Ngày 18/6, thành phố Đà Nẵng ghi nhận 1 ca mắc Covid-19 sau 31 ngày không có ca mắc trong cộng đồng. Nguyên nhân lây nhiễm là một lái xe từ TP.HCM vào Đà Nẵng lúc 1h45 ngày 11/6 mà không qua bất cứ trạm kiểm soát nào, không khai báo y tế. Sau đó, lái xe này trở lại TP.HCM không gặp phải chốt kiểm soát nào.
Sau sự việc này, tại thành phố Đà Nẵng xuất hiện 2 luồng ý kiến trái chiều. Một luồng ý kiến đề nghị xử lý nghiêm ca trực chốt kiểm soát dịch cửa ô phía Nam đã bỏ chốt từ 0h đến 6h ngày 11/6, ca trực không hoàn thành nhiệm vụ. Luồng thứ hai là nên thông cảm bởi thời tiết nắng nóng dễ sơ suất.
Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, việc kiểm soát dịch tại cửa ngõ ra vào Đà Nẵng là nhiệm vụ quan trọng, góp phần giữ cuộc sống bình yên cho người dân. Vấn đề đặt ra là tổ chức như thế nào cho thuận lợi đối với người dân và lực lượng thực thi công vụ.
Người dân Đà Nẵng vẫn còn nhớ, giữa tháng 5 vừa qua, tại Đà Nẵng từng xảy ra vụ việc 26 người nhập cảnh hoàn thành cách ly y tế ở tỉnh Quảng Nam, tự do ra bến xe Trung tâm thành phố Đà Nẵng để tìm phương tiện về các tỉnh phía Bắc. Sau đó, các lực lượng chức năng ở Đà Nẵng chạy đôn chạy đáo đi tìm để đưa họ trở lại khu cách ly? Rất may sau đó không xảy ra trường hợp nào mắc Covid-19.
Đợt chống dịch này, thành phố Đà Nẵng quyết định lập 12 trạm kiểm soát phòng chống dịch Covid-19 tại 12 cửa ngõ ra vào thành phố. Đây là 1 trong những biện pháp giám sát tốt nhất có thể phòng ngừa dịch bệnh từ xa, giám sát người từ vùng dịch ra vào. Thành phố có đủ nhân lực và phương tiện để thực hiện nhiệm vụ này.
Việc lập trạm kiểm soát phòng chống dịch dù không thể kiểm soát tuyệt đối 100% người ra vào nhưng cũng tạo được ý thức tốt đối với người từ nơi khác muốn vào thành phố là phải khai báo y tế. Thêm nữa, việc lập chốt kiểm soát dịch là phương pháp để truy vết khi phát hiện ca dương tính, có cơ sở xử lý nghiêm người khai báo y tế gian dối nếu để lây lan dịch bệnh.
Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng khẳng định việc lập chốt kiểm soát dịch là nhiệm vụ quan trọng trong phòng, chống dịch Covid-19 hiện nay; đồng thời chia sẻ với những khó khăn, vất vả của các lực lượng tham gia trực chốt trong điều kiện thời tiết nóng bức.
“Tôi rất chia sẻ một số ý kiến, trong đó có nêu một số khó khăn của lực lượng Công an, Y tế nhưng tôi xin nhắc lại là thời điểm này, không có nhiệm vụ nào quan trọng hơn nhiệm vụ phòng chống dịch. Đây là nhiệm vụ hàng đầu nên việc phân bố triển khai lực lượng ở mỗi một thời điểm chúng ta phải bố trí sao cho phù hợp để phục vụ cho yêu cầu nhiệm vụ đó. Tôi đã từng đi kiểm tra về việc tăng cường lực lượng để lập các chốt này. Tôi thấy khi lập trạm thì không phải tăng quá nhiều so với các chốt mà lực lượng cảnh sát giao thông đang chốt (khi chưa có dịch). Vấn đề là chúng ta phải tổ chức như thế nào thôi”, ông Quảng cho hay.
Ngày 29/5/2021, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng ban hành Quyết định số 78 “Về việc thành lập các chốt kiểm soát dịch liên ngành tại các cửa ngõ ra vào thành phố Đà Nẵng”.
Theo quyết định này, từ chốt 1 đến chốt 12 đều do Công an thành phố làm Tổ trưởng. Mỗi chốt từ 16 đến 20 người, trong đó, lực lượng Công an từ 2 đến 4 người mỗi ca trực, lực lượng y tế từ 2-3 người, còn lại là lực lượng Biên phòng, Quân sự, Đoàn Thanh niên, dân quân tự vệ. Mỗi ngày có 3 ca trực làm việc, ca 1 từ 6h đến 13h, ca thứ hai từ 13h đến 20h và ca thứ ba làm việc từ 20h đến 6h sáng hôm sau.
