chuyến bay QH 1524 từ Phú Quốc về TP.HCM lúc 21h22 ngày 13/3.

Theo đó, có 85 người trên chuyến bay QH1521 ngày 9/3 TP HCM – Phú Quốc, có 81 ngươi tiếp xúc trên chuyến bay QH 1524 Phú Quốc – TP HCM ngày 13/3, 32 người tại khách sạn ở Phú Quốc nơi du khách này lưu trú và 12 người là nhân viên sân bay, công an cửa khẩu.

Tại cuộc họp, ông Mai Văn Huỳnh, Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc chỉ đạo Công an huyện phối hợp với Công an cửa khẩu, Giám đốc sân bay quốc tế Phú Quốc điều tra khẩn trương tất cả những người cùng đi với 2 vợ chồng hành khách nước ngoài này và cung cấp đầy đủ các thông tin về chuyến bay ngày 13/3 từ PQ đi TP  HCM.

Ông Huỳnh chỉ đạo phải tăng cường quản lý nhân khẩu, hộ tịch hộ khẩu nơi cư trú, không phải chỉ có khách du lịch, kể cả lao động di cư; Tạm dừng có thời hạn đối với người nước ngoài ra Phú Quốc bằng các đường tàu phà; tăng cường kiểm tra y tế của khách nội địa;  tăng cường kiểm tra y tế khách nội địa đường phà tàu; tạm dừng hoạt  động chợ đêm, các cơ sở dịch vụ karaoke, massage… để kiểm soát dịch bệnh có thời hạn. Bắt đầu từ ngày mai, toàn bộ học sinh trên đảo được nghỉ học cho đến khi có thông báo mới.

Ông Huỳnh cũng đề nghị tỉnh tạm ngưng không tiếp nhận người  nước ngoài ra đảo; chuẩn bị ngay bệnh viện dã chiến ứng phó với kịch bản đặt ra là có  1.000 người F1 bị nghi ngờ; đồng thời đề nghị Sở Y tế tăng cường nguồn lực, trang thiết bị cho kịch bản này; kêu gọi các bệnh viện trên địa bàn cùng phối hợp vào cuộc, kêu gọi người dân bình tĩnh, không hoang mang.

"Huy động cả hệ thống chính trị ở cơ sở như mặt trận, đoàn thể tới tổ nhân dân tự quản phải đẩy mạnh tuyên truyền cho dân trước hết là bĩnh tĩnh, đừng hoang mang với dịch bệnh. Hai là phải phối hợp tự giác, chủ động để giữ mình cho bản thân mình và lây cho cộng đồng. Đây là trách nhiệm, là nghĩa vụ của công dân phải làm" - ông Huỳnh cho biết.

Ông Đỗ Thanh Bình, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang chỉ đạo người dân ở các bến xe tàu, nơi công cộng phải đeo khẩu trang và khai báo điện tử toàn dân; chuẩn bị khu cách ly đảm bảo tiện nghi, xa khu dân cư; không được phân biệt đối xử người Việt Nam với người nước ngoài. Tỉnh cũng sẽ kiến nghị khả năng tạm dừng khách nước ngoài vào đảo bằng tất cả các đường để phòng chống dịch bệnh trong giai đoạn này./.