Từ tỉnh Khánh Hòa, vượt đèo Cả, men theo đường rẽ dốc đứng, ngoằn ngoèo nơi lưng đèo xa xa thấp thoáng làng chài Vũng Rô nép mình dưới chân núi Hảo Sơn, tỉnh Phú Yên.

Theo tàu của ngư dân luồn lách qua cơ man lồng bè nuôi tôm hùm và nuôi cá trên vịnh ở khu vực Bãi Hương, khu lồng bè nuôi hải sản lớn nhất ở Vũng Rô đã đập vào mắt. Gần 200 lồng nuôi được liên kết với nhau, rộng hàng ngàn mét vuông. Lồng nào cũng dày đặc cá mú, cá bớp. Trên bè là nhiều khu nhà được dựng chắc chắn, chia thành nơi điều hành, ăn ở, sinh hoạt khép kín cho hàng chục người.

Vung-Ro1.jpg

Các lồng bè nuôi tôm, cá san sát ở Vũng Rô

Ông Trần Tấn Hạnh, quê Đồng Tháp- quản công một bè cá tiết lộ: “Toàn bộ cá giống nuôi ở đây đều được tàu của người Trung Quốc chở sang. Mỗi khi thu hoạch, tàu Trung Quốc sẽ cập tại bè để chở hàng trăm tấn cá về thẳng nước họ. Công nhân làm việc tại khu bè này do người Trung Quốc trực tiếp trả lương”.

Theo quy hoạch phát triển của tỉnh Phú Yên, vịnh Vũng Rô nằm trong Khu Kinh tế phía Nam của tỉnh, là cảng hàng hóa phục vụ phát triển công nghiệp hóa dầu, không cấp phép nuôi trồng thủy sản. Thế nhưng, trên vịnh Vũng Rô hiện có gần 300 bè nuôi cá, nuôi tôm hùm lồng tự phát của người dân, trong đó có 5 khu lồng bè quy mô lớn của các doanh nghiệp, trải dài từ Bãi Chùa, Bãi Hương và Bãi Lau thuộc thôn Vũng Rô, xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa.

Từ năm 2005, cả chục người Trung Quốc với mác chuyên gia hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá mú và cá bớp đã có mặt ở Vũng Rô. Nhưng thực chất, đây là những ông chủ núp bóng tại các cơ sở nuôi trồng thủy sản tại đây.

Thật khó hiểu là, UBND tỉnh Phú Yên không chủ trương cấp phép đối với các cơ sở nuôi trồng thủy sản tại Vũng Rô nhưng lại thoải mái cấp giấy phép hoạt động cho 10 người nước ngoài mà chủ yếu là người Trung Quốc với vai trò chuyên gia hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá mú và cá bớp ở khu vực này!

Còn UBND xã Hòa Xuân Nam thì cho rằng vì không có thẩm quyền cấp phép nên chính quyền sở tại không thể quản lý, thu thuế đối với các doanh nghiệp và cá nhân này.

Điều khó hiểu là chỉ dựa vào Tờ trình của doanh nghiệp, Văn phòng UBND tỉnh Phú Yên đã vội vàng ban hành văn bản cho phép hoạt động. Việc cấp phép dễ dãi đến mức chủ doanh nghiệp tư nhân Vĩnh Tín là bà Lâm Mỹ Khanh cũng xin được giấy phép hoạt động tại Vũng Rô cho người chồng không hôn thú, không có thị thực là ông Cheng Tsao Chiang.

Tỉnh ủy Khánh Hòa và Tỉnh ủy Phú Yên đã chỉ đạo và yêu cầu chính quyền cơ sở, các ngành liên quan tiến hành tự kiểm điểm về các sai phạm.

Thế nhưng, đến thời điểm này khi sự việc hai năm rõ mười, các ngành vẫn còn loay hoay kiểm điểm. Không biết đến khi nào dư luận mới có câu trả lời thỏa đáng!

Tương tự, bà Bùi Thị Bích Ly, trú quán ở tỉnh Bạc Liêu, Giám đốc Công ty TNHH Thuận Hoàng cũng được UBND tỉnh Phú Yên đồng ý cho em rể là người Đài Loan vào hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá trên bè của mình. Bà Ly còn xin được giấy phép nuôi trồng thủy sản tại vịnh Vũng Rô cho 3 người nước ngoài khác.