Qua gần 1 tháng hoạt động, các trạm kiểm soát phòng chống dịch ở thành phố Đà Nẵng vẫn còn lúng túng trong việc bố trí, phân làn sao cho hợp lý. Một số trạm thiếu các phương tiện làm mát như lều bạt, máy quạt, máy quét mã QR, máy đọc mã QR. Một số trạm dựng ngay trên mặt đường dẫn đến ách tắc giao thông. Người dân làm thủ tục ngoài nắng cũng có nhiều bức xúc. Lực lượng làm nhiệm vụ trong nắng nóng cũng mệt mỏi.
Ngày 22/6, ông Lê Quang Nam, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng đã họp với các ngành, địa phương bàn phương án tổ chức lại các trạm này sao cho hợp lý, hiệu quả. Hiện, UBND thành phố đã giao Công an thành phố phối hợp với Sở Giao thông- Vận tải tổ chức phân luồng hợp lý hơn tại các chốt. Mặt khác, tăng cường lực lượng Công an, Y tế, thanh niên tình nguyện để rút ngắn thời gian làm việc mỗi ca.
Ông Lê Quang Nam, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho biết: "Bây giờ giao lại cho Công an với Sở Giao thông- Vận tải nghiên cứu lại phân luồng sau cho hợp lý kể cả vị trí các chốt bố trí sao cho phù hợp. Thứ hai nữa là có thể tăng cường lực lượng, cả Công an, y tế và các lực lượng khác, đảm bảo chia mỗi ngày 4 ca chứ 3 ca thì chịu không nổi. Đề xuất một số nội dung kiểm soát xe. Ví dụ xe vào địa phận Đà Nẵng thì cửa ô đầu tiên chặn xe, lên kiểm đếm người trên xe, phát cho lái xe một cái phiếu ghi rõ số người trên xe. Ví như trên xe có 30 người mà ra cửa ô phía Bắc thiếu đi 1 người thì lái xe phải chịu trách nhiệm”, ông Nam nêu ý kiến.
Từ đầu tháng 5 đến nay, các ngành, địa phương liên tục phản ánh tình trạng xe khách đường dài không có tuyến Đà Nẵng nhưng trả khách dọc đường trên tuyến tránh nam Hải Vân, dễ lây lan mầm bệnh vì không thể kiểm soát được những người này. Công an thành phố Đà Nẵng giải thích, tuyến tránh Nam Hải Vân và cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đều do Tổng cục đường bộ quản lý đường sá, Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an quản lý phương tiện. Vì vậy, suốt thời gian dài, xe khách từ các vùng dịch ngang qua địa phận Đà Nẵng đã ngang nhiên trả khách dọc đường.
Ngày 21/6, Đại tá Trần Đình Chung, Phó Giám đốc Công an thành phố Đà Nẵng cho biết, đã có văn bản gửi Bộ Công an, Cục Cảnh sát Giao thông giải quyết việc này. Cục Cảnh sát giao thông đã yêu cầu phòng 8 thuộc Cục là đơn vị phụ trách khu vực miền Trung lập chốt trên cao tốc, kiểm soát xe từ phía Nam ra và nhận lại phiếu từ phía Bắc vào, kiểm đếm số người trên xe, không để người từ vùng dịch tự tiện xuống dọc đường.
“Chúng tôi dự kiến thực hiện 4 điểm kiểm soát. Từ phía Nam ra sẽ có trạm tại cửa ô Hòa Phước, chốt trên cao tốc do Cục Cảnh sát Giao thông đảm nhiệm. Các chốt này sẽ có trách nhiệm kiểm tra số lượng người trên phương tiện số bao nhiêu. Khi phương tiện ra đến đường hầm Hải Vân cũng có chốt do Công an thành phố đảm nhiệm hoặc xe lên đèo Hải Vân cũng có chốt trên đó kiểm soát số lượng người trên phương tiện đó có còn đủ như lúc vào hay không. Còn đối với xe vào thành phố chúng tôi cũng sẽ phát phiếu yêu cầu ghi rõ đến địa điểm nào và ở lại thời gian bao lâu”, Đại tá Trần Đình Chung cho biết thêm.
Ngay sau khi Đà Nẵng tăng cường kiểm soát người và phương tiện ra vào thành phố, ngày hôm qua (22/6), các lực lượng chức năng đã triển khai dừng 20.087 phương tiện yêu cầu kiểm tra thân nhiệt, khai báo y tế 34.706 người, gấp đôi những ngày trước đó.
Điều này cho thấy, những ngày trước đây, việc kiểm soát người và phương tiện ra vào thành phố chưa chặt chẽ. Vì thế, khi tăng cường kiểm soát đã xảy ra tình trạng ùn ứ. Thế nhưng, không vì tình trạng ùn ứ phương tiện trước mắt mà lơi lỏng công tác kiểm soát dịch tại các cửa ngõ ra vào.
Hiện thành phố đã và đang thay đổi phương pháp kiểm soát, giảm ùn ứ giao thông, tạo thuận lợi cho người dân khai báo y tế. Kiểm soát dịch tại các cửa ngõ ra vào Đà Nẵng tiếp tục là nhiệm vụ quan trọng trong lúc này./.