Cộng đồng người Đan Lai sinh sống ở huyện Con Cuông, Nghệ An với khoảng 3.000 nhân khẩu. Trước đây người Đan Lai sinh sống ở vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát, trong đó tập trung nhiều nhất ở thượng nguồn sông Giăng - khe Khặng. Trải qua một thời gian dài sống cách biệt với thế giới bên ngoài, phương thức sinh sống chủ yếu của người Đan Lai là săn bắt, hái lượm, dựa vào tự nhiên. Chính vì vậy họ đối diện với các nguy cơ về kinh tế, xã hội, suy thoái giống nòi do quan hệ cận huyết.

Trước tình trạng này, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách nhằm hỗ trợ cộng đồng Đan Lai hòa nhập và phát triển bền vững. Ngày 16/12/2006, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 280/2006/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Bảo tồn và phát triển bền vững tộc người thiểu số Đan Lai hiện đang sinh sống tại vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát, huyện Con Cuông.

Mục tiêu của đề án là nâng cao điều kiện sống, phát triển kinh tế - xã hội nhằm bảo tồn và phát triển bền vững tộc người này, đồng thời đảm bảo khu vực an ninh biên giới, bảo vệ hệ sinh thái Vườn quốc gia Pù Mát.

vov_tdc_1_ehut.jpg
Khu tái định cư bản Kẻ Tắt được đầu tư với tổng số vốn lên đến hơn 36 tỷ đồng, tuy nhiên sau khi hoàn thành lại rơi vào cảnh “bỏ hoang”.

Nằm trong đề án có Khu tái định cư Kẻ Tắt, xã Thạch Ngàn, huyện Con Cuông được phê duyệt đầu tư xây dựng năm 2010 bao gồm 35 ngôi nhà và các công trình phụ trợ kèm theo như trường học, nhà ở giáo viên, nhà văn hóa cộng đồng, trạm y tế… trên tổng diện tích 100 ha với tổng số vốn trên 36,8 tỷ.

Dự kiến sau khi hoàn thành, sẽ có 35 hộ dân thuộc cộng đồng người Đan Lai tại bản Cò Phạt, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông  di dời ra khu tái định cư để sinh sống.

Một số công trình đã bắt đầu xuống cấp sau nhiều năm nằm không “phơi nắng, tắm mưa”.

Nhiều năm nay, hầu hết các hạng mục công trình đã được hoàn thành nhưng đến nay vẫn chưa có dân đến ở. Những công trình xây dựng, nằm phơi sương, dần rơi vào cảnh hoang tàn, xuống cấp.

Những dãy nhà sàn dành cho các hộ dân cũng đã bắt đầu hư hỏng.

Những ngôi nhà sàn được đầu tư với trị giá khoảng 200 triệu đồng/căn đã bắt đầu xuống cấp. Hệ thống nước, điện, trường học, nhà y tế cũng bắt đầu hư hỏng. Cây cối, cỏ mọc um tùm tạo nên một khung cảnh hoang tàn, khiến nhiều người không khỏi xót xa.

Cỏ mọc um tùm tạo nên một khung cảnh hoang tàn nơi đây.

Ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng huyện Con Cuông, Nghệ An cho biết: Tổng đầu tư của dự án khoảng 36 tỷ đồng, đến thời điểm này đã giải ngân được hơn 30 tỷ đồng. Nhiều năm nay, các công trình cơ bản đã được hoàn thành, tuy nhiên chưa được bàn giao nên một số ngôi nhà có biểu hiện xuống cấp. Thời điểm bàn giao đưa vào sử dụng sẽ yêu cầu các nhà thầu sửa chữa hoàn thiện để bàn giao cho người dân.

Cũng theo ông Tuấn, lý do người dân chưa di dời ra khu tái định cư là vì nguồn vốn dùng để di dân, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, ổn định đời sống hiện vẫn chưa được bố trí. Dự kiến trong khoảng quý III năm 2018 sẽ thực hiện di dời người dân ra nơi ở mới để sinh sống./.