Vậy là, hàng chục người nước ngoài sinh sống và làm việc tại khu vực này không hề có giấy phép lao động, cũng không đăng ký tạm trú nhiều năm qua mà chính quyền địa phương, biên phòng, công an và ngành lao động, thương bình và xã hội không hề hay biết?

Ông Đào Thái Cường, Trưởng thôn Vũng Rô, xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa cho biết: “Người Trung Quốc đến rồi ở tại đó luôn. Nhưng giờ họ đi rồi và giao lại cho người thân ở đó. Bè của họ đầu tư nhưng giao cho người mình đứng tên.”

Khi được hỏi có biết việc tàu nước ngoài vào thu mua thủy sản trên vịnh, ông Cường khẳng định: “Giống của họ chuyển vào, khi xuất thì có tàu Trung Quốc vô, còn họ chở đâu thì không biết. Chắc là họ đăng ký biên phòng chứ mình không quản lý cái đó”

Khi dư luận lên tiếng bất bình về trách nhiệm trong việc cấp phép nuôi trồng thủy sản tại khu vực này, đặc biệt là quản lý lao động người nước ngoài thì chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng của tỉnh Phú Yên lại đưa ra những lý lẽ riêng.

Ông Nguyễn Xuân Ngân, Chuyên viên Phòng Việc làm- An toàn lao động, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Yên cho biết: “Hoạt động, kinh doanh sản xuất ở đây bắt buộc phải báo cáo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội,  báo cáo địa phương để được hướng dẫn. Dưới 3 tháng cũng phải báo cáo. Tôi quản lý hồ sơ ở đây nhưng chưa nhận được, chưa thấy chuyên gia Trung Quốc nào tới để được hướng dẫn. Sở chưa cấp phép cho bất kỳ người nước ngoài nào làm việc tại Vũng Rô”.

Ngay từ năm 2007, UBND tỉnh Phú Yên đã có văn bản chấn chỉnh tình trạng nuôi trồng thuỷ sản trái phép tại khu vực thôn Vũng Rô, xã Hoà Xuân Nam, nhưng thực tế đang diễn ra có thể thấy UBND huyện Đông Hoà và các ngành chức năng đã phớt lờ ý kiến chỉ đạo của cấp trên.

Một văn bản thông báo cho phép người nước ngoài làm việc tại Phú Yên của Văn phòng UBND tỉnh Phú Yên

Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên thẳng thắn nhận khuyết điểm vì không chỉ đạo kịp thời, để kéo dài tình trạng doanh nghiệp, cá nhân nuôi trồng thủy sản dày kín ở Vũng Rô, không xử lý những người nước ngoài sinh sống và làm việc trái phép trên địa bàn.

Thực tế hiện nay cho thấy, việc Tổng cục Thủy sản cấp phép cho tàu nước ngoài được đi vào một số cảng biển trong nước để thu mua hải sản đã gây không ít khó khăn cho địa phương trong công tác quản lý và kiểm soát hàng hóa xuất khẩu; rất khó quản lý người nước ngoài làm việc trên tàu và mua bán thủy sản.

Ông Huỳnh Tấn Việt, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phú Yên đề nghị: “Cần kiểm tra làm rõ xem việc cho phép các tàu vào làm ăn ở Phú Yên như thời gian qua có lợi gì. Vì mặt nước đẹp nhất, điều kiện thuận lợi nhất sao thấy họ toàn báo cáo lỗ? Tiếp nhận họ là để mình nhận lấy kỹ thuật cao, nhưng thực tế có được như vậy không, thuế thu thế nào?”

“Quan điểm của Thường trực Tỉnh ủy rất rõ ràng, là phải kiểm tra lại toàn bộ. Tổ chức, cá nhân nào có sai phạm phải bị xử lý nghiêm túc và đúng luật pháp Việt Nam”- Ông Huỳnh Tấn Việt bức xúc.

Nước ta đã có những quy định cụ thể về quản lý người nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Thế nhưng, tình trạng lao động nước ngoài, chủ yếu là người Trung Quốc sống và làm việc trái phép trên các lồng bè nuôi tôm, cá tại vịnh Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa và vịnh Vũng Rô, tỉnh Phú Yên diễn ra đã lâu nhưng không ai xử lý. Phải chăng chính quyền địa phương cùng các ngành chức năng đã thiếu trách nhiệm, chưa thực hiện đúng các quy định của pháp luật?./.